Tỷ phú Mỹ, Tổng thống Putin và lời 'đe dọa' quân sự hóa trí thông minh nhân tạo

Ông Putin “vô tình” hé lộ tham vọng Nga trở thành một siêu cường trong công nghệ, và quân đội Nga đang làm tốt điều này.

Tỷ phú Elon Musk gần đây đã bày tỏ nỗi lo lắng rằng, các quốc gia, đặc biệt là Nga đang chạy đua giành quyền thống trị trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI), và điều này có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 3. Tuyên bố gây sốc này đã khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi vì trong suy nghĩ của cộng đồng quốc tế, Nga chưa bao giờ là một cường quốc về  trí thông minh nhân tạo.

Sự chú ý của Musk đối với Nga xuất phát từ một bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước các học sinh vào ngày 01/9 vừa qua. “Ai trở thành nhà lãnh đạo trong lĩnh vực này [trí thông minh nhân tạo] sẽ thống trị thế giới,” ông Putin nói. Tỷ phú người Mỹ “đáp trả” Tổng thống Nga một cách khéo léo khi viết trên Twitter: “Nó đã bắt đầu…”

Nga: lính mới trong lĩnh vực trí thông nhân tạo?

Hãng tin Bloomberg nhận định, thật ra nước Nga không phải là một “tay mơ” trong địa hạt AI; chỉ là những thành tựu mà nước này đạt được hiện vẫn đang “ở ngoài tầm ngắm” của thế giới. Mọi người thường thảo luận về AI trong những công ty lớn tại thung lũng Sillicon hay những trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Không có một cái tên Nga nổi bật nào trong danh sách những nhà điều hành, đầu tư hay sáng chế nổi danh về AI. Bảng xếp hạng “Những người ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực AI” của IBM chỉ bao gồm duy nhất một người nói tiếng Nga là Roman Yampolskiy. Cũng như tỷ phú Musk, Yampolskiy lo lắng cho một  thảm họa AI – và ông này thực ra đến từ Latvia, chứ không phải là Nga.

Nga dường như cũng không thành công trong việc quảng bá và thương mại hóa các thành tựu công nghệ của mình. Prisma, một ứng dụng AI giúp biến đổi các bức ảnh thành các tác phẩm hội họa theo phong cách nhiều nghệ sỹ nổi tiếng – mặc dù từng “gây bão” tại các nước hậu Liên Xô năm ngoái, nhưng lại không thể trở thành một hiện tượng trên thị trường toàn cầu. Các startup AI khác của Nga chỉ được biết đến trong giới chuyên môn. Trong khi các tập đoàn công nghệ thông tin lớn của nước này như Yandex và Mail.ru Group… đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm AI, những kết quả này thông thường lại bị “lấn lướt” bởi các đối thủ đến từ phương Tây.

Tuy nhiên, ngay ở bên trong nước Nga, các hoạt động nghiên cứu về AI lại vẫn diễn ra liên tục. Viện cơ học vật lý Moscow hiện đang tiến hành những nghiên cứu về “trí thông minh cảm xúc” và chính phủ Nga dự định sẽ áp dụng công nghệ này vào các sáng kiến trong chính phủ điện tử và quân đội. Nga hiện cũng đang đứng thứ tư thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ) về số lượng người sử dụng Kaggle – nền tảng crowdsourcing (hình thức giao công việc đó cho một cộng đồng hoặc một nhóm người, thông qua một “lời kêu gọi” để tất cả có thể cùng đóng góp thực hiện công việc đó) không thể thiếu cho hầu hết tất cả các nhà nghiên cứu AI.

Ngân hàng phát triển BRICS (thể chế tài chính thành lập bởi 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), đã thông qua khoản vay cho phép Nga phát triển một dự án áp dụng AI vào các tòa án tại Nga, cho phép tự động hóa việc ghi âm các phiên xét xử sử dụng nhận dạng giọng nói.

Các tin tức về việc đưa trí thông minh nhân tạo vào lĩnh vực quân sự cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều trên phương tiện truyền thông của Nga trong thời gian gần đây. Có thể nhắc tới  dự án áp dụng trí thông minh nhân tạo cho các máy bay không người lái của tập đoàn Kronstadt; cho tên lửa của tập đoàn Tactical Missiles Corporation hay mô hình chiến đấu dựa trên mạng lưới thần kinh của Kalashnikov… Chi tiết xung quanh các dự án này không được công khai và độ xác thực vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, Nga vẫn nổi tiếng với việc thử nghiệm các mô hình vũ khí mới, ngay cả trong các chiến dịch tại Syria; vì vậy, khả năng áp dụng AI là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tập đoàn sản xuất vũ khí Nga Kalashnikov muốn đưa trí thông minh nhân tạo vào hệ thống máy bay không người lái

Theo Bloomberg, tương tự như trong thời kỳ Xô-viết, tại Nga, việc ứng dụng AI trong quân sự đang phát triển nhanh hơn trong dân sự. Các dự án quân sự nhận được sự đảm bảo về tài chính từ chính phủ, và không phải đối mặt với nhiều rào cản như các công ty tư nhân hay nghiên cứu học thuật.

Trí thông minh nhân tạo “châm ngòi” cho Thế chiến thứ 3?

Tỷ phú Elon Musk đã đúng khi cho rằng, Trung Quốc không phải là đối thủ tiềm năng duy nhất của Mỹ trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Dựa vào số lượng người sử dụng Kaggle, Ấn Độ đang có những bước tiến dài. Tháng trước, Musk và một nhóm các nhà nghiên cứu AI đã kêu gọi thi hành một lệnh cấm toàn cầu đối với các vũ khí robot. Mặc dù đúng thời điểm, nhưng Bloomberg đánh giá, lệnh cấm này rất khó thực hiện, thậm chí hơn cả các lệnh cấm vũ khí hóa học hay tấn công mạng. Nguyên do chính là, việc sử dụng các loại vũ khí - bề ngoài là truyền thống, nhưng thực chất là tự động - rất khó phát hiện. Bên cạnh đó, các quốc gia như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, chắc chắn sẽ phản đối kịch liệt trước bất kỳ lệnh cấm nào mà phương Tây đưa ra.

Sự hiện diện của trí thông minh nhân tạo trong vũ khí sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với khả năng nó có thể thay thể bộ óc của con người trong các ứng dụng dân sự. Về vấn đề này, cảnh báo của Elon Musk và phát biểu của Tổng thống Nga – thật sự cần được nhìn nhận nghiêm túc.

(Theo Bloomberg)

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/ty-phu-my-tong-thong-putin-va-loi-de-doa-quan-su-hoa-tri-thong-minh-nhan-tao-252812.html