Tỷ phú Khmer sở hữu trên 100 công ruộng lúa cùng giấc mơ đại điền

Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước nhưng nhiều nơi cũng bí bức trong những mảnh ruộng hộ gia đình nhỏ bé, manh mún, mạnh ai nấy làm và nhiều người đang cố thoát ra.

Ông Tùng với cây cầu do ông bỏ tiền vừa bắc qua kinh

* "Đất tui mua bằng đồng tiền lương thiện"

Ông Thạch Ngọc Tùng, 43 tuổi, người dân tộc Khmer ở ấp Phú Hòa A, xã Phú Tâm (Châu Thành, Sóc Trăng) là một trong số đó.

Giữa buổi khó tìm ông vì ông ở ngoài ruộng. Cô con gái lớn đang học lớp 11 vòng tay, lễ phép: “Dạ thưa chú, ba con đang ra ruộng trông coi xịt thuốc cho lúa. Chú có việc gì gấp thì để con gọi điện cho ba về ạ”. Rồi cô gái mau mắn điện thoại. Chỉ lát sau, ông Tùng trên chiếc Dream cũ tất tả chạy về. Dáng người chắc đậm, gương mặt hiền lành, chất phác, giản dị trong chiếc áo sơ mi trắng ngả màu cháo lòng. Nhìn ông ít ai nghĩ ông là người giàu có tiếng trong vùng.

Quá trình tích cóp

Vồn vã mời khách chai nước suối, ông hồn hậu kể về quá trình tạo dựng cơ nghiệp của mình từ nghèo khó. Khởi đầu chỉ 10 công đất ruộng cha mẹ cho khi ra riêng, ông cùng vợ đổ mồ hôi sôi nước mắt đêm ngày bám đất.

Hễ có chút tiền dư giả, vợ chồng ông mua thêm ruộng. Hồi đó, ruộng ở đây làm không có ăn nên giá cả cũng khá rẻ. Ông tâm sự: “Vợ chồng tính toán, thấy mình sinh ra từ đồng ruộng, cuộc sống chỉ biết dựa vào đồng ruộng thì phải có nhiều ruộng mới hy vọng khá lên được. Chứ ở nông thôn mà ít ruộng đất thì khổ lắm, bởi còn sinh con đẻ cái, ruộng đất phải chia ra cho con cái đứa một ít, sẽ già đời không ngóc đầu lên được”. Lăn lưng ra làm và tằn tiện chi tiêu để đất không ngừng mở rộng cho nhiều lúa, lúa sinh ra tiền, có tiền lại tiếp tục mua đất. Cứ thế tích cóp dần dần, hiện ông đã có trên 100 công ruộng lúa, tức là trên 10ha.

Bằng giọng nhẹ nhàng nhưng rành mạch của một nhà nông trải nghề, ông tính toán: một công đất làm một vụ lúa mất chừng 4 tháng, sau khi trừ tất cả các chi phí như giống, phân, thuốc, nhân công, nếu may mắn trúng mùa mà không thất giá được lợi nhuận hơn 1 triệu đồng. Một năm làm 3 vụ lúa, được 3-4 triệu đồng. “Nếu một gia đình 4 người, phải có 10 công đất mới tạm đủ sống”, ông kết luận chắc nịch.

Vợ chồng ông có ba con, hai cô gái lớn học lớp 9 và 11, cậu trai út mới mười mấy tháng tuổi. Ruộng đất nhiều, ông phải thuê mướn người trong ấp làm những khi vào vụ cày bừa, xuống giống, phun thuốc sâu và nhất là thu hoạch. Những nông dân làm công cho ông thu nhập khá nên rất hào hứng. Thậm chí, có vài nông dân còn ngỏ ý bán ruộng cho ông để chỉ làm công hàng ngày nhằm có cuộc sống đỡ vất vả hơn. Ông phân tích: “Đa số nông dân quanh đây chỉ được mấy công đất, nếu tính toán không khéo là làm lúa không có lời, có khi còn lỗ, cuộc sống không bằng làm mướn”.

Cản trở hạn điền

Thế nhưng ông Tùng đang có tiền mà lại chưa dám mua thêm dù rất muốn mở mang thành cánh đồng lớn. Nguyên do ở quy định hạn điền. Với hơn 100 công rộng nhưng ông cũng đang phải làm đến mấy sổ đỏ để nhiều người đứng tên. Lại còn giao đất có thời hạn, nên ông không dám đầu tư làm ăn lâu dài.

“Đất tui mua bằng đồng tiền lương thiện tui làm ra, tại sao không được đứng tên mà phải nhờ vả người khác đứng thay? Tui thấy cũng rất lạ là nhà nước ta cứ nói nông nghiệp là hàng đầu, ưu tiên phát triển nông nghiệp, khuyến khích làm ăn lớn nhưng lại không cho nông dân mua nhiều đất để làm ăn theo khả năng. Như thế phải chăng chưa thật sự khuyến khích nông dân làm giàu?”, ông nêu câu hỏi.

Trầm ngâm một lúc, ông tâm sự: “Tui gốc nhà nông nên mê đất lắm. Nếu ai bảo làm ruộng không thể giàu là có lẽ họ chưa hiểu đất và thật sự sống chết với đất mà thôi”. Rồi ông hào hứng bộc bạch những hoài bão ấp ủ trong lòng, những dự định lớn lao nếu được bỏ tiền ra mua thêm đất khi cái “vòng kim cô” hạn điền được tháo bỏ. Đó là khép kín qui trình sản xuất - dịch vụ - tiêu thụ, đưa nông sản đến tận tay người tiêu dùng. Muốn làm điều đó, tiên quyết là phải có nhiều đất.

Ông giơ bàn tay chai sần ra, quả quyết: Khi người ta có một ngàn hay hai ngàn công đất thì chắc chắn không những làm giàu cho mình mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người khác.

“Cái lợi ích to lớn nhất khi người dân được quyền tự do tích tụ ruộng đất là mạnh dạn đầu tư, tiết kiệm được chi phí sản xuất, chủ động được đầu ra của sản phẩm nên giá trị lợi nhuận từ đất được nâng cao, chất lượng sản phẩm cũng ngày một tốt. Từ đó, cuộc sống của nông dân ổn định và nông thôn sẽ ngày càng đổi mới”, giọng ông sôi nổi.

Một cây xăng của ông Tùng

Nghe người tỉ phú chân đất trình độ học vấn chưa qua hết bậc trung học nói say sưa về cánh đồng lớn mà vui lây. Ông là tỷ phú bởi đang làm chủ DNTN Xăng dầu Ngọc Tùng, ngoài ra còn kinh doanh nhiều phòng trọ ven quốc lộ 1A. Nhưng nhắc đến những việc kinh doanh ấy là ông lại không hào hứng: “Thật ra, tôi cũng không muốn kinh doanh thêm các ngành nghề khác đâu. Làm ruộng tuy không có những khoản lợi nhuận đột biến nhưng nó cho thu nhập bền vững. Ngặt nỗi, với chính sách như bây giờ thì tôi muốn mua ruộng thêm cũng không dám vì vượt mức hạn điền, chẳng biết tương lai sẽ như thế nào?”.

Niềm đam mê với nông nghiệp, gắn bó với nông dân xóm ấp của ông lâu nay dừng lại ở cánh đồng hơn 100 công ruộng và làm từ thiện, giúp những hoàn cảnh khó khăn. Gặp người thắt ngặt, ông cho mượn tiền không tính lãi, nông dân mua xăng bơm tưới ông cho thiếu đến vụ trả, gặp khi lúa thất mùa thì cho nợ qua vụ sau. Và đóng góp xây dựng quê hương.

Chỉ từ đầu năm 2016 đến nay, ông đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đổ đá dăm 2,5 km đường và xây 2 cây cầu trong vùng. Với thành tích sản xuất giỏi và những đóng góp cho cộng đồng, ông Tùng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tặng nhiều bằng khen.

Tiễn khách về, ông Thạch Ngọc Tùng hỏi nhỏ: “Nghe đâu nhà nước mình đang rục rịch về chuyện bỏ hạn điền đất nông nghiệp để cho nông dân được thỏa sức làm ăn giàu có phải không?”. Chỉ biết trả lời ông là hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ lắng nghe được hơi thở của cuộc sống, hiểu được tâm nguyện của những người nông dân gắn bó với ruộng đồng.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ty-phu-khmer-so-huu-tren-100-cong-ruong-lua-cung-giac-mo-dai-dien-post177139.html