Tỷ giá tăng là do yếu tố mùa vụ

Không chỉ chịu tác động từ việc đồng USD mạnh lên, tỷ giá VND/USD còn chịu tác động của yếu tố mùa vụ. Tuy nhiên, tất cả vẫn trong vòng kiểm soát.

Trong vòng một tháng trở lại đây, tỷ giá trung tâm liên tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng dần. Tại thời điểm 23/11, tỷ giá niêm yết đã ở mức 22.136 đồng/USD, tăng khoảng 1,1% so với đầu năm.

Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và thị trường phi chính thức cũng tăng trở lại sau một thời gian dài ổn định. Tỷ giá bán tại nhiều ngân hàng lúc đó đã phổ biến vào khoảng 22.700 đồng/USD và nhiều thời điểm sát với mức trần biên độ giao dịch +/- 3%, tăng khoảng 0,22% so với đầu năm.

Diễn biến đáng chú ý đối với thị trường ngoại hối là, trên thị trường liên ngân hàng, mặt bằng lãi suất ở các kỳ hạn tăng 1 - 1,6 điểm phần trăm so với tháng trước, lãi suất qua đêm tính đến 17/11 ở mức 2,02%/năm, tăng 1,64 điểm phần trăm so với thời điểm 17/10/2016 (0,38%).

Nhìn nhận về diễn biến tỷ giá USD/VND trong tháng 11, một lãnh đạo cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố mùa vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán về cuối năm và đón đầu khả năng Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng.

Đồng quan điểm này, chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định, trong bối cảnh đồng USD tiếp tục xu hướng tăng giá so với các đồng tiền khác trong khu vực châu Á, đồng Việt Nam cũng chịu tác động tâm lý, yếu đi trong những ngày vừa qua.

“Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục tích cực thì sự giảm giá hiện tại của đồng Việt Nam chỉ phản ánh tác động của xu thế giảm giá chung của các đồng tiền trong khu vực với USD. Với cán cân thương mại cả năm dự báo sẽ thặng dư, biến động tỷ giá trong tháng 11 chỉ là tạm thời”, chuyên gia kinh tế của Standard Chartered nêu quan điểm.

Đối với câu chuyện lãi suất liên ngân hàng tăng, nguyên nhân chủ yếu theo ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB, là do yếu tố mùa vụ cuối năm, chuẩn bị thanh khoản trả lương, thưởng trong dịp lễ Tết khiến nhu cầu vốn ngắn hạn tăng cao đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng, chứ thực tế cung - cầu trên thị trường không có đột biến. Thậm chí, trên thị trường mở (OMO), nhằm duy trì thanh khoản dồi dào của hệ thống và giảm thiểu áp lực lên tỷ giá, NHNN phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày với mức lãi suất từ 1,5 - 2%/năm.

Sáng ngày 1/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức: 22.127 đồng/USD, tăng 9 đồng so với phiên trước đó. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá sàn mà các ngân hàng được áp dụng là 21.463 đồng/USD và tỷ giá trần là 22.790 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng giá mua bán USD từ 10 - 30 đồng lên mức 22.640 - 22.730 đồng/USD.

Theo công bố của NHNN, tính từ đầu năm đến giữa tháng 11, NHNN đã bơm hơn 250.000 tỷ đồng vào nền kinh tế thông qua việc mua hơn 11 tỷ USD. Trong khi đó, hút ròng qua thị trường OMO để trung hòa chỉ đạt 149.000 tỷ đồng. Tính đến 16/11/2016, M2 tăng 14,87%, cao hơn 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2015.

Ông Quang cũng nhấn mạnh, tỷ giá sẽ dao động thường xuyên hơn trong biên độ rộng hơn và hoàn toàn có thể nhích lên mức 22.600 – 22.800 đồng/USD vào cuối năm. Tuy nhiên, ngay tại mức giá này, tỷ giá USD/VND cũng chỉ biến động 1% so với đầu năm và VND đang là một trong các đồng tiền ổn định nhất trong khu vực so với USD.

Nhận định về yếu tố có khả năng ổn định tỷ giá, một lãnh đạo cao cấp TPBank cho biết thêm: “NHNN đã có động thái chính thức tuyên bố sẽ bán ngoại tệ để can thiệp thị trường, niêm yết giá bán chính thức bằng giá trần trừ 50 điểm làm ổn định tâm lý muốn đẩy giá của thị trường.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vẫn xu hướng tăng. Tổng vốn FDI giải ngân sau 11 tháng đầu năm 2016 là 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015; lượng kiều hối vẫn tiếp tục được duy trì”.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2017, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế Ngân hàng Standard Chartered có thể tăng chậm lại, nhưng vẫn ở mức cao. Dự trữ ngoại hối được cho biết đã đạt hơn 41 tỷ USD tính đến cuối tháng 10/2016, đạt mức kỷ lục và tăng 12 tỷ USD so với cuối năm 2015

“Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh đồng USD tiếp tục mạnh lên và đồng Nhân dân tệ tiếp tục suy yếu thì VND cũng sẽ giảm giá trong thời gian tới. Dự báo tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 22.900 đồng/USD vào quý IV/2016; 23.000 đồng/USD trong quý I/2017 và 23.200 đồng/USD vào quý II và quý III/2017. Đến quý cuối cùng của năm 2017 sẽ lên mức 23.300 đồng/USD”, chuyên gia kinh tế của Standard Chartered dự báo.

Về vấn đề điều hành tỷ giá trong thời gian tới, theo lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, vẫn cần lưu ý một số yếu tố không thuận lợi như: Fed chắc chắn sẽ tăng lãi suất vào tháng 12; một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm giá mạnh so với USD, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ (CNY); lạm phát có chiều hướng tăng.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/ty-gia-tang-la-do-yeu-to-mua-vu-171323.html