Tuyên bố sốc MiG-21 có thể xé nát F-35

Chuyên gia hàng không Pierre Sprey cho rằng MiG-21 được tạo ra trong những năm 1950 có thể xé nát F-35 thành nhiều mảnh.

Tờ Politexpert cho biết, thực tế máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ đã được phát triển từ lâu và đến nay đã được đưa vào trang bị cho các lực lượng của quân đội Mỹ và một số nước khác.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chúng liên tục gặp sự cố và một lần nữa dự án này lại trở thành đề tài nóng của các chuyên gia quân sự.

F-35 của Mỹ được biết đến là chiếc máy bay ồn áo nhất hơn là về khả năng của chúng (Ảnh: dvidshub.net)

Các chuyên gia quân sự đưa ra hai luồng ý kiến khác nhau: một nhóm cho rằng dự án này của Mỹ thành công, còn một nhóm còn lại cho rằng dự án này quá tốn kém, chất lượng thấp và là dự án thất bại thảm của Mỹ.

Chuyên gia quân sự Mỹ Sebastian Roblin đã so sánh khả năng chiến đấu giữa F-35 với máy bay tiêm kích Su-35 của Nga.

Ông khẳng định rằng, dự án máy bay F-35 của Mỹ hoàn toàn hơn hẳn Su-35 của Nga về khả năng cơ động, tàng hình và phạm vi chiến đấu. Vì vậy F-35 sẽ giành chiến thắng trước Su-35 trong trận chiến đối đầu trên không.

Tuy nhiên chuyên gia quân sự Michael Hughes lại tuyên bố hoàn toàn trái ngược. Ông nói rằng máy bay F-35 của Mỹ sẽ gặp bất lợi trong cuộc chiến với các máy bay Nga.

Ông Hughes giải thích rằng, nhà sản xuất F-35 đã thiết kế tạo ra máy bay tiêm kích đa năng thế hệ thứ 5, trong đó chúng không chỉ được dùng để thay thế các loại máy bay cũ mà còn phải đáp ứng được các nhiệm vụ khác nhau của quân đội (Không quân, Lục quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến) Mỹ.

Mặc dù họ thông báo hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu này nhưng tới khi xuất hiện lần đầu vào năm 2001 khiến các chuyên gia thất vọng. Thiết kế này không bảo đảm các yêu cầu ban đầu và buộc nhà sản xuất phải cần thêm thời gian khắc phục.

Điều đáng chú ý là sau khi hoàn thành nhận được F-35 liên tục gặp sự cố trong quá trình hoạt động.

Việc máy bay này liên tục bị lỗi và cần thêm thời gian khắc phục khiến kinh phí dành cho dự án này tăng cao kỷ lục. Điều này đã dẫn đến xuất hiện nhiều nguồn tin Mỹ buộc phải nâng cấp các máy bay cũ hoặc khởi động lại sản xuất F-22 để duy trì thế cân bằng với Nga.

Tuyên bố của chuyên gia Hughes nhận được sự tán thành của các chuyên gia khác trong lĩnh vực quân sự.

Vì vậy trong cuốn sách của Michael Hughes đã viết rằng: “Những tuyên bố của người Mỹ về việc đủ khả năng đánh bại Su-35 của Nga thực chất chỉ là một “hình thức quảng cáo”.

Ông cho rằng, F-35 của Mỹ thua kém cả về tốc độ, trần bay cao và khả năng cơ động nhanh.

Trong khi đó chuyên gia hàng không Pierre Sprey đã nói thêm và tuyên bố rằng, nói dự án F-35 thành công là điều không thể chấp nhận được, đó chỉ là một lời quảng cáo “thô thiển” của Lực lượng không quân.

Theo chuyên gia này, đây là một trong những sản phẩm đáng thất vọng của Mỹ và thậm chí MiG-21 của Liên Xô được tạo ra trong những năm 1950 có thể xé nát F-35 thành nhiều mảnh.

Tóm lại việc Mỹ cố gắng tạo ra một siêu máy bay đa năng đã vô tình làm khó các nhà thiết kế và kỹ sư.

Họ đã cố gắng để nhồi nhét tất cả những công nghệ mới nhất vào chúng và kết quả cuối cùng không thể đồng bộ được dẫn tới gặp nhiều sự cố.

Phạm Mạnh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tuyen-bo-soc-mig-21-co-the-xe-nat-f-35-3339921/