Tuyên bố bắn hạ máy bay Mỹ, Triều Tiên có đủ khả năng hay chỉ nói suông?

Mặc dù tuyên bố sẽ bắn hạ B-1B, Triều Tiên được cho là không hề hay biết khi máy bay Mỹ tiến rất sát khu phi quân sự liên Triều.

Thông tin gây bất ngờ

Máy bay ném bom chiến lược B-1B là phần không thể thiếu của Mỹ trong các nhiệm vụ phô diễn sức mạnh, sau mỗi lần Triều Tiên có động thái khiêu khích.

Kể từ đầu năm đến nay, Lầu Năm Góc đã nhiều lần cử oanh tạc cơ này từ căn cứ đảo Guam đến bán đảo Triều Tiên thực hiện các cuộc diễn tập với không quân Hàn Quốc và thực hiện nhiệm vụ tuần tra thường xuyên.

Máy bay ném bom chiến lược của Mỹ tiếp cận rất sát biên giới nhưng Triều Tiên dường như không hề hay biết.

Máy bay ném bom chiến lược của Mỹ tiếp cận rất sát biên giới nhưng Triều Tiên dường như không hề hay biết.

Được hộ tống bởi một số chiến đấu cơ, máy bay ném bom tầm xa siêu âm B-1B tiếp tục được triển khai đến bờ biển phía Đông của Triều Tiên hôm thứ Bảy tuần trước.

Mặc dù chủ yếu hoạt động ở không phận quốc tế, vào ban đêm, B-1B được giao nhiệm vụ tiếp cận rất gần với khu phi quân sự ngăn cách hai miền liên Triều, theo NBC News.

Dẫu vậy, Triều Tiên dường như không hề biết máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ tiến sát biên giới mình đến vậy.

Báo cáo trước Quốc hội hôm 26/9, các quan chức tình báo Hàn Quốc cho biết, khi máy bay Mỹ đến rất gần quốc gia này, Bình Nhưỡng vẫn không có bất kỳ động tĩnh nào.

Một số ý kiến phân tích, sự im lặng của Bình Nhưỡng là có chủ ý, tuy nhiên tình báo quốc gia Hàn Quốc nhận định, lực lượng phòng vệ của chính quyền Kim Jong-un có thể không phát hiện ra hoạt động nói trên.

"Có vẻ như Triều Tiên hoàn toàn mù mờ trước nhiệm vụ của không quân Mỹ vào lúc nửa đêm. Radar của họ thất bại trong việc phát hiện các Lancer trên bầu trời," nghị sĩ Lee Whan Young - Thư ký Ủy ban Tình báo Quốc hội Hàn Quốc nói với NBC News.

Ông Lee cho biết, Lầu Năm Góc đã thông báo công khai hành trình của đội bay ngay khi hoàn thành nhiệm vụ và gửi thông điệp tới Bình Nhưỡng.

Theo đó, Washington muốn thông qua nhiệm vụ này để chứng minh rằng “Tổng thống có nhiều lựa chọn quân sự để đánh bại bất kỳ mối đe dọa nào”.

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, chỉ sau khi Mỹ công khai về nhiệm vụ của B-1B, Triều Tiên mới xuất hiện để củng cố phòng thủ và cử các máy bay bảo vệ án ngữ dọc theo bờ biển phía Đông nước này.

Năng lực Triều Tiên

Hệ thống phòng không của Triều Tiên được cho là khá đáng gờm.

Trước đó, hôm 25/9, Bình Nhưỡng từng tự tin cảnh báo sẽ bắn hạ máy bay ném bom của Mỹ ngay cả khi chúng không hoạt động trong không phận Triều Tiên.

Triều Tiên được biết đến là có hệ thống phòng thủ tầm xa, hệ thống radar cảnh báo sớm. Tuy nhiên, với phản ứng chậm chạp nói trên, Hàn Quốc suy đoán, quốc gia hàng xóm của mình không có khả năng duy trì các hệ thống trên hoạt động tốt.

"Một mặt, đó là tin tốt đối với Mỹ khi năng lực của họ hoạt động rất kém”, Robert Kelly, Giáo sư tại đại học Quốc gia Pusan của Hàn Quốc cho biết. "Mặt khác, điều này khiến Bình Nhưỡng càng thận trọng hơn khi hiểu rằng, lực lượng Mỹ đang rình rập trên bầu trời, trên biển và có thể tấn công bất ngờ".

Nhưng ông Kelly cũng lưu ý sẽ là rủi ro rất lớn nếu tính toán trên là sai lầm.

Kelly cho biết, bất cứ đánh giá chủ quan nào từ các nhà phân tích Hàn Quốc có thể “đốt cháy” cuộc khủng hoảng hiện tại.

Người Mỹ sẽ cần phải nhớ lại bài học thương đau cách đây gần 50 năm khi họ cũng từng mất cảnh giác khiến Triều Tiên bắn hạ máy bay một cách bất ngờ.

Năm 1969, chiến đấu cơ Triều Tiên từng tiêu diệt một máy bay do thám của Hải quân Mỹ trong vùng không phận quốc tế ở biển Nhật Bản, giết chết 30 thủy thủ và một lính thủy quân lục chiến.

Với ngân sách quốc phòng được đầu tư tối đa, ngoài phục vụ cho kế hoạch phát triển khả năng hạt nhân và tên lửa, các vũ khí khác của Bình Nhưỡng cũng được coi là có tiếng trên thế giới.

Theo các nhà phân tích, bắn hạ máy bay chiến lược của Mỹ đối với Triều Tiên được cho là không phải quá khó khăn.

Triều Tiên tự hào với một hạm đội có ít nhất 1.630 máy bay đủ trở thành lực lượng đáng gờm trên bầu trời.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc cách đây 2 năm từng nhận xét quốc gia này có một "hệ thống phòng không dày đặc, chằng chịt" gồm tên lửa đất đối không và pháo phòng không.

Dù đội bay bị đánh giá là cũ kỹ, chưa có ai chê bai năng lực tên lửa mặt đất của Triều Tiên. Theo báo cáo đánh giá từ quân đội Hàn Quốc, có thể hoạt động độc lập, thực hiện tấn công bất ngờ không cần yểm trợ.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tuyen-bo-ban-ha-may-bay-my-trieu-tien-co-du-kha-nang-hay-chi-noi-suong-a340380.html