Tương lai nào cho trí tuệ nhân tạo?

Trên thế giới, trí tuệ nhân tạo đang được phát triển bởi rất nhiều nguồn lực khác nhau, đi kèm không ít cảnh báo về mối đe dọa tiềm ẩn mà máy móc có thể gây ra khi chúng có trí tuệ.

Lịch sử

Đầu thế kỷ XVII, triết gia, nhà khoa học, nhà toán học người Pháp René Descartes đã đưa ra một quan điểm thú vị, rằng cơ thể của động vật chỉ là các cỗ máy tinh xảo. Năm 1642, chiếc máy tính cơ học đầu tiên có khả năng lập trình được đã được ra đời, đặt nền móng cho mạng nơ-ron một năm sau đó.

Thập niên 1950 là thời kỳ của nhiều hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Một nhà khoa học máy tính Mỹ có tên John McCarthy đã thiết lập thuật ngữ "artificial intelligence" (viết tắt là AI) trong hội thảo đầu tiên dành cho chủ đề này. Ông được xem là cha đẻ của ngành trí tuệ nhân tạo.

Trong hai thập niên tiếp theo, một số phát minh đã thể hiện máy móc có trí thông minh ở một mức độ nào đó. Joel Moses biểu diễn sức mạnh của suy diễn ký hiệu trong việc tích hợp các bài toán trong chương trình Macsyma, chương trình toán học sử dụng cơ sở tri thức đầu tiên thành công. Marvin Minsky và Seymour Papert xuất bản Perceptrons, trong đó chứng minh giới hạn của các mạng nơ-ron đơn giản. Alain Colmerauer phát triển ngôn ngữ lập trình Prolog. Ted Shortliffe biểu diễn sức mạnh của các hệ thống sử dụng trí thông minh suy diễn trong các chẩn đoán và liệu pháp y học. Hans Moravec phát triển chiếc xe đầu tiên được máy tính điều khiển tự động vượt chướng ngại vật...

Thập niên 1980 và 1990 đánh dấu các thành tựu đa dạng trong nhiều lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo và mạng nơ-ron được sử dụng rộng rãi. Nổi tiếng nhất là Deep Blue, một máy tính chơi cờ vua đã thắng Garry Kimovich Kasparov, siêu đại kiện tướng cờ vua người Nga và được ví là kỳ thủ mạnh nhất trong lịch sử thế giới.

Tương lai

Có thể nói lịch sử phát triển của trí tuệ nhân tạo đã đủ dày để giờ đây nó trở thành một ngành được quan tâm cực kỳ phổ biến. Trên thế giới, trí tuệ nhân tạo đang được phát triển bởi rất nhiều nguồn lực khác nhau, từ cá nhân đến các tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí cả Chính phủ.

Những doanh nghiệp lớn đang đầu tư mạnh cho trí tuệ nhân tạo gồm có Google, Facebook, Amazon, IBM, Microsoft... Chính phủ của các quốc gia gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ cũng đều bày tỏ tham vọng rất lớn với ngành này. Đây là hai trường phái đối lập nhau. Trong khi các doanh nghiệp tìm cách liên minh, kết hợp để cùng nghiên cứu và định hình những hoạt động tốt nhất cho trí tuệ nhân tạo thì các Chính phủ lại ngấm ngầm xây dựng trí tuệ nhân tạo phục vụ cho quân sự, với mong muốn thống trị thế giới. Hai trường phái tạo ra nhiều tác động đối với nhân loại, trong đó có cả tác động tiêu cực.

Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào trí tuệ nhân tạo có thể mang lại lợi ích hoặc trở thành một nguy cơ? Hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại lợi ích khi loài người đặt ra giới hạn dành cho nó. Chẳng hạn, nếu một con robot được lập trình và chỉ có khả năng xử lý những vấn đề vốn đã được lập trình thì rõ ràng cha đẻ của con robot có thể kiểm soát nó một cách tuyệt đối. Ngược lại, nếu một con robot được lập trình và có khả năng tự học (vượt xa phạm vi hiểu biết vốn được lập trình) thì một lúc nào đó, nó sẽ trở nên mất kiểm soát.

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đã được phát triển tới mức chúng có khả năng tự học. Thậm chí, một số robot đã có thể biểu lộ cảm xúc của con người như yêu, ghét. Và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một này nào đó chúng có thể nói chuyện với nhau. Trên thực tế, hồi cuối tháng 7/2017, hai chatbot có trí tuệ nhân tạo do Facebook phát triển đã tự nói chuyện và học hỏi lẫn nhau. Điều đáng nói là đoạn hội thoại giữa hai chatbot khá kỳ quặc và vô nghĩa. Tuy nhiên, một số tờ báo đã viết rằng "AI tự tạo ra ngôn ngữ mới". Trong khi một giáo sư về robot nói rằng vụ việc cho thấy "những nguy cơ từ trí tuệ nhân tạo" và "có thể gây tử vong" nếu công nghệ tương tự được tích hợp cho robot.

Đương nhiên, một lập luận rất có lý đã từng được đưa ra là AI dù tồn tại ở dạng nào đi nữa cũng cần có điện năng để duy trì sự tồn tại. Hay nói cách khác, chỉ cần ngắt điện con người sẽ có thể ngăn chặn sự phát triển của AI. Viễn cảnh khi đó là nhân loại sẽ chỉ dùng điện để chiếu sáng, nấu ăn, phục vụ các nhu cầu cơ bản của cuộc sống; còn những thứ thuộc về internet, những thiết bị thông minh sẽ không được phép hoạt động trở lại nữa.

Thật khó trả lời cụ thể về tương lai của trí tuệ nhân tạo. Có thể phải mất hàng trăm năm nữa AI mới đạt được sức mạnh giệt vong. Tuy nhiên, công cuộc phát triển cần được bắt đầu thận trọng ngay từ bây giờ.

Các nhà khoa học nói gì?

Stephen Hawking - Nhà vật lý học, vũ trụ học, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học thuộc Đại học Cambridge: "Trí tuệ nhân tạo có thể là dấu chấm hết cho nhân loại khi nó phát triển đến mức hoàn thiện nhất".

Daniel Dewey - Nhà nghiên cứu tương lai nhân loại tại Viện Tương lai nhân loại: "Việc lập trình trí tuệ nhân tạo để chúng không vượt qua các nguyên tắc mà con người nhận thức được không phải điều đơn giản".

Mark Bishop - Giáo sư khoa nhận thức điện toán tại Đại học London: "Tôi đặc biệt quan tâm đến việc triển khai trí tuệ nhân tạo trong quân sự. Không ai có thể nói trước các sự cố có thể xảy ra và điều đó thật khủng khiếp."

Bill Joy - Nhà khoa học máy tính, đồng sáng lập Sun Microsystems: "Con người sẽ bị lệ thuộc vào AI khi chúng trở nên hoàn thiện và thông minh hơn. Chúng ta sẽ cho phép mình nghe theo những quyết định của máy móc."

Andrew Maynard - Nhà vật lý học, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu rủi ro khoa học tại Đại học Michigan: "Khi AI kết hợp với công nghệ nano thì đó sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại. Các robot sẽ sử dụng công nghệ nano để hấp thụ năng lượng bằng những chất hữu cơ từ cây cối và động vật, có thể là cả con người."

Việt Đức

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/khoa-hoc/tuong-lai-nao-cho-tri-tue-nhan-tao-31000.html