Tuyên truyền tốt, đời sống người dân được nâng cao

Từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ di dân về vùng tái định cư bản Hiển, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương, Nghệ An), bà con chưa kịp quen với phong tục, tập quán, môi trường đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn do thiếu nước, thiếu đất đai sản xuất.

Để trang trải cuộc sống hàng ngày, bà con rủ nhau đốt rừng làm rẫy. Thậm chí có những vụ đốt rừng làm cháy lan sang rừng phòng hộ.

Được hướng dẫn, bà con bản Hiển trồng và chăm sóc cây chè để ổn định cuộc sống. Ảnh: Minh Dân

Trăn trở trước thực trạng này, ông Lương Văn Tỷ - Trưởng bản Hiển chủ động trao đổi với UBND xã, Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, Trạm Kiểm lâm địa bàn và các đoàn công tác của huyện, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp xã xây dựng kế hoạch đến tận các cụm dân cư, đến tận các hộ gia đình có người vi phạm để tuyên truyền.

Mỗi khi gặp bài báo hay, tài liệu tuyên truyền quan trọng ông lại dày công cất giữ rồi phô tô ra phát cho bà con cùng đọc. Ngoài ra, ông còn khéo léo lồng việc phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong các cuộc họp dân bản; tham mưu với Tổ công tác mặt trận phân công các tổ chức, đoàn thể phụ trách, kèm cặp các hộ gia đình thường hay vi phạm.

Ông Lương Văn Tỷ chia sẻ: “3 năm qua, chúng tôi đã tổ chức được 6 cuộc tuyên truyền tại bản, 14 cuộc tại cụm dân cư, trực tiếp tới 68 lượt hộ gia đình có người vi phạm để tuyên truyền, vận động. Ngoài ra, bản còn xây dựng 4 tiết mục văn nghệ về chủ đề tuyên truyền pháp luật nhằm đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với mọi người dân.

Cùng với việc nâng cao nhận thức và ý thức của người dân về chấp hành pháp luật, Ban cán sự bản còn tích cực vận động bà con tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình. Từ chỗ chỉ biết săn, hái cái ăn có sẵn dưới suối trên rừng, nay bà con đã biết trồng lúa, trồng keo, nuôi lợn, nuôi bò. Cả xóm có 128 hộ thì đã có 126 hộ có đất trồng rừng, 50 hộ có đất trồng lúa nước và hầu như hộ nào cũng biết chăn nuôi trâu bò, lợn, gà để cải thiện cuộc sống gia đình.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động kết hợp với chăm lo cho cuộc sống người dân, đến nay đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Hiển đã nhận thức đầy đủ hơn về công tác bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên và những hậu quả do người dân chặt phá rừng gây ra. Các vi phạm trong dân giảm hẳn, cuộc sống của người dân trong bản ổn định, bình yên.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/tuyen-truyen-tot-doi-song-nguoi-dan-duoc-nang-cao-724195.html