Tưởng ù tai, đi khám… bỗng dưng bị điếc

Điếc đột ngột là bệnh cảnh điếc thần kinh giác quan xảy ra đột ngột trên những người không có tiền sử suy giảm sức nghe.

Ông HVK (61 tuổi, ngụ Tây Ninh) được bác sĩ (BS) BV Tai Mũi Họng TP.HCM chẩn đoán bị điếc đột ngột chưa tìm được nguyên nhân. Ông K không sống và làm việc trong môi trường có nhiều tiếng ồn, cũng không có bệnh nền như cao huyết áp, tim mạch hay tiểu đường.

Tưởng nước vô tai gây ù

“Trước đó, mỗi khi đi làm mệt tôi hay bị ù tai, nghĩ bị nước vô khi tắm. Thỉnh thoảng lại cảm giác như có kiến bò trong tai, tôi nhờ người thân rọi đèn pin coi cũng không có gì… Do ù tai ngày càng nặng, tai phải hầu như không nghe được nên tôi đi khám ở BV tỉnh, BS khuyên nên đến BV Tai Mũi Họng TP.HCM” - ông K kể.

Hiện ông K điều trị tại BV Tai Mũi Họng gần một tuần, tai phải nghe được khoảng 70%, tai trái cải thiện đến 90%. BS cho hay nếu tình hình tiến triển tốt như vậy, vài ngày nữa ông sẽ xuất viện.

Bác sĩ BV Tai Mũi Họng TP.HCM tư vấn cho bệnh nhân về bệnh điếc đột ngột. Ảnh: VÕ THƠ

Tiếp đó là trường hợp của anh NVT (42 tuổi, ngụ TP.HCM), khi đang làm việc bình thường bỗng dưng phát hiện tai trái không nghe được âm thanh. Anh T đi khám chuyên khoa Tai mũi họng BV Lê Văn Thịnh, được BS cho đo các biện pháp về thính học. Kết quả, tai trái của anh T bị giảm ba tần số liên tiếp (< 30 dB) theo hướng điếc thần kinh.

Nghe kém là một vấn đề sức khỏe ngày càng trầm trọng trên toàn cầu với khoảng 500 triệu người mắc ở các lứa tuổi. Mỗi năm, toàn thế giới phải chi trả khoảng 750 tỉ đô la Mỹ cho các vấn đề liên quan đến nghe kém.

“BS nói tôi có tiền sử bệnh cao huyết áp ở người trẻ, có thể gây co thắt động mạch cấp máu cho tai trong, dẫn đến nguy cơ điếc đột ngột. Khám xong, BS chẩn đoán tôi bị điếc đột ngột do nhiễm virus, gây phù nề tai trong, bọng nước màng nhĩ” - anh T chia sẻ.

Sau khi điều trị năm ngày bằng phối hợp tiêm corticoid xuyên nhĩ liều cao và chạy ôxy cao áp, tình trạng bệnh của anh T cải thiện một phần.

Điếc đột ngột do nhiều nguyên nhân

BS CKII Nguyễn Đức Phú, Phó Trưởng khoa Tai - Tai thần kinh BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết điếc đột ngột là bệnh cảnh điếc thần kinh giác quan xảy ra một cách đột ngột trên những người không có tiền sử suy giảm sức nghe.

Sáu tháng đầu năm 2023, BV Tai Mũi Họng TP.HCM tiếp nhận và điều trị 491 trường hợp điếc đột ngột, tăng 150 ca so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có những trường hợp bệnh nhân vô tình đi khám thì mới phát hiện bị điếc.

“Có nhiều nguyên nhân gây điếc đột ngột như do viêm nhiễm siêu vi, vi trùng (virus gây quai bị, zona, sởi, cúm). Ngoài ra còn có các nguyên nhân mạch máu như co thắt mạch máu, xuất huyết hay huyết khối tai trong, u thần kinh, nhiễm độc gentamycin hoặc rượu bia, rối loạn chuyển hóa trên bệnh nhân suy thận hoặc đái tháo đường…” - BS Phú cho biết.

Cũng theo BS Phú, bệnh còn có thể do thay đổi áp lực đột ngột gây rách màng reissner và gây điếc tức thì. Cạnh đó, điếc đột ngột còn do tiếng ồn, là điếc xảy ra ngay lập tức sau khi nghe một âm thanh quá to trong một khoảnh khắc hay khoảng thời gian nhất định. Nguyên nhân này khác với điếc do tiếp xúc với tiếng ồn thường diễn tiến từ từ trong một thời gian dài, khó nhận biết.

BS CKII Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tai mũi họng BV Lê Văn Thịnh, chia sẻ: Đối với điếc đột ngột, bệnh nhân sẽ cảm giác tiếng ù tai là ở những tiếng cao, nghe tựa như dế hay ve kêu.

“Các bệnh nền lâu năm như cao huyết áp, tiểu đường có thể dẫn đến tình trạng điếc đột ngột. Cũng có những trường hợp không có bệnh nền nhưng vẫn bị. Ngoài ra, khi viêm nhiễm, phù nề tai trong, thiếu ôxy, thiếu dưỡng chất bơm vào tai trong lên não cũng dẫn đến điếc đột ngột. Bệnh thường gặp ở người lớn, ít khi phát hiện ở trẻ em” - BS Hùng nói.

Điếc đột ngột khác điếc nghề nghiệp

Theo BS CKII Nguyễn Hoàng Dung, phụ trách khoa Bệnh nghề nghiệp BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, điếc đột ngột khác với điếc nghề nghiệp.

“Điếc nghề nghiệp (điếc mạn tính) không thể chữa khỏi, trong khi điếc đột ngột có thể điều trị được. Khi bệnh nhân được chẩn đoán điếc nghề nghiệp, họ sẽ được hướng dẫn đi làm giám định tổn thương để hưởng BHXH” - BS Dung cho biết.

Tuy nhiên, xác định mắc điếc nghề nghiệp rất khó vì bệnh nhân phải có đủ các điều kiện như làm việc ở môi trường tiếp xúc với tiếng ồn tần số cao, tiếng máy móc, động cơ, máy phát điện, xe cộ… Một ngày họ phải tiếp xúc với tiếng ồn trên 8 tiếng và từ một tháng trở lên, phải làm việc ở doanh nghiệp đó trên sáu tháng.

“Điếc nghề nghiệp phải điếc ở cả đường khí và đường xương. Đường khí giảm mà đường xương bình thường thì không thể gọi là điếc nghề nghiệp. Tương tự, đường khí giảm nhiều hơn đường xương thì cũng không gọi là điếc nghề nghiệp” - BS Dung giải thích thêm.

Để phòng tránh điếc nghề nghiệp, ThS-BS Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng khoa Thính học BV Tai Mũi Họng TP.HCM, khuyến cáo người lao động cần giảm tiếp xúc với tiếng ồn tại nơi làm việc. Khi buộc phải làm trong môi trường có tiếng ồn nên có các biện pháp phòng hộ cá nhân (nút tai, chụp tai), khám định kỳ để phát hiện sớm việc giảm sức nghe...

Nên đi khám trong 24 giờ đầu

Khi bị ù tai, giảm nghe tức thời một hoặc hai tai cần nghĩ đến điếc đột ngột. Lúc này cần đi khám chuyên khoa tai mũi họng để đo thính lực hoặc chuyên khoa nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng.

Lưu ý, không nên ra hiệu thuốc nói triệu chứng và mua thuốc tự điều trị tại nhà. Nên đi khám càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24 giờ đầu. Nếu để quá lâu, tình trạng bệnh sẽ khó điều trị, nguy cơ điếc vĩnh viễn.

BS CKII NGUYỄN THANH HÙNG, Trưởng khoa Tai mũi họng BV Lê Văn Thịnh

THẢO PHƯƠNG - VÕ THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/tuong-u-tai-di-kham-bong-dung-bi-diec-post753277.html