Tuổi càng già, nợ càng nhiều: Lỗi do ta hết

10 năm liền bội chi trên 5% nhưng lỗi do ta hết. Hàng loạt chính sách chi thường xuyên, dàn trải không kiểm soát được thì làm sao có tiền bố trí đủ được. Ấn Độ, Campuchia, Lào có thu nhập thấp hơn Việt Nam, dân số trẻ hơn nhưng người dân cũng không phải gánh nợ công nhiều như người dân Việt Nam.Cảnh báo nợ công đụng trần và nguy cơ bẫy tăng trưởngLắm mối quản lý vẫn khó kiểm soát nợ công'Cú đẩy' bất ngờ làm tăng gánh nặng nợ côngNợ công 1,8 triệu tỷ: Cảnh báo vượt trần vào cuối 2016Chưa giàu đã già, oằn mình 'gánh' nợ

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016: Thách thức tái cơ cấu và triển vọng” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 12/10, ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã một lần nữa báo động về nợ công.

Nợ công đang rất căng thẳng.

Nợ công đang rất căng thẳng.

Việt Nam bắt đầu bước sang giai đoạn dân số già từ 2015 với mức thu nhập xấp xỉ 2.110 USD nhưng mỗi người dân Việt Nam đã phải gánh hơn 1.300 USD nợ công (29 triệu đồng), tương đương 62,2% thu nhập.

Nghiên cứu của ông Nguyễn Xuân Thành, Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) đã so sánh với các nước xung quanh cho thấy, các nước như ẤnĐộ, Campuchia, Lào có thu nhập thấp hơn Việt Nam, dân số trẻ hơn nhưng người dân ở những nước này lại không phải gánh nợ công quá nhiều như người dân Việt Nam.

So với mức bình quân các nước, ở “độ tuổi” của Việt Nam thì lẽ ra đã phải đạt thu nhập tương đương Malaysia, tức khoảng xấp xỉ 10.000 USD. Tuy nhiên thực tế Việt Nam mới chỉ đạt mức thu nhập bằng 1/5 của Malaysia.

Thu nhập thấp hơn nhiều, nhưng người dân Việt Nam hiện đã gánh số nợ công lên đến trên 62% thu nhập trong khi người dân Malaysia chỉ gánh số nợ công chưa tới 52% thu nhập của họ.

Phân tích bối cảnh này để cho thấy rằng, Việt Nam không thể tiếp tục trì hoãn cải cách hay chậm chạp trong nỗ lực kiểm soát nợ công của mình trước khi dân số chuyển sang giai đoạn già hóa nhanh hơn.

Báo cáo của Chính phủ cho biết đến cuối năm 2015 nợ công đã đạt 62,2% GDP. Dự kiến đến cuối năm 2016, nợ công sẽ áp sát trần ở mức 64,9% và dù chưa vượt trần chính thức nhưng rõ ràng con số này chỉ “đánh lừa thị giác” bởi nó không khác biệt có ý nghĩa với con số 65% GDP. Nợ chính phủ cũng đã vượt trần 0,3% từ hơn nửa năm nay. Và nếu không kiểm soát tốt, dù có kìm nén đến một mức độ nào đó thì nợ công rồi cũng sẽ bung ra.

Cho đến hiện tại thì Việt Nam vẫn có thể xoay trở được để trả nợ công nhưng tình hình khó khăn ngân sách cho thấy Chính phủ đã buộc phải đi vay mới để trả nợ cũ.

Là người có kinh nghiệm thực tiễn về tài chính quốc gia, ông Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Hiện ta phải vay đảo nợ. 3-4 năm nay vay đảo nợ, ngân sách không bố trí được để trả nợ.

Ông Nghiệp lo ngại là trong tổng số nợ công, tỷ lệ vay nước ngoài là 22%, còn vay trong nước chiếm tới 78%, chủ yếu vay ngắn hạn, lãi suất bình quân trên 7%. Thời hạn trả nợ ngắn.

Việc phải “vay nợ mới trả nợ cũ” đã cho thấy vấn đề rất căng: Thiếu tiền và không có tiền trả nợ.

Chi tiêu tùy tiện, vung tay quá trán

Ông Nguyễn Công Nghiệp cho rằng vấn đề của Việt Nam không phải huy động nguồn lực mà là phân bổ và sử dụng nguồn lực. Chúng ta phân bổ không hợp lí, sử dung không hiệu quả.

“Chúng ta tập trung nuôi con, nhưng mãi không lớn được. Tiền đầu tư lọt thỏm đi đâu ấy, không tạo ra GDP, lúc nào cũng thiếu tiền”, ông Nguyễn Công Nghiệp nói.

Đầu tư lãng phím kém hiệu quả là một nguyên nhân gia tăng nợ công. Ảnh: L.Bằng

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ: 10 năm liền bội chi trên 5%. Nhưng lỗi do ta hết, tự thả gà ra đuổi. Hàng loạt chính sách chi thường xuyên, đến nỗi chủ tịch xã không nhớ nổi có bao nhiêu chính sách. Dàn trải như vậy làm sao có tiền bố trí đủ được.

Vì thế, ông Nghiệp cho rằng phải xem xét lại củng cố lại kỷ luật ngân sách. Trong đó, một yêu cầu quan trọng để giảm nợ công là cần phải giảm được bội chi ngân sách.

Để giảm bội chi ngân sách, Việt Nam cần phải tăng thu hay giảm chi?. Tăng thu dường như là cách Việt Nam đang lựa chọn khi người dân, DN, và cả giới nghiên cứu kinh tế đều thấy có vẻ đang có xu hướng tận thu.

Tỷ lệ thu ngân sách hiện nay của Việt Nam chỉ thấp hơn một số nước, đặc biệt là Trung Quốc nhưng cao hơn nhiều so với Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc…

Theo tính toán của các chuyên gia Fulbright, Việt Nam rất khó nếu như không muốn nói là không khả thi để có thể đưa mức nợ công về dưới 65% vào năm 2020 theo chiến lược quản lý nợ công đã đề ra.

Kịch bản căng thẳng nhất là khi bội chi ngân sách vẫn duy trì ở mức 5% GDP. Khi đó, nợ công sẽ đạt mức xấp xỉ 73% vào năm 2020. Nếu thâm hụt ngân sách xuống bình quân 4% GDP thì nợ công vào năm 2020 vẫn đạt mức xấp xỉ 70%.

Tình huống lạc quan hơn là thâm hụt ngân sách đạt được là 3% GDP. Khi đó nợ công vào năm 2020 chỉ là 66% GDP. Trong trường hợp Việt Nam theo đuổi được mục tiêu về thâm hụt ngân sách như được đề ra trong chiến lược tài chính và chiến lược quản lý nợ công thì quy mô nợ công vẫn đạt xấp xỉ 69% GDP vào năm 2020.

Để đảm bảo nợ công không vượt 65% GDP vào năm 2020 thì đòi hỏi Chính phủ phải có một nỗ lực vượt bậc.

Một trong những kịch bản để đạt được mục tiêu này, theo chuyên gia Fulbright, Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế lên đến 7% bình quân mỗi năm cho đến 2020, trong điều kiện duy trì được thâm hụt ngân sách 3% GDP, lạm phát 5% và lãi suất 7%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia: Điều này là không dễ!

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/333611/tuoi-cang-gia-no-cang-nhieu-loi-do-ta-het.html