TX. Cai Lậy: Chuyển biến qua 10 năm xây dựng và phát triển

Sau 10 năm thành lập, được sự quan tâm của cấp trên cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội TX. Cai Lậy, tỉnh Tiển Giang ngày càng phát triển, quốc phòng - an ninh ổn định, đời sống nhân dân ngày được nâng cao. Thị xã từng bước trở thành đô thị trung tâm vùng kinh tế phía Tây của tỉnh Tiền Giang.NHIỀU ĐIỂM SÁNG TRONG BỨC TRANH KINH TẾ

10 năm qua, TX. Cai Lậy đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế đã nâng cao giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, có gần 3.500 ha đất lúa được chuyển sang đất trồng cây ăn trái và nuôi thủy sản.

TX. Cai Lậy phát triển các trung tâm thương mại kết hợp với các trục phố thương mại, dịch vụ để hình thành mô hình chuyên kinh doanh các loại hàng hóa theo khu vực. Ảnh: HUỲNH THỨC

Hiện nay, TX. Cai Lậy chỉ còn khoảng 3.000 ha đất trồng lúa tập trung chủ yếu ở các xã phía Bắc đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, sản xuất chủ yếu với giống chất lượng cao và hơn 90% quy trình sản xuất, vận chuyển tiêu thụ được cơ giới hóa. Diện tích trồng cây lâu năm từ 4.028 ha năm 2014 đến năm 2023 tăng lên 7.500 ha.

Trong đó, diện tích trồng cây ăn trái từ 3.373 ha nay đã tăng lên hơn 6.600 ha bao gồm: Sầu riêng gần 3.000 ha, mít 1.806 ha, bưởi 314 ha, nhãn 520 ha, chiếm 85% diện tích trồng cây ăn trái, giá trị kinh tế so với lúa tăng từ 4 - 8 lần. Trong 2 năm gần đây, giá trái cây tăng cao kỷ lục mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân. Điển hình giá sầu riêng có khi lên đến 170.000 đồng/kg, 1 ha nhà vườn thu lời từ 1,5 - 2 tỷ đồng.

Năm 2020, TX. Cai Lậy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. TX. Cai Lậy phấn đấu xây dựng đô thị văn minh vào năm 2025 và tiến tới xây dựng TP. Cai Lậy trực thuộc tỉnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, thị xã phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững với tốc độ tăng giá trị sản xuất năm 2022 là 6,86% và năm 2023 là 6,5%. Tổng giá trị sản xuất (giá hiện hành) từ 10.200 tỷ đồng tăng lên 14.889 tỷ đồng, tăng gần 46%, trong đó lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản tăng 68%, lĩnh vực dịch vụ tăng 162%. Giá trị sản xuất bình quân đầu người tăng 41% so với năm 2014, hiện giá trị sản xuất bình quân đầu người TX. Cai Lậy đạt 117 triệu đồng. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng tăng ổn định. Số lượng cơ sở công nghiệp có hơn 1.420 cơ sở, tăng 45,6% so với năm 2014.

Trên địa bàn thị xã hiện có 514 doanh nghiệp, với vốn đăng ký hơn 450 tỷ đồng; so với năm 2014 tăng gần gấp đôi về số lượng doanh nghiệp. Toàn thị xã hiện có 5.000 hộ kinh doanh đăng ký; trong đó, hơn 99% là cá nhân kinh doanh, vốn đăng ký hơn 1.200 tỷ đồng. 10 năm qua, số hộ đăng ký kinh doanh năm sau đều tăng gấp đôi so năm trước.

Đến nay, thị xã có 15 hợp tác xã, tăng 12 hợp tác xã so với năm 2014; chủ yếu hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, vốn đăng ký hơn 7 tỷ đồng. Hiện có 13 hợp tác xã hoạt động khá, 2 hợp tác xã hoạt động trung bình - yếu. Năm 2014, trên địa bàn thị xã có 8.106 cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp, 10 năm qua tăng 1.627 cơ sở, thu hút hơn 16.500 lao động. Hằng năm, số thu ngân sách công thương nghiệp ngoài quốc doanh chiếm từ 38% - 40% tổng thu ngân sách của thị xã.

Một số công trình trọng điểm quốc gia, của tỉnh qua địa bàn TX. Cai Lậy được hoàn thành đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của đô thị, như: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nâng cấp Quốc lộ 1, xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1, xây dựng đường dẫn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tuyến tránh đường tỉnh 868 qua khu vực nội thị thị xã, nâng cấp - mở rộng đường tỉnh 874, xây dựng mở rộng các tuyến đường huyện 60, 52, 53, 54 và một số tuyến giao thông nội thị như đường: Mỹ Trang, 30-4, Võ Việt Tân, Cao Đăng Chiếm, B2, Nguyễn Văn Hiếu…; xây dựng mới Bờ kè sông Ba Rài từ Quốc lộ 1 đến xã Tân Bình; 100% đường xã được nhựa hóa, cứng hóa; 95% đường ấp cứng hóa; 80,8% đường dân sinh được cứng hóa. Tổng số vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội của thị xã năm 2023 lên 3.040 tỷ đồng, tăng 8,35 lần so năm 2014.

10 năm qua, thị xã thu hút nhiều ngân hàng thương mại, siêu thị, cửa hàng điện máy, thế giới di động, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế nhiều cơ sở khám, chữa bệnh - dịch vụ y tế - tiêm chủng, các thương hiệu lớn về hàng tiêu dùng, ăn uống đã đầu tư phát triển trên địa bàn. Các cơ sở, trung tâm, siêu thị, cửa hàng ăn uống này đã và đang góp phần phát triển thương mại - dịch vụ, thu hút lượng khách lớn từ các huyện lân cận như Cai Lậy, Tân Phước, Cái Bè... Thời gian tới, thị xã sẽ lập thủ tục mời gọi đầu tư các dự án: Khu dân cư thương mại, khu vui chơi thiếu nhi; Công viên nước; Trung tâm thương mại - dịch vụ, khu đô thị, Khu thể dục - thể thao - vui chơi giải trí…

Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy Trần Văn Thức cho biết, trong chặng đường mới, TX. Cai Lậy sẽ là địa bàn phát triển chủ yếu là kinh tế đô thị với lĩnh vực chủ đạo là thương mại - dịch vụ. Trong tầm nhìn và phát triển trung - dài hạn, TX. Cai Lậy là đô thị có vị trí trung chuyển trong giao thương khu vực phía Tây của tỉnh Tiền Giang và tác động đến phía Tây Nam vùng Đồng Tháp Mười với các tiềm năng phát triển về thương mại - dịch vụ có tính đầu mối trung chuyển, công nghiệp chế biến - kho vận nông sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, phát triển xây dựng đô thị, phát triển kinh tế vườn. Từ đó, thị xã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế - xã hội.

VĂN HÓA - XÃ HỘI CÓ NHIỀU ĐIỂM NỔI BẬT

Lĩnh vực văn hóa - xã hội của TX. Cai Lậy có nhiều tiến bộ. Việc cung cấp, mở rộng hàng loạt các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thị xã không chỉ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy phong trào rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại. Cụ thể, Lễ hội Tứ Kiệt được xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh vào năm 2019; có thêm 11 di sản văn hóa vật thể được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Đặc biệt, Di tích Chiến thắng Ấp Bắc được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Nâng tổng số hiện tại trên địa bàn thị xã có 16 di tích văn hóa vật thể được xếp hạng. 100% các xã, phường thành lập Tổ công nghệ số và Trang thông tin điện tử đảm bảo kết nối thông tin chính thống kịp thời và đầy đủ phục vụ nhân dân.

Công tác cải cách hành chính được thị xã và các phường, xã thực hiện nghiêm túc và đồng bộ việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” với 100% văn bản trao đổi dưới dạng điện tử giữa các cơ quan nhà nước và 100% thủ tục hành chính trên địa bàn thị xã đều được công khai, tiếp nhận, luân chuyển trên hệ thống điện tử, qua đó góp phần làm giảm phiền hà, rút ngắn thời gian đi lại của tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) có những bước phát triển toàn diện. Cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị giáo dục không ngừng được đầu tư, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa, chất lượng giáo dục được nâng cao. 10 năm qua, ngành GD&ĐT thị xã đã đào tạo hơn 7.000 học sinh giỏi cấp thị xã, hơn 1.100 học sinh giỏi cấp tỉnh, 3 học sinh giỏi khu vực và gần 20 học sinh giỏi cấp quốc gia về văn hóa và thể dục - thể thao.

Đồng thời, công nhận giáo viên giỏi cấp thị xã cho hơn 450 giáo viên của 3 bậc học; Sở GD&ĐT công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh cho 38 giáo viên; Bộ GD&ĐT công nhận giáo viên giỏi quốc gia cho 1 giáo viên. Kết quả thi tốt nghiệp THCS hằng năm trên 99%, kết quả tuyển sinh lớp 10 hằng năm có trên 80% học sinh đậu vào các trường THPT, trung cấp; chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần; tỷ lệ học sinh giỏi các cấp năm sau cao hơn năm trước, nhiều học sinh đạt thành tích cao qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Qua 10 năm thực hiện, toàn ngành GD&ĐT thị xã đã tập trung đầu tư xây dựng mới và xây dựng bổ sung 20 trường, tổng kinh phí đầu tư xây mới trên 600 tỷ đồng. Đến nay, thị xã có 28/33 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia.

Đặc biệt là trong lĩnh vực y tế có nhiều cơ sở khám, chữa bệnh, dịch vụ y tế, tiêm chủng, hệ thống y tế công được đầu tư; Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, Trung tâm Y tế thị xã, Trạm Y tế các phường, xã được đầu tư thiết bị khoa học - kỹ thuật hiện đại, cùng với đội ngũ y, bác sĩ chuyên môn vững vàng, thái độ phục vụ tận tình, chu đáo đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và các dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng lên góp phần trực tiếp làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân. Mạng lưới khám, chữa bệnh trên địa bàn thị xã từ tuyến huyện đến tuyến xã - phường được củng cố và mở rộng. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế đã được chú trọng đầu tư. Dịch vụ y tế đã được cung cấp đa dạng hơn với chất lượng cao hơn đã giúp mở rộng việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân.

Từ năm 2014 đến cuối năm 2023, TX. Cai Lậy đã giải quyết việc làm cho hơn 7.700 lao động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; giải ngân trên 3.000 dự án, tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng đối với các dự án cho vay giải quyết việc làm, tạo việc làm mới theo chỉ tiêu hằng năm; mở 34 lớp dạy nghề cho trên 960 học viên là lao động nông thôn tại các xã, phường. TX. Cai Lậy đã triển khai đồng bộ có hiệu quả các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2023.

Đồng thời, duy trì và hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững có hiệu quả; tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm nhằm phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Kết quả tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2014 là 4,88% (1.622 hộ); sau 10 năm, số hộ nghèo ở địa phương chỉ còn 0,69% (250 hộ), tỷ lệ giảm nghèo của TX. Cai Lậy dẫn đầu toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định với việc duy trì có hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thị xã duy trì nghiêm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu; hằng năm công tác diễn tập quân sự, công tác tuyển quân luôn được quan tâm, thực hiện tốt. Thị xã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng chí Trần Văn Thức cho biết, TX. Cai Lậy quyết tâm xây dựng đạt các tiêu chí trở thành thành phố thuộc tỉnh vào năm 2030 cũng như đầu tư các dự án trọng điểm, đột phá nhằm tiếp tục phát huy vai trò là đô thị trung tâm vùng phía Tây của tỉnh. Trong thời gian không xa, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, cùng với những tiềm năng, lợi thế và cơ hội hiện có, TX. Cai Lậy sẽ “cất cánh” phát triển thành một đô thị công nghiệp và du lịch, góp phần vào hành trình hiện thực hóa khát vọng phát triển của tỉnh nhà.

HÀ NAM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202312/tx-cai-lay-chuyen-bien-qua-10-nam-xay-dung-va-phat-trien-998591/