Tưới nước tiết kiệm, giảm áp lực khô hạn cho cây cà phê Tây Nguyên

Một trong những giải pháp lâu dài trong canh tác cây cà phê là tưới nước tiết kiệm thay vì tưới tràn lan không theo chuẩn mức như cách làm lâu nay

Một trong những giải pháp lâu dài nhằm “giải khát” cho cây cà phê Tây Nguyên là tưới nước tiết kiệm thay vì tưới không theo chuẩn mức như cách làm lâu nay.

Dự án hợp tác công tư “Sử dụng nước tưới hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất cà phê tại Việt Nam” do Tập đoàn Nestle’ và Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sỹ (SDC) đồng tài trợ thực hiện tại Tây Nguyên, bước đầu cho thấy hiệu quả của giải pháp này.

Tưới nước tự phát gây lãng phí lớn.

Tưới nước tự phát gây lãng phí lớn.

Tưới phun mưa theo phương pháp tiết kiệm.

“Nước của trời cũng có hạn thôi”!

“Nước của trời ấy mà, cứ tưới thoải mái - là tâm lý chung của người dân trồng cà phê ở đây trước tới nay”. Ông Trần Văn Thành, một nông dân trồng 4 hecta cà phê ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’Gar (Đắc Lắc) cho biết như vậy. Theo ông Thành: Ngày trước mọi người tưới tự phát, bây giờ được học hỏi kỹ thuật từ dự án tiết kiệm nước, qua một năm thấy năng suất, sản lượng không giảm, mà giảm cả tiền thuê nhân công tưới, tiền điện, tiền phân bón, nên rất nhiều người dân tham gia học tập.

Ông Trần Văn Thành trong rẫy cà phê xen canh và áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm.

Ông Hoàng Mạnh Thu, Trưởng thôn E-crôm, xã Cư Né, huyện Krông Buk (Đắk- Lắk) cho biết: “Lúc đầu tôi đến vận động bà con còn băn khoăn, có nhà còn đắn đo rằng tưới ít như thế thì rụng quả, có người còn chép miệng tưới nước thì có gì mà phải học. Có người đến tận vườn xem tôi làm rồi họ mới theo”.

Thôn E-Crôm có 72 hộ, sau 1 năm triển khai dự án, tất cả các hộ đã tham gia tập huấn và áp dụng triệt để tưới nước tiết kiệm theo hướng dẫn.

“Ngày trước chúng tôi tưới khoảng 700-800 lít, có khi lên 1000 lít/ cây/ đợt tưới. Khi áp dụng tưới nước tiết kiệm chỉ dưới 400 lít”. Ông Thu thừa nhận: “Thực sự chúng tôi không biết rễ cây cà phê ăn bao nhiêu, lượng hút của nó là bao nhiêu, rễ gì. Bây giờ chúng tôi biết khá cặn kẽ, còn cứ cổ hủ như trước thì rất khó”.

Tưới phun cục bộ tại gốc một hình thức tưới nước tiết kiệm.

Còn ông Đỗ Thành Chung, Giám đốc Quốc gia Công ty Tư vấn EDE - đơn vị tư vấn Dự án cho biết: “Trước đây cục Trồng trọt khuyến cáo tưới từ 550 - 600 lít, nhưng qua thực tế, chúng tôi tiếp tục khuyến cáo giảm dưới 400 lít, thậm chí khoảng 300 lít, vẫn không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cà phê nếu tưới đúng cách. Trung tâm khuyến nông Quốc gia đang rất ủng hộ khuyến cáo này”.

Theo ông Chung, những người trồng cà phê tham gia dự án đều hiểu rằng, “nước của trời” cũng có hạn. Cứ tưới tràn lan thì “nước trời” cũng hết, rồi tự mình làm khổ mình.

Bà con phải tìm cách thích ứng

Trưởng Đại diện Nestle’ Việt Nam tại Tây Nguyên, ông Phạm Phú Ngọc cho biết, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, như một giải pháp lâu dài chống hạn cho Tây Nguyên, Nestle và SDC đặt mục tiêu tiếp cận, nâng cao nhận thức cho 50.000 hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên trong 5 năm (2015- 2019), mỗi năm phải tiếp cận được 10 ngàn hộ. “Chúng tôi đào tạo cho họ một quy trình chuẩn từ khâu làm đất đến khâu cuối cùng là thu hoạch và sau thu hoạch. Trong đó việc nước tưới đặc biệt quan trọng” – ông Ngọc nói.

Ông Đỗ Thành Chung, cho biết: “Hạn hán nghiêm trọng cũng là một thực tế góp phần tạo động lực cho người dân tích cực tham gia Dự án sử dụng nước tưới hợp lý của Nestle và SDC. Chúng tôi quan ngại khoảng cuối tháng 4 nếu không có mưa thì rất tai hại, cực kỳ gay go”.

Để thực hiện tốt tưới nước tiết kiệm, ông Chung cho rằng, cộng đồng phải cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm dựa trên lòng tin lẫn nhau, tưới nước theo luôn phiên. “Sau một thời gian triển khai dự án, cộng với điều kiện khó khăn về nguồn nước nên người dân bước đầu đã thích ứng vì họ “phải tìm đường mà sống”.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, hoạt động tưới nước dư thừa dẫn tới suy giảm mực nước ngầm trong mùa khô gây ra tình trạng khô hạn ở nhiều địa điểm tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Tập tính tưới tiêu hiện tại của phần lớn nông dân Việt Nam không bền vững và được cho là một trong những nguyên nhân chính.

Dự án hợp tác công tư “Sử dụng nước tưới hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất cà phê tại Việt Nam” trị giá 2 triệu EURO do Tập đoàn Nestle’ và Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sỹ (SDC) đồng tài trợ, thực hiện tại 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng) từ 2015- 2019. Dự án với mục tiêu: Đảm bảo lượng nước sẵn có đầy đủ và phân bố hợp lý cho tất cả các mục đích sử dụng ở Tây Nguyên; Tiết kiệm nước chủ yếu bằng cách cải thiện quản lý tưới trong ngành cà phê; Cải thiện đời sống của người dân về mặt kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.

Trong chuyến kiểm tra công tác đối phó với tình hình hạn hán ở Tây Nguyên mới đây, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm như tưới nhỏ giọt, tưới phun sương cho cây là “vô cùng cần thiết”. Ngoài tiền vốn để mua thiết bị tưới, theo ông Phác, việc tuyên truyền, tổ chức tập huấn kỹ thuật và nâng cao nhận thức cho người dân về tưới nước tiết kiệm là hết sức quan trọng./.

Ngọc Năm/VOV-Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/tuoi-nuoc-tiet-kiem-giam-ap-luc-kho-han-cho-cay-ca-phe-tay-nguyen-500436.vov