Tuyển sinh lớp 10: Những áp lực không đáng có

Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, các thầy và trò tại Hà Nội và TPHCM vẫn chong đèn giải đề, bổ sung, củng cố nốt kiến thức để sĩ tử chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được ví khốc liệt hơn đại học.

Luyện thi đến đêm khuya

Tại lò luyện thi K.B ở đường Thái Thịnh, quận Đống Đa (Hà Nội), khoảng 6 giờ tối, không ít phụ huynh đưa con đến bắt đầu một buổi học mới.

Ngoài trời vẫn nóng hầm hập, trong phòng học sinh vẫn cặm cụi theo bài vở.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, để chuẩn bị tốt cho học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, từ đầu năm học Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường THCS xây dựng kế hoạch ôn tập, quan tâm đến việc phân loại học sinh để bồi dưỡng, phụ đạo. Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 do đó, phụ huynh không nên cho con luyện thi nhiều, gây căng thẳng áp lực cho học sinh.

Sau một ngày dài học ở trường, chạy sô đến trung tâm luyện thi, Trần Mạnh Đức, học sinh lớp 9 Trường THCS Tân Mai (Hà Nội) ăn vội suất ăn nhanh, uống cốc nước ép mẹ đã chuẩn bị để lấy sức tiếp tục “chiến đấu”. Em cho biết, lịch luyện thi của em kín mít từ sáng sớm đến đêm khuya. Một ngày của em bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng vì mẹ khuyên thức dậy sớm để học Ngữ văn sẽ rất hiệu quả. 7 giờ, em tới trường học xuyên 2 ca đến chiều tối sau đó được mẹ đón đến trung tâm luyện thi. Ở trung tâm, buổi học bắt đầu từ 6 giờ đến 9 giờ 15. Khoảng cách từ trường đến trung tâm luyện thi là 5 km, do đó để kịp giờ học mẹ phải chuẩn bị đồ ăn sẵn để em có sức vào ca học đêm. Những hôm không có lịch học ở trung tâm, Đức lại về nhà học môn Vật lý với gia sư riêng đến đêm khuya.

Học sinh lớp 9 đang vào giai đoạn căng thẳng ôn thi khi ngày học ở trường, tối “cày” trung tâm Ảnh: Nguyễn Dũng

Tương tự, lò luyện thi 123 ở đường Lê Văn Lương, quận Cầu Giấy thời điểm này vẫn mở cửa đến 10 giờ đêm. Theo bà Triệu Kim Anh, quản lý trung tâm luyện thi, trong ngày, học sinh lớp 9 vẫn theo học ở trường, do đó lò chủ yếu luyện vào buổi tối. Thông thường, mỗi ca học sẽ kéo dài khoảng 3 giờ, từ 7 giờ đến 10 giờ đêm đối với các môn thi là Toán, Tiếng Anh và Ngữ văn. Tuy nhiên, nhiều hôm cô trò hăng say, bài vở còn dang dở phải đến 22 giờ 30, thậm chí hơn mới tan lớp.

Thầy Đặng Hoàng Dư, giáo viên toán dạy luyện thi tại một trung tâm ở quận Gò Vấp (TPHCM) cho biết, bình thường học sinh được học mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 1,5 giờ nhưng thời gian này trung tâm đã tăng lên 1 tuần dạy 3 buổi, mỗi buổi 3 giờ.

“Đây là giai đoạn quan trọng, nếu ôn thi kỹ thì kiến thức của học sinh tăng rất nhanh. Chủ yếu là làm đề thực chiến để học sinh làm quen dần đề thi, từ đó nhận ra được các khuyết điểm của đề thi”, thầy Dư nói.

Minh Trang, học sinh lớp 9 Trường THCS Phan Văn Trị, TPHCM cho hay, gần một năm qua, ngoài học cả ngày ở trường, tuần nào em cũng đến trung tâm luyện thi 3 buổi để “cày” 3 môn toán, văn, tiếng Anh từ 17 giờ 45 đến 19 giờ 30. “Hết tuần này là kết thúc năm học, em sẽ không còn học ở trường mà thay vào đó là dồn lịch vào học ở trung tâm từ thứ Hai đến thứ Bảy”, Trang nói và cho biết, áp lực đang ngày càng nặng nề nhưng cũng vì thế em phải cố gắng nhiều hơn.

Hạ mục tiêu, giảm áp lực

Em Bùi Khánh Phương, học sinh trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, em đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Chu Văn An, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Cầu Giấy, nơi có nhiều học sinh giỏi cạnh tranh và tỉ lệ chọi khá cao. Ngoài ra, em có nguyện vọng thi vào lớp chuyên Anh của 5 trường THPT chuyên khác nhau của Sở GD&ĐT, trường chuyên thuộc các trường ĐH . “Áp lực của kỳ thi giờ đây không chỉ đến từ sự kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô mà bản thân em cũng tự gây ra. Trước kỳ thi, em sắp xếp kín thời gian trong tuần để học chính, học thêm. Buổi tối lắm hôm cũng thức đến 1 -2 giờ sáng để có thể làm hết mớ bài tập được giáo viên giao do đó thiếu ngủ và mệt mỏi là không tránh khỏi nhưng sát kỳ thi, em biết mình cần cố gắng hơn”, Khánh Phương.

Trong khi đó, để giảm nhiệt, một số em chia sẻ không chọn mục tiêu quá sức mà chọn cửa dưới để đảm bảo an toàn và giảm áp lực cho chính mình.

Em Nguyễn Gia Bảo, học sinh Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) nói, trước kỳ thi đã nghiêm túc trao đổi với bố mẹ và chọn nguyện vọng 1 là Trường THPT Khương Đình, nguyện vọng 2 là trường THPT Khương Hạ, những trường em dư sức đỗ. Ngoài ra, thời điểm này em đã được tuyển thẳng vào trường THPT Đào Duy Từ. “Khi lựa chọn trường trong khả năng em ôn thi với tâm thế thoải mái. Dù vậy, em cũng không chủ quan học tập, từ đầu lớp 9, ngoài học ở trường vẫn theo luyện thi hầu hết các buổi tối trong tuần ở 2 trung tâm khác nhau đến nay chưa nghỉ buổi nào.”, em chia sẻ.

Hà Linh - Nguyễn Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tuyen-sinh-lop-10-nhung-ap-luc-khong-dang-co-post1536854.tpo