Tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu

Không phải Giải U.19 châu Á 2006 mà thành công đầu tiên vào bán kết của bóng đá Việt Nam (BĐVN) ở sân chơi trẻ châu lục là vòng chung kết (VCK) U.16 năm 2000. Lần đầu tiên tham dự với tư cách chủ nhà, lứa cầu thủ thiếu niên năm ấy với Phạm Văn Quyến, Phan Như Thuật, Ánh Cường, Minh Đức, Lâm Tấn… đã gây nức lòng người hâm mộ.

U.17 Việt Nam sẵn sàng cho trận ra quân gặp Ấn Độ

Sau trận ra quân thua Nhật Bản 0-2, U.16 Việt Nam đè bẹp Nepal 5-0 và làm nên cơn địa chấn khi ngược dòng ngoạn mục (bị dẫn trước 2 bàn), đánh bại Trung Quốc 3-2 với siêu phẩm sút phạt của “thần đồng” Văn Quyến khiến cầu trường Chi Lăng (Đà Nẵng) bùng nổ. Đó cũng là chiến thắng đầu tiên của một đội tuyển quốc gia Việt Nam trước Trung Quốc ở một giải đấu chính thức. Hòa Myanmar 1-1 ở vòng bảng, U.16 Việt Nam vào bán kết (khi ấy chỉ có 10 đội tham dự) và dừng bước trước đội á quân Iran.

Ở 7 VCK sau đó (tăng lên 12 rồi 16 đội), U.16 Việt Nam chỉ 3 lần vắng mặt (2008, 2012 và 2014), nhưng thành tích cao nhất chỉ là vào tứ kết năm 2016 tại Ấn Độ. Lần tổ chức thứ 20, Giải vô địch U.16 châu Á (AFC U.16 Championship) được nâng độ tuổi và đổi tên thành Cúp U.17 châu Á (AFC U.17 Asian Cup), lẽ ra được Bahrain đăng cai vào năm 2020 nhưng vì đại dịch Covid-19 chuyển sang Thái Lan 2023 (từ ngày 15-6 đến ngày 2-7).

Tại vòng loại, trên sân nhà Việt Trì, dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Quốc Tuấn, U.17 Việt Nam dễ dàng vượt qua Đài Loan 4-0, Nepal 6-0 và Thái Lan 3-0 để lần thứ 5 có mặt ở VCK. Tại VCK, 16 đội được chia thành 4 bảng, 2 đội đầu mỗi bảng vào tứ kết và 4 đội vào bán kết sẽ đại diện châu Á tham dự World Cup U.17 2023 tại Peru.

HLV Hoàng Anh Tuấn, người từng đưa U.19 Việt Nam đồng hạng 3 châu Á năm 2006, giành quyền góp mặt ở World Cup U.20 năm 2007, được trao “ấn kiếm”, nhưng U.17 Việt Nam rơi vào bảng đấu khá nặng. Mở đầu vào 19 giờ ngày mai 17-6 sẽ là “ẩn số” Ấn Độ, tiếp đó là ĐKVĐ, từng 3 lần đăng quang Nhật Bản (17 giờ ngày 20-6) và kết thúc vòng bảng là Uzbekistan (19 giờ ngày 23-6).

Để chuẩn bị cho VCK, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã có 2 chuyến tập huấn nước ngoài với 6 trận cọ xát (3 thắng, 2 hòa, 1 thua). Tại Qatar, U.17 Việt Nam hòa Lào 0-0, thắng chủ nhà 2-0; còn ở Nhật Bản thắng đội THPT Kaisenkan và U.18 Honda FC với cùng tỷ số 3-1, hòa Đại học Tokoha 3-3. Trận thua duy nhất 0-2 trước U.17 Yemen là trên sân nhà Thống Nhất (TP.HCM).

Với tập hợp những tài năng trẻ sinh năm 2005-2006 từ các “lò”: PVF, SLNA, Viettel, HAGL, B.Bình Dương, Đồng Tháp, Đà Nẵng và Thanh Hóa, đây là lứa cầu thủ hướng đến World Cup 2030. Đáng mừng là các em có thể hình tốt hơn hẳn so với lứa đàn anh U.22 vừa tham dự SEA Games 32 khi 24 cầu thủ sang Thái Lan có chiều cao trung bình 1,77m (thủ môn 1,83m, hậu vệ 1,80m, tiền vệ 1,72m, tiền đạo 1,73m). Về chuyên môn, nổi bật là tiền vệ Nguyễn Công Phương (Viettel, có 3 bàn thắng và 1 pha kiến tạo trong 6 trận tập huấn) và tiền đạo Lê Huỳnh Triệu (Đồng Tháp, 3 bàn).

Sau 23 năm, U.17 Việt Nam sẽ tái lập chiến tích ngày nào cúa Quyến “béo” và đồng đội?

HLV HOÀNG ANH TUẤN: “Cấp độ U.17 là lứa tuổi chưa trưởng thành hoàn toàn về mặt tâm lý, sinh lý. Vì vậy, sự chuẩn bị về chuyên môn và tinh thần là yếu tố then chốt, quyết định thành bại. Chúng ta phải tự tin. Đây là bóng đá trẻ, rất khó nói trước được điều gì; phải có những trận đấu lớn thì các cầu thủ mới nhanh tiến bộ. U.19 Việt Nam (năm 2016-NV) cũng từng rơi vào bảng khó nên U.17 hoàn toàn có thể hy vọng. Quan trọng hơn, nhiệm vụ của các đội tuyển trẻ là tạo nguồn lực tốt nhất cho đội tuyển quốc gia”.

Yên Chi

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202306/tuoi-17-be-gay-sung-trau-3169001/