Tương lai nào cho bán đảo Quảng An?

Sự phát triển quá nóng quanh Hồ Tây nói chung và khu vực bán đảo Quảng An nói riêng đặt khu vực này vào một thế 'chông chênh' hơn bao giờ hết…

Bán đảo Quảng An là vùng đất cổ ăn ra giữa Hồ Tây, Hà Nội. Đây là nơi đã được khai thác từ lâu đời, có nhiều giá trị về lịch sử văn hóa, giá trị sinh thái, cảnh quan, và cả giá trị định cư được bồi đắp qua nhiều thế hệ.

Lịch sử và huyền thoại

Hồ Tây là hồ nước tự nhiên lớn nhất tại Hà Nội, được ghi nhận trong sử sách từ khá lâu đời. Hồ có nhiều tên gọi khác nhau gắn với truyền thuyết và huyền thoại về nguồn gốc và đặc điểm của hồ như Kim Ngưu, Dâm Đàm, Xác Cáo… Với vai trò là trung tâm của một vùng “linh địa” nằm ngay cạnh thành Thăng Long trước đây, Hồ Tây luôn cần được nhìn nhận trong mối quan hệ chặt chẽ với những cuộc đất/địa điểm xung quanh nó, trong đó nổi bật là vai trò của bán đảo Quảng An - doi đất nằm ở phía đông bắc và ăn ra giữa lòng hồ.

Sen Hồ Tây trong bưu ảnh cổ. Ảnh tư liệu

Từ góc nhìn phong thủy, nửa bắc của bán đảo Quảng An (khu vực Quảng Bá) có hình thế như một con Rùa, trong khi đó phía đền Quan Thánh có thế đất hình Phượng, phía Yên Ninh hình Rồng, phía Quán La hình Ngựa, phía Ngũ Xã hình Lân, tất cả đều chầu về Hồ Tây tạo ra một khung cảnh khá lý tưởng [5].

Trên bán đảo Quảng An có hai làng cổ: Tây Hồ và Quảng Bá. Làng Tây Hồ chiếm nửa diện tích phía nam bán đảo. Có lẽ làng được hình thành từ thời Lý do gắn với truyền thuyết người dân chài Mục Thận quăng lưới bắt hổ cứu vua Lý Nhân Tông (1092 – 1127) nên được phong hầu và được ban đất Tây Hồ làm thực ấp [9].

Ghi chép trên hai tấm bia đá cổ thời Hậu Lê lưu giữ trong chùa Phổ Linh, làng Tây Hồ cho biết, chùa được dựng lần đầu tiên vào năm Hội Phong 6 (1097) [8]. Điều đó càng khẳng định Tây Hồ là một làng cổ được hình thành từ gần 1.000 năm trước. Đáng chú ý là xung quanh Hồ Tây có tới 13 làng nhưng Tây Hồ là làng duy nhất được mang tên hồ [4].

Hồ Tây xưa là một vùng trồng sen lớn của Hà Nội. Ngày nay, sen vẫn được trồng chuyên canh nhưng diện tích đã bị thu hẹp đi rất nhiều. Ảnh tư liệu

Bên cạnh những thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng điển hình của một làng truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ như đình, chùa, miếu, nhà thờ họ, trên đất làng Tây Hồ còn có các công trình nổi tiếng ít nơi có được là phủ Tây Hồ và đền Kim Ngưu. Hai công trình này nằm ở vị trí được coi là đẹp nhất và huyền thoại nhất của Hồ Tây.

Phủ Tây Hồ được khởi dựng từ thế kỷ 17, gắn với tín ngưỡng thờ mẫu cổ xưa của người Việt – đây cũng là địa chỉ linh thiêng bậc nhất Hà Thành thu hút rất đông người đi lễ cầu may, nhất là đầu xuân năm mới và các dịp lễ hội.

Trong khi đó đền Kim Ngưu lại gắn với truyền thuyết làm nên Hồ Tây: trâu vàng phương bắc nghe tiếng chuông đồng ngỡ mẹ gọi bèn chạy sang, quần đất mãi đến sụt xuống thành Hồ Tây rồi ẩn mình luôn tại đó, trở thành vị thần có khả năng diệt trừ yêu quái, bảo vệ dân lành [5]. Sắc phong cũ còn ghi: “Thần Kim Ngưu là chính thần âm phù giúp nước đã nhiều lần hiển linh tại làng Tây Hồ, phủ Vĩnh Thuận nay phong làm Kim Ngưu đế quân...” [2]. Ngôi đền cũ đã bị phá hủy trong thời kháng chiến chống Pháp, đến năm 2000 thì được dựng lại.

Đi lễ Phủ Tây Hồ là hoạt động tín ngưỡng thu hút rất đông du khách. Ảnh: Dân Việt

Nửa phía bắc của bán đảo Quảng An là làng Quảng Bá, cũng là làng rất cổ. Từ thời Trần và Hậu Lê nhiều sách cũ đã chép tên phường Quảng Bá [8], tuy nhiên có lẽ làng được hình thành sớm hơn nhiều. Theo sách Tây Hồ chí, chùa Hoằng Ân (Quảng Bá) khởi dựng từ đầu thời Lý [11]. Tương truyền Thiền Sư Ngô Ấn (1019 – 1088), người làng Quảng Bá chính là người đã dựng chùa [10]. Cũng do tiếp giáp với mặt hồ rộng lớn, nghề chính của cư dân Quảng Bá trước đây là chài lưới, trồng hoa, cây cảnh và hái sen, gần đây có thêm nghề ướp trà sen.

Giống như làng Tây Hồ, cho đến nay làng Quảng Bá vẫn còn đầy đủ các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng cổ truyền như đình, đền, chùa, nhà thờ họ trong đó chùa Hoằng Ân và đình Quảng Bá vừa là di tích lịch sử văn hóa, vừa là những công trình có giá trị nghệ thuật đặc sắc. Ngoài ra trong làng còn có cả nhà thờ công giáo – phản ánh quá trình giao lưu và hội nhập về văn hóa trong suốt quá trình tồn tại của nó.

Một ngôi nhà truyền thống làng Tây Hồ. Ảnh: Lê Phước Anh

Hệ sinh thái độc đáo

Bán đảo Quảng An cùng với Hồ Tây đã từng là hệ sinh thái đất ngập nước rất hấp đẫn, thu hút những đàn chim di cư từ phương bắc như sâm cầm, sếu, dẽ, le le, vịt trời… đến cư trú vào mùa đông. Khu vực này còn nổi tiếng với giống sen hồng cánh kép có hương thơm ngát còn được gọi là Bách Diệp, “khi nở to như hai bàn tay, có trăm cánh, xếp lớp bao bọc lấy nhụy, đài và gạo sen, giữ cho sen một mùi thơm thuần khiết, ngát đượm” [7].

Theo Nguyễn Văn Uẩn, trước đây quanh bán đảo Quảng An sen mọc bạt ngàn ra đến tận giữa hồ [8]. Từ giống sen đặc biệt này mà nơi đây còn có thêm thương hiệu trà ướp sen nổi tiếng. Chính không gian sinh thái có hai mặt giáp Hồ Tây đã tạo nên nghề truyền thống của dân làng Tây Hồ là chài lưới và hái sen.

Ba thế hệ trong gia đình ông Ngô Văn Xiêm gìn giữ bản sắc nghề ướp trà sen Tây Hồ. Ông Xiêm là một trong số ít nghệ nhân đến nay vẫn dành nhiều tâm huyết với nghề ướp trà sen, lưu giữ nét tinh hoa văn hóa đặc trưng của mảnh đất Kinh kỳ. Nguồn: Báo Lao động Thủ đô

Từ thời Nguyễn làng có thêm nghề se chỉ, nghề này được phát triển mạnh vào thời Pháp thuộc. Nhưng nổi tiếng hơn cả có lẽ là nghề trồng cây cảnh, đặc biệt là quất với nhiều nghệ nhân đã đạt đến mức thượng thừa. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thì làng Tây Hồ chính là đất tổ của cây quất [4]. Sự hòa quyện giữa kiến trúc và cảnh quan, vườn tược khiến làng Tây Hồ trước đây “đẹp như cổ tích” [2].

Với cảnh quan tươi đẹp, khi hậu ôn hòa, từ thời Lý Trần đến thời Hậu Lê, bán đảo Quảng An được chọn là nơi thừa lương của vua quan và những nhà quyền quí [8]. Tại vị trí mỏm đất nhô ra giữa hồ, chắc hẳn do có cung điện được xây dựng trước đây nên mới có tên gọi là xóm Cung (thuộc làng Tây Hồ).

Như vậy bán đảo Quảng An là một vùng đất cổ, có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu đời, có tiểu hệ sinh thái riêng, có quá trình định cư liên tục với dấu ấn là những công trình tôn giáo, tín ngưỡng đặc sắc. Đáng quý là vẫn còn lớp cư dân bản địa - họ vẫn tiếp tục thực hành các lễ hội và nghi thức truyền thống. Đây cũng là vùng đất linh thiêng gắn với truyền thuyết về Hồ Tây. Cùng với Hồ Tây, bán đảo Quảng An cũng là nơi có cảnh quan tươi đẹp, có nhiều lợi thế để duy trì và tiếp nối đặc điểm sinh thái của khu vực.

Bán đảo Quảng An với giá trị cảnh quan độc đáo ba phía là mặt nước Hồ Tây. Ảnh: Võ Thanh Tùng

Hiện trạng và thách thức

Trong quá trình đô thị hóa gần đây, bán đảo Quảng An nói riêng và không gian Hồ Tây nói chung đã có nhiều thay đổi. Việc chỉ chú ý đến hiện tại mà không quan tâm đến quá khứ khi gia tăng các công trình cao tầng xung quanh Hồ Tây nói chung và tại bán đảo Quảng An nói riêng đã và đang làm mất đi tinh thần của địa điểm, khiến các công trình tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống vốn linh thiêng trở nên tầm thường. Từ góc nhìn phát triển bền vững thì với cách làm như vậy, chúng ta đang tước đoạt đi cơ hội của thế hệ tương lai có một Thủ đô duy nhất trên thế giới sở hữu hồ nước tự nhiên vừa đậm chất huyền thoại, vừa là môi trường văn hóa và sinh thái hấp dẫn và độc đáo.

Việc kè cứng bờ hồ Hồ Tây và sự phát triển quá nóng ở không gian xung quanh hồ cũng gây ra những tác động rất bất lợi đến hệ sinh thái ngập nước ven hồ. Với chu vi lên tới gần 20km nhưng thật đáng ngạc nhiên khi đi vòng quanh hồ chỉ thấy nhà cửa san sát, mà không hề có những không gian cây xanh đủ lớn để hồ được cách ly với xô bồ phố xá, tạo ra không gian nghỉ ngơi, thư giãn cho mọi người, đồng thời tham gia tích cực vào quá trình lọc bụi đô thị.

Việc chỉ chú ý đến hiện tại mà không quan tâm đến quá khứ khi gia tăng các công trình cao tầng xung quanh Hồ Tây nói chung và tại bán đảo Quảng An nói riêng đã và đang làm mất đi tinh thần của địa điểm... Ảnh tư liệu của tác giả

Theo dõi về phân bố ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội trong những năm gần đây cho thấy một nghịch lý khác với quan niệm của nhiều người: khu vực Hồ Tây và phụ cận lại là nơi thường xuyên có nồng độ ô nhiễm bụi mịn cao bậc nhất thành phố, đặc biệt là mùa đông và mùa xuân. Do đặc điểm địa hình và khí hậu, vào mùa lạnh Hà Nội hay xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt khiến bụi mịn do các hoạt động của con người tạo ra vào ban ngày không thoát đi được và có xu hướng lắng xuống mặt đất vào ban đêm, và Hồ Tây với nhiệt độ thấp hơn những khu vực khác cũng là nơi bụi tụ về nhiều nhất, tạo ra một khung cảnh mờ ảo nhưng không hề “say đắm lòng người” bởi không phải do sương mù tạo ra như trước đây, trong khi quanh hồ chẳng còn mấy cây xanh để thanh lọc khối bụi mịn khổng lồ đó.

Bán đảo Quảng An không còn nữa những khu vườn trồng quất, trồng hoa, thay vào đó là nhà cửa và dân cư nhiều lên. Diện tích trồng sen cũng dần bị thu hẹp, chỉ còn lại trong một vài đầm nhỏ. Dẫu vậy, trong bối cảnh hiện nay Quảng An gần như là nơi duy nhất có thể giúp cho Hồ Tây có được khoảng đệm xanh cần thiết để phần nào duy trì được đặc điểm sinh thái của mình và tham gia lọc bụi, đồng thời tạo thêm khoảng lặng đô thị vốn vô cùng thiếu vắng trong khu vực nội đô.

Hồ Tây đã được Ủy ban Môi trường hồ quốc tế xếp vào danh sách 500 hồ cần được bảo tồn trên thế giới (ILEC, 2009). Ảnh: Báo Nhân dân

Hủy hoại tương lai?

Xu hướng của quy hoạch đô thị hiện đại là hướng tới phát triển bền vững, bởi đô thị là một hệ sinh thái phụ thuộc, không có khả năng tự cân bằng nếu không kết hợp với các nguồn tài nguyên bên trong và bên ngoài, đồng thời đô thị cũng là một hệ sinh thái tích lũy – duy trì và phát triển tiếp nối các giá trị văn hóa đã được tích lũy qua nhiều thế hệ [1]. Đối chiếu với quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu (đã được phê duyệt) và quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An, không khó để có thể nhận thấy các bản quy hoạch này chưa quan tâm đến hệ sinh thái ngập nước của khu vực Hồ Tây nói chung và bán đảo Quảng An nói riêng, đồng thời chưa duy trì và tiếp nối các đặc điểm văn hóa của địa điểm.

"Ý tưởng" kết nối giữa quá khứ với hiện tại một cách rất hình thức của bản quy hoạch hóa ra lại là sự can thiệp có phần thô bạo vào lịch sử văn hóa của vùng đất nghìn năm tuổi, trong khi ý tưởng này đáng lẽ phải dựa trên cơ sở nâng niu gìn giữ và phát huy những giá trị đã có.

Việc tạo ra các tuyến thẳng quá hoành tráng theo ý chí của người làm quy hoạch sẽ hủy hoại logic của địa điểm, phá vỡ cấu trúc cảnh quan, phân mảnh không gian định cư truyền thống, cách ly các công trình tôn giáo, tín ngưỡng (phủ Tây Hồ, đền Kim Ngưu, chùa Phổ Linh và chùa Hoằng Ân) khỏi không gian xã hội của chúng, đồng thời làm mất bản sắc cũng như ký ức của địa điểm.

"Ý tưởng" kết nối giữa quá khứ với hiện tại một cách rất hình thức của bản quy hoạch hóa ra lại là sự can thiệp có phần thô bạo vào lịch sử văn hóa của vùng đất nghìn năm tuổi, trong khi ý tưởng này đáng lẽ phải dựa trên cơ sở nâng niu gìn giữ và phát huy những giá trị đã có.

Bán đảo Quảng An năm 2015 (bên trái) và đến năm 2000 bán đảo Quảng An vẫn còn rất xanh. Ảnh: Lê Phước Anh

Mặt bằng sử dụng đất trên bán đảo Quảng An năm 2000. Ảnh: Lê Phước Anh

Chưa hết, cùng với các con đường này đang và sẽ mọc lên các khối nhà cao tầng, các công trình đồ sộ… Sự tập trung dân cư quá lớn trong và xung quanh các công trình này sẽ tiếp tục phá vỡ sự cân bằng sinh thái của khu vực Hồ Tây. Từ điểm nhìn kiến trúc cảnh quan, sự xuất hiện của những hình khối kiến trúc quá lớn tại bán đảo Quảng An sẽ lấn át hoàn toàn những công trình kiến trúc truyền thống đã gắn bó lâu đời với địa điểm, biến chúng trở thành những công trình phụ thuộc và lạc lõng trong bối cảnh mới.

Việc xây nhà hát opera trên Đầm Trị, nếu được phê duyệt sẽ tước đoạt một phần lớn diện tích trồng sen, cũng là phần không gian sinh thái hiếm hoi còn lại trên bán đảo Quảng An... Có thể người dân Hà Nội cần nhà hát để thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần khi đời sống vật chất khấm khá hơn, nhưng họ còn cần không gian xanh, không khí sạch, môi trường thoáng đãng... hơn nhiều. Và có đáng để bổ sung một không gian văn hóa mới bằng cách hủy hoại một không gian văn hóa khác không, nhất là khi không gian đó đã được hình thành và khẳng định giá trị từ rất lâu đời?

PGS-TS-KTS. Khuất Tân Hưng (Chủ nhiệm Bộ môn Di sản, khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội)

____________________

Tài liệu tham khảo:

Hà Duy Anh (2016), Các nguyên tắc hình thành hệ thống không gian xanh đô thị, Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 24
Đào Ngọc Du (2014), Bút ký: “Làng Tây Hồ đất thiêng”, Văn nghệ 11/2014

Papin, P. (2009), Lịch sử Hà Nội. Nhà xuất bản Mỹ thuật, Hà Nội.
Nguyễn Vinh Phúc (2004), Mặt gương Tây Hồ. Nhà Xuất bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh
Nguyễn Vinh Phúc (2010), Hồ Tây không gian văn hóa Thăng Long đầy ấn tượng, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”. Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội
Dương Trung Quốc (2010), Hà Nội và những mặt gương soi bóng, Thế giới mới
Nguyễn Ngọc Tiến (2017), Chuyện sen Hồ Tây.
Nguyễn Văn Uẩn (2016), Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX. Nhà Xuất bản Hà Nội
Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán (1998), Hà Nội nghìn xưa. Nhà Xuất bản Hà Nội
https://tayho.hanoi.gov.vn/di-tich-lich-su-chi-tiet/-/view_content/5915876-chua-hoang-an-chua-quang-ba-.html
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Ho%E1%BA%B1ng_%C3%82n

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tuong-lai-nao-cho-ban-dao-quang-an-36223.html