Tuyển sinh sư phạm: Bộ GD&ĐT vẫn chỉ loay hoay giải quyết phần ngọn

Từ năm 2018, trong khi tuyển sinh ĐH sẽ xóa sổ hẳn điểm sàn thì ngành sư phạm vẫn sẽ duy trì ngưỡng điểm đầu vào. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quản lý giáo dục, cách làm này chỉ là phần ngọn.

Chỉ xử lý phần ngọn

Sau buổi làm việc khẩn với các trường sư phạm cả nước, Bộ GD&ĐT quyết định vẫn giữ qui định điểm sàn với ngành sư phạm vào mùa tuyển sinh năm tới trong khi các ngành khác không còn giữ điểm sàn nữa.
Cho rằng ngành sư phạm đang bị “hạ giá” đến mức thê thảm, GS Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, đã đến lúc cần quy hoạch lại mạng lưới ngành sư phạm một cách toàn diện, kỹ lưỡng.

Chia sẻ với Báo PNVN về yêu cầu mức điểm sàn riêng cho ngành sư phạm, GS Vũ Tuấn cho rằng: “3 điểm mỗi môn thi đầu vào thì không thể đào tạo để làm thầy được. Vì thế quy định một ngưỡng riêng cho ngành này thay vì lấy điểm của mặt bằng chung như hiện nay, cũng là một cách để nâng cao chất lượng đầu vào và cũng là cần thiết.

Giáo viên ở Mường La (Sơn La) khắc phục hậu quả trận lũ quét đầu tháng 8 vừa qua. Ảnh minh họa: Văn Chương

Tuy nhiên, theo GS Vũ Tuấn, giải pháp này sẽ chỉ là xử lý phần ngọn của vấn đề nếu không có một cơ chế tuyển chọn giáo viên đặc biệt, phải tôn trọng giáo viên, đi liền với chế độ đãi ngộ tốt hơn. Bởi siết đầu vào nhưng không gợi mở một bức tranh tươi sáng hơn cho sinh viên sau khi ra trường, khác nào càng khiến tuyển sinh ngành này thêm bế tắc?

“Mọi giải pháp cần phải thực thi song song, trên cơ sở đưa ra một quy hoạch tương đối chi tiết. Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh dự báo nguồn nhân lực, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên, giáo sinh không tìm được việc làm hoặc có làm thì phải “chân trong chân ngoài” để đảm bảo cuộc sống. Đây là những vấn đề đáng báo động của ngành giáo dục hiện nay” - ông phân tích.

Cụ thể hơn, ông đề xuất, hàng năm mỗi địa phương phải tính trước số học sinh vào các cấp mẫu giáo, tiểu học… Trên cơ sở đó, tính toán đào tạo đủ số lượng giáo viên, đảm bảo con em có thể đến trường học và bị thiếu giáo viên.

“Nếu không làm tốt khâu dự báo nguồn giáo viên sẽ dẫn đến tình trạng lộn xộn, giáo viên không yên tâm công tác, nhấp nhổm tìm cách mưu sinh trong khi đồng lương đi dạy không ổn định. Không đảm bảo được mức sống cho giáo viên có lẽ là thiếu sót lớn nhất của ngành giáo dục hiện nay” - GS Vũ Tuấn nói.

Riêng vấn đề đãi ngộ giáo viên, với mức lương quá thấp như hiện nay và là một trong những nguyên nhân chính khiến thí sinh “quay lưng”, GS Vũ Tuấn cho rằng, Bộ GD&ĐT cần kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ để đề xuất một chế độ đãi ngộ riêng với giáo viên.

Quyết sách gì sau mùa tuyển sinh thảm hại?

Chưa bao giờ tuyển sinh ngành sư phạm gặp bão như năm nay khi liên tục hạ sát nút điểm đầu vào nhưng nhiều trường vẫn loay hoay không tuyển nổi.

Tình cảnh “đốt đuốc tìm sinh viên” xem ra còn thảm hại khi đối nghịch hoàn toàn với những ngành “hot” (như y dược, công an, quân đội, kỹ thuật…) với điểm đầu vào 30 điểm vẫn có thí sinh bị đánh trượt.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ngày 16/8 đã có buổi làm việc với các trường sư phạm cả nước, yêu cầu cấp bách tái quy hoạch mạng lưới khối sư phạm với nhiều biện pháp mạnh tay.

Sư phạm sẽ có điểm sàn riêng từ mùa tuyển sinh năm sau để đảm bảo chất lượng đầu vào. Ảnh minh họa

Ông Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, việc một số trường sư phạm đưa ra mức điểm chuẩn đầu vào thấp đã khiến cho xã hội lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.

“Mặc dù điểm trúng tuyển các trường sư phạm tính trung bình cao hơn năm ngoái song nhìn vào bức tranh chung tuyển sinh sư phạm năm nay có thể thấy nhiều thí sinh điểm cao không còn mặn mà với ngành sư phạm, nhiều trường mặc dù đưa ra điểm đầu vào thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu”- ông nói.

Mổ xẻ nguyên nhân, tư lệnh ngành giáo dục cho rằng, có lý do là quy mô đào tạo ngành ổn định nên số trường sư phạm hiện vượt quá yêu cầu thực tế. Dư thừa giáo viên khiến thí sinh lo thất nghiệp, chính sách đãi ngộ giáo viên còn nhiều bất cập…

Những giải pháp mạnh tay được ông Nhạ yêu cầu thực hiện từ năm sau là ngành nào dư thừa dứt khoát phải dừng đào tạo, không để xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như thời gian vừa qua. Những ngành đang đào tạo nhưng không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng, không đảm bảo chuẩn đầu ra theo quy định cũng sẽ kiên quyết cho dừng.

Dương Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/camera-phu-huynh/tuyen-sinh-su-pham-bo-gddt-van-chi-loay-hoay-giai-quyet-phan-ngon-post31530.html