'Tuyên chiến' với thực phẩm 'bẩn'

Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đang là chủ đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Năm 2015 và trong những tháng đầu năm 2016, tại nhiều nơi trong cả nước, hàng loạt vụ vi phạm quy định về ATTP bị phát hiện, xử lý và báo chí đã luôn đồng hành cùng cơ quan quản lý trong cuộc đấu tranh chống thực phẩm "bẩn".

Nhận diện về thực trạng thực phẩm "bẩn"

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 59.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có hơn 34.000 cơ sở do ngành y tế quản lý. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hơn 43.000 cơ sở, phát hiện gần 8.000 cơ sở có vi phạm, xử phạt 654 cơ sở với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Riêng trong Tháng hành động vì ATTP (từ ngày 15-4 đến 15-5), các đoàn kiểm tra ATTP của thành phố đã kiểm tra hơn 10.000 cơ sở, phát hiện hơn 3.000 cơ sở vi phạm, phạt cảnh cáo 571 cơ sở, xử phạt hành chính 448 cơ sở với số tiền hơn 1,67 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm an toàn.

Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, công tác bảo đảm ATTP đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, liên quan đến dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, hóa chất bảo quản trong nông sản. Tình trạng không bảo đảm ATTP có thể xảy ra ở tất cả các khâu, từ nuôi trồng, bảo quản đến chế biến nếu chúng ta không tuân thủ đúng quy trình, quy định, nhất là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt... Mối lo luôn hiện hữu trong khâu chế biến thực phẩm do trình độ, quy mô chế biến thực phẩm ở nước ta còn nhỏ lẻ, chủ yếu chế biến theo phương pháp thủ công, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) không đạt yêu cầu. Qua khảo sát, hiện có tới 17% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố không bảo đảm các điều kiện về ATTP. Mặt khác, vấn đề buôn bán thực phẩm trên thị trường vẫn chưa kiểm soát hiệu quả; tình hình thực phẩm kém chất lượng, phụ gia thực phẩm… được nhập lậu qua biên giới vẫn có diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý thị trường.

Thực phẩm “bẩn” ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển giống nòi. Theo các chuyên gia y tế, người sử dụng thực phẩm không an toàn có khả năng bị ngộ độc thực phẩm, ung thư... Trong việc thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không an toàn, vai trò của các cơ quan truyền thông là vô cùng quan trọng. “Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã góp phần tích cực vào việc chống thực phẩm “bẩn”. Phát huy trách nhiệm xã hội của người làm báo, nhiều phóng viên có những tin bài hay, mang tính thời sự, vừa phanh phui, lên án các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về ATTP, vừa góp phần tôn vinh, quảng bá những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có cách làm hay, bảo đảm cung cấp thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng”, ông Nguyễn Khắc Hiền nói.

Kênh thông tin quan trọng

Ngoài việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP, báo chí chính là một kênh thông tin quan trọng góp phần cung cấp kiến thức, nhận thức về ATVSTP, giúp người tiêu dùng tiếp cận với thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm “bẩn” và trở thành người tiêu dùng thông thái.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Chu Xuân Kiên, báo chí thực sự là kênh thông tin quan trọng không chỉ với người tiêu dùng, mà còn cả với cơ quan chức năng. Trong khi ý thức chấp hành pháp luật về ATVSTP của một số tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân còn hạn chế, thời gian qua, chính báo chí đã giúp cơ quan chức năng có nhiều thông tin thiết thực trong lĩnh vực này để có thể kịp thời xử lý những vụ vi phạm ATTP, đồng thời nêu những vướng mắc trong vấn đề quản lý ATTP để cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung giải pháp.

Liên quan đến vai trò của báo chí trong công tác truyền thông về ATTP, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, vừa qua, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATTP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất ATTP. Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện ATTP; các cơ quan báo chí cần tăng cường đưa tin, bài, chuyên mục về tình hình ATVSTP một cách khách quan, trung thực, kịp thời, đặc biệt là nêu gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và công khai các vụ việc vi phạm ATTP để nhân dân được biết. Sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, vai trò của báo chí trong “cuộc chiến” chống thực phẩm “bẩn” là rất quan trọng. Đó là cuộc đấu tranh không chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai, mà cả một chặng đường dài, rất cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, trong đó có những người làm báo.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/838051/tuyen-chien-voi-thuc-pham-ban