Tỷ giá USD liên tục tăng, chuyên gia hiến kế cách kéo giảm rủi ro

Tỷ giá USD/VND gần đây tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị đẩy tăng chi phí vốn.

Đẩy tăng chi phí vốn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá USD tháng 2/2024 đã tăng 0,4% so với tháng 1/2024, tăng 0,92% so với tháng 12/2023 và tăng 3,89% so với cùng kỳ năm trước.

Sáng nay 14/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm là 23.967 VND/USD, tăng 10 đồng so với mức niêm yết hôm qua.

Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN tăng 10 đồng, đưa phạm vi giao dịch lên khoảng 23.400 - 25.115 VND/USD.

Giá mua USD tại các ngân hàng hiện nằm trong khoảng 24.435 – 24.535 VND/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 24.830 - 24.942 VND/USD.

Khảo sát của PV trên thị trường "chợ đen", đồng USD được giao dịch ở mức 25.300 - 25.400 VND/USD.

Tỷ giá USD/VND đang đối mặt với áp lực tăng trong quý I năm nay.

Tỷ giá liên tục tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải xoay xở dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Là doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu tới hơn 10 thị trường, trong đó chủ yếu sang các nước Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nga…, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10, cho biết, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu, nhiều đơn hàng đã trở lại ngay trong những tháng đầu năm 2024. Đến nay doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 4/2024. Tuy vậy, những biến động tỷ giá gần đây đang khiến doanh nghiệp lo ngại.

"Trong bối cảnh kinh tế bình thường, tỷ giá USD/VND tăng có tác động trực tiếp làm tăng giá trị hàng xuất khẩu… nhưng mặt trái của nó lại đẩy tăng chi phí vốn để nhập khẩu máy móc, thiết bị", ông Việt quan ngại.

Còn ông Hoàng Văn Phong, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Đại Phát (doanh nghiệp chuyên nhập khẩu các loại thực phẩm từ châu Âu về Việt Nam) cho biết, áp lực tỉ giá từ nhiều phía đến các doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại rất lớn.

Tỉ giá cao khiến giá nhà sản xuất tăng từ 4 - 10% giá trị hàng hóa (ví dụ trước đây một kiện hàng giá trị 100 USD giờ tỉ giá cao doanh nghiệp phải cõng thêm từ 4 - 10 USD) cộng thêm các chi phí khác tăng do nhiên liệu và các dịch vụ vận tải tăng, chưa tính chi phí vận hành và bảo quản sản phẩm mà giá hàng hóa bán ra vẫn phải theo giá mặt bằng chung.

"Một lô hàng sâm nấm được nhập trực tiếp từ Mỹ về phải trả bằng đồng USD. Trước đây đồng USD ở mức vừa phải còn có lãi, bây giờ tỉ giá USD cao cộng thêm chi phí kho bãi tăng thêm 2% khiến doanh nghiệp nhập khẩu cũng chỉ để duy trì hoạt động kinh doanh", Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Đại Phát chia sẻ.

Cách nào kéo giảm rủi ro?

Nhìn nhận những tác động này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, về nguyên tắc, tỷ giá tăng làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu giao dịch bằng USD; còn các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi vì doanh thu đổi ra VND được tăng lên.

Tuy vậy, theo ông Hiếu, nếu VND tiếp tục giảm giá so với USD không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Chưa kể, nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài.

"Giá hàng hóa trên thế giới đang tăng do vấn đề lạm phát của các quốc gia. Chính vì vậy, ngoài việc tỷ giá tăng khiến hàng hóa nhập khẩu tăng giá, nếu tính ra VND thì việc chúng ta mua hàng hóa của thế giới cũng là cách chúng ta nhập khẩu lạm phát từ thế giới. Và khi lạm phát tăng cao, nó sẽ ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp", ông Hiếu phân tích.

Nếu tỷ giá có xu hướng tăng tiếp, ông Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể bán ra một phần ngoại tệ trong dự trữ ngoại hối nhằm tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Song, việc bán ngoại tệ này cũng cần phải cân đối trên góc độ cục diện toàn nền kinh tế.

Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục những chính sách để đẩy mạnh xuất khẩu hay tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn, từ đó giảm áp lực cho tỷ giá.

"Đặc biệt, hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ trong nước cũng đang tăng lên đáng kể, đẩy tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen tăng nhanh hơn tỷ giá ngân hàng. Vì vậy, NHNN có thể sử dụng các biện pháp hành chính để ngăn chặn được giá bán USD trên thị trường tự do cũng như giảm thiểu được hoạt động đầu cơ này", ông Hiếu đề xuất.

Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, với tiềm lực dự trữ ngoại hối và quan hệ cung cầu tiền tệ tích cực như hiện nay, NHNN có đủ công cụ can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá. Do đó sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy vậy, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD. Ðặc biệt, các doanh nghiệp nên chú trọng hơn công cụ quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính tiền tệ, tỷ giá và lãi suất.

"Ðể có sự chuẩn bị tốt nhất, các doanh nghiệp cần có kế hoạch ứng xử tốt, chủ động đón nhận cũng như ứng phó trước các thuận lợi, thách thức; nâng cao khả năng chống chịu đối với cú sốc bên ngoài; chủ động tìm hiểu và sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính…", ông Lực khuyến nghị.

Anh Hoàng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ty-gia-usd-lien-tuc-tang-chuyen-gia-hien-ke-cach-keo-giam-rui-ro-192240313143146925.htm