Tỷ phú Elon Musk từng ngắt Starlink để ngăn Ukraine tập kích Crimea

CNN ngày 7/9 đưa tin, tỷ phú Mỹ Elon Musk đã từng đích thân ngăn chặn Ukraine thực hiện cuộc tập kích bán đảo Crimea vào năm ngoái, do lo ngại xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân.

Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Bloomberg

Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Bloomberg

Theo CNN, các thông tin trên được trích trong cuốn tiểu sử sắp ra mắt với tựa đề “Elon Musk” về nhà sáng lập SpaceX và Tesla, do cựu Giám đốc điều hành (CEO) CNN Walter Isaacson là tác giả. Cuốn sách cho biết, khi xuồng tự sát mang theo chất nổ của Ukraine tiếp cận Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea, chúng đột nhiên bị “mất kết nối và dạt vào bờ một cách vô hại”.

Tỷ phú Elon Musk khi đó được cho là đã bí mật ra lệnh cho các kỹ sư của SpaceX ngắt tín hiệu Starkink gần Crimea. Giải thích cho động thái này, ông Musk bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả lại cuộc tấn công mà ông mô tả là “Trân Châu Cảng thu nhỏ”.

Sau đó, Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mikhail Fedorov đã nhắn tin đề nghị vị tỷ phú Mỹ bật lại tín hiệu Starlink, nêu rõ khả năng của thiết bị không người lái trên biển.

“Có yêu cầu khẩn cấp từ chính phủ Ukraine về việc kích hoạt Starlink đến tận Sevastopol. Mục đích rõ ràng của họ là đánh chìm phần lớn hạm đội Nga đang neo đậu. Nếu tôi đồng ý với yêu cầu của họ thì SpaceX rõ ràng sẽ đồng lõa với hành động leo thang chiến tranh và xung đột”, ông Musk tuyên bố.

Binh sĩ Ukraine ngắt kết nối thiết bị vệ tinh Starlink ở Kreminna ngày 6/1 khi Nga công bố lệnh ngừng bắn trong dịp Giáng sinh Chính thống giáo Ảnh: Reuters

Binh sĩ Ukraine ngắt kết nối thiết bị vệ tinh Starlink ở Kreminna ngày 6/1 khi Nga công bố lệnh ngừng bắn trong dịp Giáng sinh Chính thống giáo Ảnh: Reuters

Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, SpaceX đã tặng hơn 20.000 thiết bị đầu cuối vệ tinh Starlink cho Ukraine với mục đích cung cấp khả năng truy cập Internet và liên lạc cho dân thường.

Tuy nhiên, Ukraine đã vũ khí hóa các thiết bị này cho cuộc tấn công chống lại Nga, khiến tỷ phú Elon Musk phải giải trình về quyết định này của mình.

“Tôi đang làm gì trong cuộc chiến thế này? Starlink không có ý định dính líu đến các cuộc chiến tranh. Internet là để mọi người có thể xem Netflix, thư giãn và học trực tuyến, cũng như làm những điều tốt đẹp trong hòa bình chứ không phải các cuộc tấn công bằng thiết bị không người lái”, ông Musk nói với tác giả Isaacson.

Cuốn sách cho biết ông Musk cũng sớm đã nói chuyện qua điện thoại với Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley và Đại sứ Nga tại Mỹ để giải quyết những lo ngại từ Washington và Moscow.

Vào tháng 10/2022, ông Musk được cho là đã nói với Lầu Năm Góc rằng Starlink sẽ không tiếp tục cung cấp dịch vụ cho Ukraine do chi phí bảo trì cao, đồng thời yêu cầu cơ quan này tài trợ. Tuy nhiên, khi thông tin này bị rò rỉ cho CNN, ông Musk đã đảo ngược quyết định và viết trên Twitter rằng “chúng tôi sẽ tiếp tục tài trợ miễn phí cho Chính phủ Ukraine”.

Trong khi đó, bà Gwynne Shotwell, Chủ tịch kiêm Giám đốc vận hành (COO) SpaceX, đã bày tỏ giận dữ trước tuyên bố của ông Musk, nói rằng Lầu Năm Góc vốn đã sẵn sàng trao 145 triệu USD để tài trợ dịch vụ Starlink.

Đầu năm 2023, SpaceX đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Mỹ và châu Âu để SpaceX cuối cùng đã có thể đạt được thỏa thuận với chính phủ Mỹ và châu Âu để cung cấp thêm 100.000 đĩa vệ tinh mới cho Ukraine.

Tỷ phú Elon Musk và SpaceX không phản hồi về yêu cầu bình luận.

Theo CNN, tuần trước, Mỹ và các đồng minh trong trong liên minh "Five Eyes" gồm Anh, Australia, Canada và New Zealand cáo buộc tin tặc Nga tìm cách xâm nhập vào hệ thống liên lạc của Ukraine. Ukraine cho rằng mã độc mà Nga thiết kế nhằm chặn dữ liệu được gửi tới vệ tinh Starlink.

Giới chức Nga chưa bình luận về thông tin này.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ty-phu-elon-musk-tung-ngat-starlink-de-ngan-ukraine-tap-kich-crimea-post26624.html