Tỷ giá linh hoạt 'chất' xúc tác cho tăng trưởng

Sau thời gian dài hạ nhiệt, tỷ giá USD kể từ thời điểm Tết Nguyên đán đến nay đã có dấu hiệu tăng trở lại. Tỷ giá USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại đã tăng hơn 1,7%, cho thấy diễn biến tỷ giá khá khác biệt so với các năm trước.

Ảnh minh họa

Trong một báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Mirae Asset chỉ ra rằng diễn biến của tỷ giá hai tháng đầu năm có phần khác với diễn biến thường thấy tại hai năm trước đó, khi quý I thường là thời điểm thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể tích cực gia tăng nguồn dự trữ ngoại hối thông qua các nguồn vốn ngoại tệ chảy vào Việt Nam như kiều hối, thặng dư thương mại và FDI.

Trong phiên giao dịch sáng 13/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam niêm yết tỷ giá trung tâm 23.955 đồng/USD. Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá USD quanh mức 24.430 - 24.800 đồng/USD mua vào - bán ra. Cùng thời điểm trên thị trường phi chính thức, giá mua vào - bán ra USD còn được niêm yết cao hơn, dao động trong khoảng 25.270 đồng/USD - 25.350 đồng/USD. Như vậy, so với phiên đầu năm thì tỷ giá tại các ngân hàng thương mại sau 3 tháng đã tăng từ 400-420 đồng/USD (tương ứng tăng khoảng hơn 1,7%).

Theo các phân tích từ giới chuyên gia, tỷ giá USD tăng mạnh thời gian gần đây trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế duy trì ở mức cao. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt vẫn ở gần mốc 104 điểm. Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất VND và USD trên thị trường liên ngân hàng cũng gây áp lực lên tỷ giá. Còn Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) lý giải, chênh lệch lãi suất USD và VND vẫn được duy trì ở mức âm, kích thích các giao dịch chênh lệch lãi suất. Chênh lệch lãi suất USD và VND lớn sẽ khiến việc mua và nắm giữ USD trở nên hấp dẫn hơn, khuyến khích tăng các giao dịch.

Qua nghiên cứu thị trường thấy rằng, việc tỷ giá tăng cao thời gian sau Tết Nguyên đán xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó xuất nhập khẩu là nguyên nhân đầu tiên tác động đến tỷ giá. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nhập khẩu trong hai tháng đầu năm tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, việc này cũng làm tăng nhu cầu mua ngoại tệ, từ đó đẩy tỷ giá tăng. Tiếp theo, yếu tố đầu cơ cũng góp phần làm tăng tỷ giá.

Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, đồng Việt Nam vẫn là đồng tiền mạnh nếu so sánh trong khu vực, với mức giảm khoảng 1,5%. Trong 10 quốc gia châu Á, đồng baht của Thái Lan mất giá mạnh nhất so với đầu năm khi giảm tới 5%, kế đến là đồng ringgit của Malaysia (giảm 3,8%) và won của Hàn Quốc (giảm 3,1%).

Theo nhận định của Công ty KB Securities Vietnam, áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu nhưng chưa phải mối lo lớn với Việt Nam. Tỷ giá trong nước được dự báo sẽ tiếp tục được hỗ trợ tốt bởi nguồn ngoại tệ dồi dào đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ chưa có động thái can thiệp khi tỷ giá chưa tăng quá 2%.

Nói ngắn gọn, chính sách tỷ giá hiện nay vẫn không ảnh hưởng đến VNĐ và cán cân xuất - nhập khẩu của doanh nghiệp, dù giá USD đang có chiều hướng tăng.

Diên Vĩ

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ty-gia-linh-hoat-chat-xuc-tac-cho-tang-truong-167499.html