Tỷ giá tăng ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất, nhập khẩu

Theo ý kiến chung của các doanh nghiệp (DN) xuất, nhập khẩu, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng thêm 2,1 % sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.

Thông thường, khi tỷ giá tăng, các DN xuất khẩu sẽ có lợi, tuy nhiên, không ít DN không hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu cũng thường nhân dịp này, tự ý tăng giá. Ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Minh Phát 2 (Mifaco) cho biết, khi tỷ giá tăng, các DN cung ứng nguyên liệu trong nước thường hay tăng giá và mức tăng giá này luôn cao hơn mức tăng của tỷ giá. “Chúng tôi đang rất lo, vì khi tỷ giá tăng, nhiều DN trong nước có thể sẽ tăng giá bán nguyên liệu, khiến chi phí đầu vào của DN sản xuất hàng xuất khẩu tăng. DN sẽ gặp khó khăn, vì hợp đồng đã ký từ trước, muốn thương lượng lại với đối tác để điều chỉnh giá bán cũng rất khó”, ông Hiệp nói. Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Giày Vinh Thông cho rằng, khi tỷ giá tăng, DN nhập khẩu nguyên vật liệu về sản xuất hàng để bán ở thị trường trong nước sẽ bị thiệt hơn so với những DN chuyên xuất khẩu. Cũng theo ông Tuấn, khi tỷ giá tăng, nếu chỉ có một số loại nguyên liệu tăng giá thì ảnh hưởng không đáng kể, nhưng nếu nhiều loại nguyên liệu cùng đồng loạt tăng giá thì sẽ ảnh hưởng nhất định tới DN xuất khẩu. Ông Trần Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty Sadaco, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho rằng, nguyên, vật liệu chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành, nên khi tỷ giá tăng lên tất yếu giá nguyên, vật liệu nhập khẩu sẽ tăng lên. Trong khi đó, giá đầu ra sản phẩm nhiều khi đã bị khống chế, khó tăng, bởi DN đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài từ trước. Nếu vẫn phải giữ giá, thì DN sẽ giảm lợi nhuận. “Nói chung, khi tỷ giá tăng lên, thì cả DN xuất khẩu, nhập khẩu đều bị ảnh hưởng. Tuy xuất khẩu sẽ tốt hơn, do thu ngoại tệ về, song việc giá tăng như vậy là không có lợi”, ông Mạnh nói. Theo ông Mạnh, từ nay đến cuối năm, các DN thanh toán bằng ngoại tệ sẽ gặp khó khăn hơn, vì trước đó, khi lãi vay ngân hàng bằng VND tăng cao, nhiều DN đã chuyển sang vay bằng USD. Điều này dẫn tới việc các DN sẽ phải tìm mua USD ngoài thị trường tự do để trả nợ cho ngân hàng khi đáo hạn. Mặt khác, việc nhiều DN đi mua USD vào cuối năm sẽ tạo ra sự khan hiếm USD. Dự báo, giá nguyên liệu trong nước (những nguyên liệu có thể xuất khẩu) sẽ tăng, nên các DN đang tính tới việc sẽ đàm phán với khách hàng tăng giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, điều này là rất nguy hiểm, bởi việc đàm phán tăng giá bán sẽ đồng nghĩa với việc giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kèm theo nguy cơ bị mất đơn hàng. Ông Mạnh cho rằng, các DN nên tính toán kỹ lại giá thành sản phẩm. Trong cơ cấu giá thành, nên có kinh phí dự phòng rủi ro về tỷ giá, nhằm hạn chế tác động của việc tăng, giảm tỷ giá (trong thời gian tới) đến sản xuất - kinh doanh. Tiếp đó, DN nên chủ động dự trữ nguyên nhiên liệu, để khi giá cả biến động thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất - kinh doanh.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baiviettaichinhnganhang/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/taichinhnganhang/vangkimloaiquy/9d5f198f7f00000100b9f4cb676429b9