Tỷ giá USD/VND và câu chuyện đến hẹn cuối năm

Sau nhiều phiên liền "im hơi lặng tiếng", tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng đã bắt đầu có những có những biến động...

Như một câu chuyện "đến hẹn lại lên", thời điểm cuối năm thường được coi là "mùa cao điểm" của tỷ giá, khi nhu cầu ngoại tệ tăng đột biến, chủ yếu do nhu cầu thanh toán tăng và các doanh nghiệp cũng chủ động mua ngoại tệ để thanh toán nợ trước thời điểm hết năm. Trong khi đó, ngay cả Chính phủ cũng phải thanh toán các khoản nợ ở thời điểm này.

Nhìn lại diễn biến trên thị trường ngoại hối từ đầu năm tới nay có thể thấy, trong 3 quý đầu năm, thị trường ngoại hối diễn biến khá ổn định. Tỷ giá trung tâm tính đến hết quý III/2016 chỉ tăng 59 đồng, tương đương 0,27% so với đầu năm, lên 21.949 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại hầu như không thay đổi. Cụ thể, tỷ giá tại Vietcombank chốt quý ở mức 22.265-22.335 đồng/USD, giảm nhẹ 5 đồng/USD so với cuối quý trước.

Tỷ giá trên thị trường tự do giữ ở mức 22.300-22.310 đồng/USD, giảm 5 đồng chiều mua vào và giảm 10 đồng chiều bán ra so với cuối quý trước. Điều này là do nguồn ngoại tệ ổn định từ giải ngân FDI và tình hình xuất siêu khả quan, đồng thời, chính sách tỷ giá mới và trần lãi suất huy động ngoại tệ giảm về 0% từ cuối năm 2015 đã phát huy tác dụng, giúp NHNN mua vào một lượng lớn ngoại tệ.

Tuy nhiên, sau nhiều phiên liền "im hơi lặng tiếng", tỷ giá USD /VND tại các ngân hàng bắt đầu có những có những biến động từ hôm thứ Ba tuần này (15/11) .

Cụ thể, sáng ngày 15/11, tỷ giá trung tâm tăng tới 19 đồng trong khi một số ngân hàng thương mại như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB và DongABank cũng bắt đầu tăng mạnh giá USD từ 10 đến 20 đồng, lên quanh mức 22.310-22.380 đồng. Giá đồng bạc xanh còn tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh trong các phiên tiếp theo, và kết tuần ngày 18/11 ở quanh mức 22.450-22.550 đồng, tương đương tăng khoảng 0,76% chỉ trong 4 phiên giao dịch. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm hiện cũng được đẩy lên mức cao nhất kể từ khi NHNN công bố cơ chế điều hành tỷ giá mới, ở mức 22.112 đồng/USD, tăng 0,99% so với đầu năm.

Trao đổi với phóng viên BizLIVE, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia cho rằng, việc tăng giá đột biến của đồng USD trong những ngày vừa qua là do những nguyên nhân từ bên ngoài và nguyên nhân nội tại của nền kinh tế.

Biểu đồ: BizLIVE

"Nguyên nhân từ bên ngoài là như mọi người đều biết, sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, thị trường chứng khoán đã có một đợt chao đảo khá mạnh, tuy nhiên, hình như các nhà đầu tư tài chính đã dần tin tưởng vào các chính sách kinh tế của ông Trump và hiện tại giá trị của đồng USD đang tăng trên thị trường tài chính thế giới, tạo áp lực lên tiền đồng. Bởi nói là cơ chế tỷ giá trung tâm nhưng thực ra đồng USD vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn", ông Hiếu nói.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, việc Fed có thể sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 cũng đẩy đồng USD lên. Hiện Dollar Index, chỉ số đo sức mạnh đồng USD so với một rổ các đồng tiền chủ chốt, tăng lên mức 101,15 điểm, cao nhất 13 năm. Chỉ số này đang ở trong phiên tăng thứ 10 liên tiếp, chuỗi phiên tăng dài nhất kể từ năm 2012.

Trong khi đó, đã có rất nhiều đồng tiền đã phá giá để tạo sự cạnh tranh cho xuất khẩu, đặc biệt là đồng nhân dân tệ. Ngày 18/11, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã hạ tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ ngày thứ 11 liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong 8 năm, ở mức 6,89 nhân dân tệ/USD, tức giảm khoảng 5% so với đầu năm.

Các nguyên nhân nội tại, theo ông Hiếu, là do những tháng cuối năm là thời điểm cao điểm khi các doanh nghiệp cần ngoại tệ để thanh toán các khoản phải trả, các khoản nợ, nhu cầu nhập khẩu cũng tăng cao để phục vụ cho nhu cầu hàng hóa đột biến cuối năm, ngay cả Chính phủ cũng phải thanh toán các khoản nợ. Đặc biệt, đồng nhân dân tệ phá giá mạnh làm cho nhập khẩu hàng Trung Quốc trở nên rẻ hơn và hàng xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn, gây áp lực lên nhập siêu, theo đó gây áp lực lên tiền đồng.

Sẽ không có nhiều biến động?

Theo đánh giá của TS. Hiếu, hiện cơ chế tỷ giá trung tâm đang được điều hành một cách hiệu quả, làm giảm áp lực ngoại tệ trong nước, hạn chế hoạt động đầu cơ. "Cơ chế tỷ giá trung tâm được công bố mỗi ngày dựa trên sự biến động không những đối với USD mà trên sự biến động bình quân của một rổ tiền tệ. Theo đó, nếu như trước đây các nhà đầu cơ ngoại tệ tạo sóng chủ yếu dựa trên biến động USD và VND thì nay với một rổ tiền tệ gồm 8 đồng tiền, các nhà kinh doanh ngoại tệ khó mà tạo sóng cùng một lúc cho phần lớn các đồng tiền trong rổ tiền tệ", ông Hiếu phân tích.

Bên cạnh đó, khoản dự trữ ngoại hối dồi dào, lên tới 40 tỷ USD sẽ giúp Nhà điều hành can thiệp vào thị trường khi cần thiết.

Trả lời câu hỏi liệu tỷ giá USD/VND có khả năng biến động mạnh trong những tháng còn lại của năm, ông Hiếu cho rằng, việc tỷ giá có biến động hay không thì chưa thể nói bởi trong bất cứ chính sách nào cũng có những điểm lợi và bất lợi, thành ra vấn đề đặt ra là liệu việc giữ ổn đinh tỷ giá có lợi hay không, đó là vấn đề về chính sách. Còn về công cụ thì chuyên gia cho rằng, NHNN có đủ các công cụ để ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm.

Trong khi đó, về phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, hiện các giao dịch ngoại tệ của ACB vẫn bình thường, còn vấn đề tỷ giá được niêm yết tăng so với những ngày trước đây là do cung – cầu thị trường và diễn biến của nền kinh tế. Hiện ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá tăng các ngân hàng thương mại cũng phải tăng theo, đây là tín hiệu thị trường. Ông Toại cũng khẳng định, tại ACB chưa có dấu hiệu đột biến về nhu cầu ngoại tệ của người dân cũng như các doanh nghiệp.

NHNN mới đây cũng phát đi thông cáo cho biết, diễn biến tăng tỷ giá những ngày qua là hết sức bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỷ giá trung tâm do NHNN công bố trong thời gian qua. Trên thị trường, cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân được các TCTD đáp ứng kịp thời và đầy đủ.

Nhà điều hành cũng khẳng định, từ nay đến cuối năm, cung cầu ngoại tệ tiếp tục có diễn biến thuận lợi, nguồn cung ngoại tệ được hỗ trợ bởi các nguồn như giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dòng vốn vào do hoạt động mua bán, sáp nhập, kiều hối chuyển về dịp cuối năm. Trong khi đó, cầu ngoại tệ chưa có áp lực tăng cao do tín dụng tiếp tục được NHNN kiểm soát ở mức hợp lý; một phần nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng sẽ được đáp ứng bằng nguồn tín dụng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng khi NHNN tiếp tục gia hạn cho vay bằng ngoại tệ quy định tại Thông tư 24/2015/TT-NHNN và Thông tư 07/2016/TT-NHNN đến hết năm 2017.

Trần Thúy

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/ty-gia-usdvnd-va-cau-chuyen-den-hen-cuoi-nam-2206820.html