Tuyển sinh tại các trường đại học: Lo vỡ trận ngày cuối

Mấy hôm nay, rất nhiều phụ huynh và thí sinh (TS) đứng ngồi không yên, lo chuyện điều chỉnh nguyện vọng (NV) xét tuyển khi khá nhiều trường đại học (ĐH) top trên thông báo ngưỡng điểm xét tuyển 15,5 điểm - bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT.

Đúng như nhiều chuyên gia nhận định, mức điểm xét tuyển bằng điểm sàn là nỗi đau đầu với TS và chính các trường.
Cẩn trọng tránh... bẫy
Ngược với dự đoán của số đông khi kết quả thi THPT quốc gia của TS cao, các trường ĐH, thậm chí cả top trên có truyền thống lấy điểm đầu vào trên 22, đã ra thông báo nhận hồ sơ xét tuyển từ 15,5 điểm. Quả là phụ huynh và TS như lạc trong ma trận của việc chọn trường xét tuyển. Song có lẽ như lãnh đạo một trường ĐH phân tích, các trường có thể căn cứ vào điểm trúng tuyển trong 3 năm liền của các ngành, tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường và dữ liệu TS đăng ký đợt 1 để đưa ra mức điểm sàn dự kiến. TS căn cứ vào đó chọn đăng ký NV, không để mất đi cơ hội vào ĐH ngay từ đợt 1. Còn điều hiển nhiên mà ai cũng nhìn ra là, hiện nay, với kỹ thuật phân tích dữ liệu, ngưỡng điểm những năm qua và mức điểm năm nay, có thể dự báo điểm chuẩn năm nay chắc chắn có xu hướng tăng. Nếu một trường năm ngoái lấy 23 điểm, chắc chắn năm nay phải trên 23 điểm; vậy sẽ rất "tội" cho những TS từ 15,5 điểm trở lên đăng ký NV vào ngành, trường này. Thế nên việc các trường top trên lấy điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn chỉ là cho việc tuyển sinh thêm rối, TS thêm lúng túng.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại trường THPT Việt Đức. Ảnh: Phạm Hùng

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại trường THPT Việt Đức. Ảnh: Phạm Hùng

Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Đại học FPT nhận định, việc các trường công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng tối thiểu là cần thiết, thể hiện trách nhiệm của các trường đối với chính mình và với TS. Đây là một động thái quan trọng, nhất là các trường top trên, vì điều này sẽ tạo điều kiện cho TS đăng ký, điều chỉnh NV cho phù hợp với điểm số có được, tránh kỳ vọng vượt sức. Việc công bố điểm cũng thể hiện thứ hạng, chất lượng của trường, tránh việc xét từ trên xuống cho đủ chỉ tiêu khiến các trường không tìm ra được số TS đủ chất lượng đáp ứng quá trình đào tạo.
Nhìn một cách công bằng, không phải không có lý khi nhiều chuyên gia phản đối cách lấy điểm nhận hồ sơ của các trường top trên bằng sàn. Cũng chính vì lẽ đó mà vô tình đây “bị coi” là “bẫy” tuyển sinh đối với TS. Thế nên, ông Tùng lưu ý TS, điểm thi năm nay cao hơn năm trước, vì thế không nên chủ quan; nên đặt thêm NV ở các trường hàng năm có mức điểm chuẩn thấp hơn mức điểm hiện có để tăng cơ hội đỗ vào trường.
Thí sinh cân nhắc kỹ
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến hết ngày 16/7, sau 2 ngày thực hiện điều chỉnh NV, đã có khoảng 13% số TS trên điểm sàn (khoảng 70.000 TS) điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển đợt 1. Bên cạnh đó, trong đợt đăng ký xét tuyển đầu tiên, có những ngành số TS đăng ký lên tới hàng ngàn, nhưng có ngành lại rất ít TS đăng ký. Thế nên thời điểm này các trường ĐH vừa nhận hồ sơ vừa đối diện với nỗi lo NV “ảo” và nguy cơ “vỡ trận” ngày cuối cùng thay đổi NV.
Nỗi lo này có nguyên cớ từ hai mùa tuyển sinh đã qua. Năm 2005, các trường “quá tải” vì lượng TS đến rút, nộp hồ sơ quá đông. Hồ sơ của TS đã rút ra nhưng thông tin thay đổi NV chưa kịp cập nhật vì tình trạng nghẽn mạng internet. Năm 2016 thì các trường lại hớt hải giải quyết tình trạng TS “ảo”. Đấy là hai năm trước còn khống chế số NV đăng ký xét tuyển của TS, còn năm nay TS thoải mái đăng ký NV vào các trường ĐH, CĐ. Mặc dù Bộ GD&ĐT đã lường trước tình trạng TS “ảo” và nguy cơ “vỡ trận” trong những ngày cuối, nên khuyến cáo TS cân nhắc kỹ trước khi thay đổi NV xét tuyển và không nên để đến ngày cuối cùng mới thay đổi, song lời khuyến cáo ấy xem ra không hóa giải được nỗi lo từ phía TS, nên nguy cơ “ảo” và “vỡ trận” vẫn thường trực.
Còn 4 ngày nữa mới hết thời gian thay đổi NV (điều chỉnh trực tuyến từ 15/7 đến hết 21/7 – TS không được tăng số NV so với đăng ký ban đầu; điều chỉnh bằng phiếu từ 15/7 đến hết 23/7 – áp dụng với TS tăng số NV so với đăng ký ban đầu hoặc điều chỉnh chế độ ưu tiên), lượng TS đến điều chỉnh NV vẫn tiếp tục tăng và các trường vẫn nơm nớp ôm hai nỗi lo của mùa tuyển sinh 2017.

84,57% học sinh Hà Nội đạt trên điểm sàn
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, toàn TP có 84,57% học sinh THPT có điểm thi THPT quốc gia 2017 đạt trên mức sàn của Bộ GD&ĐT (15,5 điểm). Cụ thể, tổng số thí sinh có điểm trên sàn chỉ đúng 1 khối là 9.984 (tỷ lệ 18,45%); Tổng số thí sinh có điểm trên sàn chỉ đúng 2 khối là 17.068 (31,53%); Tổng số thí sinh có điểm trên sàn chỉ đúng 3 khối là 3.755 (6,95%); Tổng số thí sinh có điểm trên sàn chỉ đúng 4 khối là 13,930 (tỷ lệ 25,73%); Tổng số thí sinh có điểm trên sàn cả 5 khối là 1.035 thí sinh (1,91%). Các khối xét gồm: Khối A (Toán, Vật lý, Hóa học); khối A1 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh); khối B (Toán, Hóa học, Sinh học); khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý); khối D1 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh). Tính tổng các thí sinh THPT Hà Nội (không tính thí sinh tự do và Giáo dục thường xuyên) có điểm trên sàn là 45.772, trong đó, tổng số thí sinh THPT có nguyện vọng xét tuyển đại học (đã đăng ký từ lúc nộp hồ sơ) của Hà Nội là 54.124. (Trung Anh)

Bộ GD&ĐT cần định ra điểm sàn chỉ cho các trường top trên, trường đẳng cấp như các nước tiên tiến đang làm, bởi thực tế tại Việt Nam có hệ thống các trường trọng điểm quốc gia, song các trường này vẫn “tận thu” tuyển sinh cả hệ cao đẳng, trung cấp một cách lộn xộn.

Ông Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT

Trung Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tuyen-sinh-tai-cac-truong-dai-hoc-lo-vo-tran-ngay-cuoi-293216.html