Tuyên Quang phát huy giá trị nghệ thuật múa dân tộc Cao Lan

Với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đưa văn hóa thành sản phẩm du lịch độc đáo, nhiều địa phương ở tỉnh Tuyên Quang đã phục dựng, sân khấu hóa nhiều điệu múa truyền thống của người Cao Lan.

Gìn giữ, lưu truyền điệu múa cổ

Cùng với hát Sình ca, các điệu múa luôn được người Cao Lan gìn giữ lưu truyền. Mỗi điệu múa là sự kết hợp hài hòa, uyển chuyển giữa hình thể con người và các thanh âm của tiếng chuông, tiếng trống, lời ca...

Ông Lâm Văn Minh (thôn 15, xã Kim Phú, TP Tuyên Quang) - một người am hiểu văn hóa Cao Lan cho biết - người Cao Lan có hàng trăm điệu múa khác nhau.

Điệu múa “Cầu mùa” của người Cao Lan ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: TQĐT

Trong đó, múa trong các nghi lễ tín ngưỡng là các điệu múa biểu diễn tại các nghi lễ thờ cúng tế lễ thần thánh, cầu an, giải hạn... Các điệu múa chủ yếu thể hiện cử chỉ, ngoại hình của thánh thần, thể hiện niềm vui đón chào các vị thần.

Chẳng hạn như điệu múa “Sau quat” miêu tả bàn tay Phật; “Phúi mạc lừ” diễn tả đôi tai thần thánh; “Bat bat hooc, bạt bạt hoi” đóng cửa trời, mở cửa trời để thánh thần đi lại giao tiếp thế giới loài người; “Sìa cời” gọi cờ múa cờ cho thánh thần...

Ngoài ra, thông dụng nhất trong văn hóa Cao Lan là các điệu múa gắn liền với sinh hoạt con người, được biểu diễn trong các dịp lễ hội như: “Múa xúc tép”, “Chim gâu”, “Pâng loóng”, “Múa cầu mùa”…

Bà Lâm Thị Thức ở thôn 8, Hợp Hòa, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên cho biết, điệu múa “Pâng loóng” ra đời từ rất lâu và đến nay vẫn được lưu truyền trong đồng bào dân tộc Cao Lan. Đây là điệu múa mang tính ước lệ cao, miêu tả lại quá trình làm nương của người Cao Lan, từ lúc tra hạt cho đến lúc thu hoạch mang về giã thành gạo.

Nhạc cụ sử dụng cho điệu múa này chủ yếu là bộ gõ, bao gồm trống và các ống tre, tạo nên thanh âm ấn tượng và sôi động. Tiếng gõ muống, tiếng nhạc đệm từ những nhạc cụ truyền thống chính là một phần quan trọng tạo nên sự khác lạ, thu hút trong điệu múa này.

Điệu múa “Phát nương tra hạt” phản ánh sinh động cuộc sống và sinh hoạt của đồng bào Cao Lan. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Trong khi đó, điệu múa “Chim gâu” được kết hợp trong các dịp hát Sình ca của cặp trai gái. Điệu múa chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn một là đứng múa, khi múa thể hiện như hai người đang làm quen nhau.

Giai đoạn hai là ngồi múa, thể hiện hai người bắt đầu nảy nở tình yêu. Giai đoạn ba vẫn là ngồi múa nhưng 2 tay giang ra như hai con chim gâu đang xòe cánh gù vào nhau (còn gọi là nội lau hạ), thể hiện tình yêu đã ở độ chín muồi.

Đây là điệu múa có sự kết hợp khéo léo giữa người nam, người nữ và những thanh âm phát ra từ bộ gõ. Khi múa, các “diễn viên” sẽ cầm các ống tre đứng xung quanh muống rồi gõ vào muống với tiết tấu khác nhau.

Múa “Xúc tép”, tiếng Cao Lan gọi là “sọc cộng” thường có từ 3 người trở lên tham gia. Điệu múa diễn tả hoạt động của con người bắt cá làm thức ăn. Khi múa 2 tay cầm cán vợt xúc tép đưa chéo xuống; 1 chân làm trụ 1 chân bước theo nhịp của trống, hai tay đưa vợt lên xuống làm động tác như đang xúc tép.

Tất cả là sự kết hợp nhịp nhàng tiếng nhạc, trống và sự uyển chuyển hình thể của người biểu diễn. Múa xúc tép không hạn chế về số lượng, tuổi tác và giới tính nên mỗi dịp tổ chức múa đều tạo sự vui tươi, phấn khởi.

Điệu múa “Xúc tép” đầy sôi động. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Tiêu biểu cho các điệu múa được biểu diễn tại các nghi lễ là múa “Khai tăng”. Đây là điệu múa khai đèn cho thánh thần chiếu sáng cho khắp nhân gian. Người thực hiện là đệ tử của các thầy cúng người Cao Lan và thường có 4 người, bởi theo quan niệm con số 4 tượng trưng cho 4 phương trời.

Anh Lâm Văn Anh, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn - người thường thực hiện điệu múa “Khai tăng” chia sẻ, người biểu diễn có các đạo cụ như chuông nhỏ, cờ, đèn. Họ thường di chuyển vòng tròn, xoay tròn rồi 4 người chụm vào, chụm ra theo quy luật riêng. Để tất cả được kết hợp nhịp nhàng thì cần có sự chỉ huy của thầy cúng. Mỗi điệu múa thường diễn ra trong khoảng 45 - 60 phút.

Từng bước đưa văn hóa thành sản phẩm du lịch

Với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan, đưa văn hóa thành sản phẩm du lịch độc đáo, mới đây, TP Tuyên Quang đã triển khai dự án bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Trong đó, UBND thành phố tập trung xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại thôn 15 xã Kim Phú; đồng thời tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa truyền thống của người Cao Lan.

Đồng bào Cao Lan thôn Thống Nhất, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn tập luyện. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Anh Sầm Anh Đạo, dân tộc Cao Lan ở thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương là con trai Nghệ nhân Sầm Văn Dừn. Anh là người được mời truyền dạy các điệu múa truyền thống tại thôn 15, xã Kim Phú.

Anh Đạo cho biết, hiện nay, nhiều điệu múa truyền thống của dân tộc Cao Lan được gìn giữ và lưu truyền trong cộng đồng dưới hình thức sân khấu hóa như: “Chim gâu”, “Múa còn”, “Khai đèn”, “Phát nương tra hạt”... Các vũ điệu dựa trên nền trống kết hợp chuông, tiếng hát mang lại không khí hết sức sôi động, thể hiện mong ước, khát vọng của người Cao Lan về cuộc sống sung túc, ấm no.

Theo anh Đạo, để có thể thuần thục các động tác múa không khó, song để có thể truyền tải được thông điệp, ý nghĩa mà điệu múa mang lại thì người múa cần phải hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa điệu múa.

Anh Đạo giải thích thêm, như điệu múa “Khai đèn”, đúng như tên gọi tức là thắp đèn, thắp sáng cuộc sống, thắp sáng nhân gian. Đây là điệu múa trích trong lễ hội Đám tăng (Hội đèn) của người Cao Lan với mong muốn xua đi những rủi ro trong cuộc sống, cầu các vị thần soi đường, chỉ lối.

Hiện nay, trích đoạn múa “Khai đèn” trong lễ hội Đám tăng được thể hiện dưới hình thức sân khấu hóa như một cách lưu truyền văn hóa Cao Lan trong cộng đồng. Số lượng người múa có thể là 4 nam, 4 nữ hoặc nhiều hơn tùy thuộc vào không gian biểu diễn. Tuy nhiên, số lượng trai gái cần tương đương để phân đoạn múa giao duyên được thể hiện trọn vẹn.

Thành viên CLB gìn giữ bản sắc văn hóa Cao Lan xã Kim Phú luyện tập điệu múa “Khai đèn”. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Cùng với “Khai đèn”, thì múa “Chim gâu” cũng là điệu múa truyền thống truyền tải thông điệp ý nghĩa về tín ngưỡng phồn thực. Vì vậy, khi múa từng động tác, từng cử chỉ phải thể hiện sự yêu thương, quấn quýt và chung thủy với nhau như đôi chim bồ câu. Tình yêu của họ gắn kết thành đôi, thành cặp rồi nên duyên vợ chồng, tiếp tục trách nhiệm duy trì nòi giống của người Cao Lan.

Với những thông điệp ý nghĩa sâu sắc, việc sân khấu hóa các điệu múa truyền thống của người Cao Lan góp phần lan tỏa tinh hoa văn hóa từ ngàn xưa để lại. Qua đó góp phần làm dày thêm vốn văn hóa đồng bào các dân tộc xứ Tuyên.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tuyen-quang-phat-huy-gia-tri-nghe-thuat-mua-dan-toc-cao-lan-post273547.html