Tưởng nhớ họ, chỉ cần sống cho tử tế

LTS: Đúng ngày 27.7 năm nay, Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhận được bài viết dưới đây của một vị đại biểu Quốc hội ở nơi tận cùng đất nước với dòng ghi chú 'Chỉ chia sẻ với một vài người bạn của tôi'. Nhận thấy bài viết có ý nghĩa tự vấn sâu sắc cho mỗi người đang sống về giá trị của cuộc sống hòa bình, chúng tôi đã xin phép tác giả được đăng trên Người Đô Thị như một tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống vì đất nước bình yên hôm nay.

Sáng một ngày trung tuần tháng 7.2023, nhận được 5 cuốn giai phẩm Người Đô Thị Xuân Quý Mão 2023 (số 127-128, tháng 1&2.2023), do Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Khóa XIII, XIV và XV (đương nhiệm) gửi đến; với câu ghi bên ngoài: “Kính gửi: Các ĐBQH tỉnh Bạc Liêu”.

Nhất định có điều gì đó liên quan, nằm trong nội dung giai phẩm này! Với nhận định ấy, tôi lật tìm đọc ngay bài của Luật sư Trương Trọng Nghĩa.

***

Đây rồi! Trang 20, 21 và 22, bài viết Những người chết còn trẻ mãi, kể về những đồng đội đã hi sinh trong trận càn Junction City, trận càn qui mô lớn nhất trong cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, do quân đội Mỹ lần đầu tiên trực tiếp tham chiến, với gần 40 ngàn quân chính qui, hàng ngàn xe tăng, máy bay, kể cả B52, sử dụng 366.000 viên đại bác, 3.253 tấn bom, với mục tiêu hủy diệt căn cứ của Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, nơi mà phía Mỹ cho rằng đang hoạt động như một “Lầu Năm góc mini”; đồng thời đập tan sư đoàn 9, mạnh nhất trong 3 sư đoàn chủ lực của quân giải phóng ở Nam bộ.

Theo tài liệu từ phía Mỹ, trận càn không đạt được mục tiêu.

Chuyện kể rằng: Từ ngày 22.2.1967, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, trong đó có Báo Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, và Nhà in Trần Phú đã nhận những “nhát búa” đầu tiên của chiến thuật “búa và đe” (hammer and anvil tactic). Câu chuyện dẫn dắt mối quan tâm của tôi tới một phóng viên Báo Giải Phóng tên là An Liêu, quê ở Bạc Liêu, tập kết ra Bắc, tốt nghiệp đại học sư phạm rồi vượt Trường Sơn đi B, cùng người yêu tên là Kim Oanh, được cử về làm phóng viên Báo Giải Phóng. Biết trước trận càn sẽ diễn ra vô cùng ác liệt, cơ quan tổ chức ăn Tết Ất Tỵ sớm hơn hai tuần, kết hợp làm đám cưới cho anh chị. Sau đám cưới, chị đi sơ tán cùng cơ quan, anh ở lại cùng đồng đội trực tiếp chống càn. Anh chiến đấu rất anh dũng. Sau một trận càn, chị Kim Oanh đã trở thành góa phụ!!!

Một cuộc họp ban biên tập báo Giải Phóng năm 1969: ngồi đầu bàn ở góc xa bên trái là Tổng biên tập Thép Mới, kế đó là tác giả bài báo. Ảnh tư liệu đã đăng trong bài viết Những người chết còn trẻ mãi.

Nhìn lên tấm bản đồ hành chính tỉnh Bạc Liêu, tỉ lệ 1:270.000 treo trong phòng làm việc, tôi những mong được nhận ra trong ấy: tọa độ, bờ ruộng, con kinh, hàng dừa nước, rặng trâm bầu nào… ở ấp, xã nào là nơi một người Bạc Liêu tên là An Liêu đã sống, và đã cùng đồng đội – trong đó có ba vợ tôi, ngày ấy đã đưa hai ngón tay lên hẹn ngày trở lại rồi xuống tàu lên đường tập kết!!! Sau khi trao đổi với Thái Trần Diễm Trang – em nhân viên văn thư của Văn phòng, đề nghị gửi ấn phẩm ngay đến các đại biểu Quốc hội trong Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, tôi gọi điện thoại cho Luật sư Trương Trọng Nghĩa. Ông vui vẻ nhận lời sẽ nhờ người tìm ngay địa chỉ gia đình của Liệt sĩ An Liêu ở TP.HCM, rồi sẽ sớm thông tin đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu. Ông cũng vui vẻ tiếp nhận câu nói của tôi trong điện thoại: “Nếu không kịp đến thăm gia đình Liệt sĩ An Liêu dịp 27.7 này, thì đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu sẽ đến thăm trong một dịp gần nhất. Bởi, như ý tứ mà Luật sư đã viết trong câu kết bài báo ấy, đâu nhất thiết cứ phải chờ đến Ngày 27.7 mới thực hiện sự thăm viếng, phải không ạ”.

Câu kết ấy của bài báo là như thế này: “Vâng, những đồng đội đã chết của tôi sẽ còn trẻ mãi. Quan trọng hơn, họ sẽ còn mãi tình cảm trong sáng và niềm tin vẹn nguyên vào cách mạng, vào một xã hội tương lai tốt đẹp mà họ được hứa hẹn và mong muốn góp phần xây dựng khi kháng chiến thành công. Tưởng nhớ họ, có khi chẳng cần lễ lộc, hoa lá, nhang đèn, mà chỉ cần nói thầm với họ: “Tụi tôi đang ráng sống để không phụ lòng mấy anh chị”. Xe cộ rình rang, cờ phướn lập lòe, lời lẽ hùng hồn, khói nhang nghi ngút, nhưng làm những điều hại dân phản nước, hoặc chỉ lo vinh thân phì gia thì Những Người Chết Còn Trẻ Mãi ấy sẽ không tha thứ đâu”.

Tôi đọc bài báo đến mấy lần, lần nào đến câu kết đó cũng thực sự nổi da gà.

Vừa khi sáng, đọc Báo Dân Trí, hay tin: Một bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, khi bị Tòa kêu án tử hình, gia đình đã vội vã nộp thêm 7 tỉ đồng, nâng tổng số tiền nộp lại lên khoảng 42/42,6 tỉ đồng mà bị cáo đã nhận hối lộ trong vụ “chuyến bay giải cứu”. Lại nổi da gà thêm lần nữa, khi đọc đến đoạn, cũng trong bài viết của luật sư TrươngTrọng Nghĩa, về câu hỏi của một cô bạn học phổ thông, hỏi một đồng đội của Liệt sĩ An Liêu, đã sống sót trở về sau trận càn Junction City và sống được đến ngày toàn thắng: “Các anh thắng Mỹ, nhưng không biết có thắng nổi thế lực kim tiền của đất Sài Gòn này không?”. Khi ấy, người được hỏi – Nhà báo, nhà biên kịch phim, nguyên Phó Giám đốc Đài truyền hình TP.HCM (HTV) Nguyễn Hồ đã giận run lên, nặng lời và bỏ ra về. Bỏ ra về, nhưng – vẫn theo bài viết, mỗi năm họp mặt những cựu cán bộ, nhân viên Báo Giải Phóng, ông luôn kể lại câu chuyện này, kèm theo niềm ân hận, day dứt vì từ bấy đến nay đã không gặp được người bạn năm xưa để nói lời xin lỗi về sự “cả tin” của mình.

***

Khi chia sẻ bài viết này với một thanh niên tình nguyện, giờ đang là một thủ lĩnh thanh niên Bạc Liêu, em nhắn lại: “Xúc động quá anh ạ. Em cũng nổi hết da gà”. Anh bạn Phó Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Bạc Liêu, bạn tôi thì nhắn lại cho tôi những câu gan ruột. Còn một nhà báo, biên tập viên chính của Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Bạc Liêu thì đề nghị tôi chụp bài viết của Luật sư Trương Trọng Nghĩa gửi cho em ấy, vì “câu chuyện thu hút quá”.

Sáng hôm sau, đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ về, tôi ghé Vĩnh Hưng thắp nhang bàn thờ Liệt sĩ Nguyễn Thị Tư, nhân vật trong bài ca cổ Giọt sữa cuối cùng của Cố soạn giả Trọng Nguyễn, rồi lật đật đi photo để lưu lại bài viết của Luật sư Trương Trọng Nghĩa, với nguyện vọng sẽ gửi tặng em gái nhà báo ấy nguyên cuốn giai phẩm Người Đô Thị Tết Quý Mão 2023 vào buổi sáng 27.7.2023, để đáp lại tấm thịnh tình của em, vì đã quan tâm câu chuyện không đầu không cuối này của tôi.

Gửi bài viết này cho Luật sư Trương Trọng Nghĩa, tôi nhận được tin nhắn từ ông: “Cám ơn T. đã chia sẻ. Chúng ta cùng nhau làm được gì có ích thì ráng làm thôi. Anh sẽ ráng hỏi thăm về gia đình anh An Liêu và thông tin”.

Vậy là tôi đã có thể yên tâm khép lại bài viết; một phần bởi bài viết có vẻ cũng đã dài rồi. Trước khi hạ bút, xin ghi lại mấy câu của thơ của một cây bút Thanh niên xung phong sau 1975, là học sinh Sài Gòn cùng thời khi Luật sư Trương Trọng Nghĩa hoạt động tại R: “Nếu mỗi ngày, mỗi người đều đứng trước lương tâm/ Thì tội ác sẽ trở thành phim viễn tưởng/ Tôi sẽ sử dụng quyền công dân, làm thơ như làm ruộng/ Gieo mạ tình yêu cho tất thẩy mọi người” – (Nếu, Bùi Chí Vinh)./.

Nguyễn Huy Thái (Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tuong-nho-ho-chi-can-song-cho-tu-te-40385.html