Tuy Phong: Nhiều cơ hội phát triển du lịch nông thôn

Từ khi 2 tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo được thông, những ngày cuối tuần lượng khách đổ về Tuy Phong tăng thấy rõ. Ngoài điểm du lịch tâm linh chùa Cổ Thạch, Tuy Phong có nhiều điểm tham quan mới để lại ấn tượng trong lòng du khách, đặc biệt là du lịch nông thôn.

Những điểm đến chủ đạo

Một nhóm bạn trẻ ở TP. HCM vừa có chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm ở Tuy Phong cảm thấy rất thú vị với các điểm đến nơi đây, bởi sự hoang sơ, tươi mới và mộc mạc. Sau khi ghé chùa Cổ Thạch, đoàn đã lên cano đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau, nơi không thể thiếu trong hành trình đến Tuy Phong. Mặc dù chưa quen với thời tiết nắng nóng xứ biển, nhưng sự trong lành nơi Hòn Cau, sự tạo hình ngẫu nhiên của những khối đá khổng lồ nằm nép mình bên dòng nước trong vắt màu xanh ngọc đã làm mê đắm đoàn khách trẻ.

Cung đường Tà Năng - Phan Dũng đẹp như tranh vẽ.

Đoàn phải đi bộ đoạn đường khá xa để khám phá thiên nhiên.

Sang ngày thứ 2, những người mê khám phá đã chọn cung đường Tà Năng – Phan Dũng làm điểm đến tiếp theo. Do đoàn sẽ ở lại 1 đêm trong rừng, nên tour khám phá này có đơn vị tổ chức tour giúp đảm bảo sự an toàn và lều trại, đồ ăn thức uống cũng như hướng dẫn đường đi. Tuấn - 1 thành viên trong đoàn chia sẻ: “Do phải đi bộ đường rừng, đèo khá xa hơn 20 km, nên ai cũng mệt. Tuy nhiên, tận mắt chứng kiến thiên nhiên hùng vĩ nơi đây, những đồi cỏ mát xanh tươi xuất hiện như một thảo nguyên đang vào độ xuân thì, bầu không khí trong lành của cao nguyên và những cơn gió mát mẻ, làm vơi đi những vất vả, gian nan của cả nhóm. Phải trực tiếp trải nghiệm, bạn mới thấy thiên nhiên tuyệt vời biết bao”. Ngày cuối ở Tuy Phong, đoàn đã ghé tham quan vườn nho Phước Thể, vườn táo Phong Phú, xem cách nông dân sản xuất và chế biến sản phẩm theo hướng hữu cơ. Chưa hết, trong chuyến hành trình của mình, đoàn đã được tham quan chợ đêm Bình Thạnh, thưởng thức nhiều hải sản tươi sống, ăn nhiều món ăn vặt của địa phương, thỏa thích tắm biển và “check in” bãi đá 7 màu. Theo nhận xét của đoàn khách, tuy chưa có sự chuyên nghiệp về dịch vụ, nhưng các điểm đến khá thú vị, phù hợp với nhiều đối tượng du khách khác nhau.

Từ khi 2 tuyến cao thông tuyến, lượng khách về Tuy Phong tăng thấy rõ (ảnh: N. Lân)

Những điểm đến chủ đạo này trong tương lai không xa sẽ được chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, chủ các cơ sở du lịch nông thôn nơi đây sẽ được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; 50% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ. Đó là những mục tiêu chính quyền Tuy Phong đặt ra nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.

Vùng trồng nho Phước Thể (ảnh: N. Lân)

Chiến lược phát triển

Đến năm 2025, Tuy Phong đặt mục tiêu đón lượng khách tham quan du lịch bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng 8,45%, thời gian lưu trú trung bình từ 2 - 3 ngày/người. Theo UBND huyện Tuy Phong, cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho huyện đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược vào hạ tầng và du lịch. Huyện đã huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển du lịch, nhất là ở vùng biển và ven biển. Tuy Phong đã xây dựng và kết hợp với các sở, ban, ngành thực hiện có tầm nhìn việc tôn tạo các di sản, di tích, địa điểm du lịch tín ngưỡng trên địa bàn. Đầu tư, nâng cấp và mở rộng các khu du lịch trọng điểm, thiết yếu gắn liền với chủ trương, chính sách mà địa phương đã đề ra.

Tổ chức các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề và kỹ năng phục vụ du lịch

Để đạt được mục tiêu ấy, UBND huyện đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Sẽ huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn: các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác nông nghiệp, đóng góp của cộng đồng (tài chính, sức lao động…) và các nguồn hợp pháp khác cho phát triển du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tại khu vực nông thôn phù hợp với định hướng thị trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, hành động của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, sẽ tổ chức các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề và kỹ năng phục vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện; học hỏi kinh nghiệm về phát triển mô hình du lịch nông thôn tại các địa phương trong và ngoài nước…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tuy-phong-nhieu-co-hoi-phat-trien-du-lich-nong-thon-110561.html