Tung tin đồn bắt cóc ở Đà Lạt: Mục đích để quảng cáo... phòng tập gym

Đỗ Vũ Tuấn Anh khai nhận nội dung đăng trên Facebook là không có thật. Tuấn Anh dựng nên câu chuyện bắt cóc để “câu like”, quảng cáo phòng tập gym.

Tung tin bắt cóc trẻ để... quảng cáo phòng gym

Ngày 1/4, Công an tỉnh Lâm Đồng đã triệu tập Đỗ Vũ Tuấn Anh (29 tuổi, ngụ TP Đà Lạt, Lâm Đồng)) để làm rõ nội dung “thông báo khẩn” về việc xuất hiện nhóm 12 người tới Đà Lạt bắt cóc trẻ em mà thanh niên này đăng trên trang Facebook cá nhân vào sáng 19/3.

Thông báo khẩn có đoạn: “Hiện tại có một nhóm gồm 12 người chuyên bắt cóc trẻ em đã lên tới Đà Lạt vào rạng sáng nay. Người lớn trẻ nhỏ hãy nên cẩn thận. Bạn nào có bé nhỏ đi học thì gọi điện thoại ngay cho giáo viên và hiệu trưởng nhà trường, con học xong thì ngồi trong lớp, khi nào phụ huynh tới đón hãy cho ra ngoài. 1 cái share của các bạn sẽ giúp biết bao nhiêu nạn nhân ở Đà Lạt...”.

Cơ quan công an đang làm việc với Đỗ Vũ Tuấn Anh. (Ảnh: Dân Trí)

Tuấn Anh còn đề nghị “mọi người share nhiệt tình toàn Đà Lạt giúp” và khi phát hiện khả nghi thì gọi trực tiếp vào số điện thoại cho Tuấn Anh. Tại cơ quan điều tra, Tuấn Anh khai để thông tin thêm tin cậy, Tuấn Anh còn bịa ra “vừa liên lạc với vài chú và đàn anh bên 113”.

Nhằm quảng cáo cho phòng tập gym và quán phá lấu của mình, Đỗ Vũ Tuấn Anh không quên chèn theo thêm nội dung: “Mình kinh doanh 2 phòng tập gym và 1 quán phá lấu…”.

Sau khi Đỗ Vũ Tuấn Anh đăng nội dung bắt cóc trẻ em, hàng trăm người đã vào like, share và bình luận, tạo nên tâm lý hoang mang, bất an cho xã hội.

Làm việc với cơ quan công an, Đỗ Vũ Tuấn Anh khai nhận nội dung đăng trên Facebook là không có thật. Vì nghe thời gian qua tại Lâm Đồng xuất hiện nhiều thông tin có kẻ xấu bắt cóc trẻ em nên Đỗ Vũ Tuấn Anh dựng nên câu chuyện trên để “câu like”, quảng cáo phòng tập gym, quán phá lấu.

Hiện cơ quan công an đang xem xét tính chất, mức độ vi phạm để xử phạt hành chính đối với Đỗ Vũ Tuấn Anh.

Thông báo “khẩn” đăng trên facebook của Anh.

Từ đầu năm 2016 đến nay, tại nhiều địa phương của Lâm Đồng xuất hiện thông tin kẻ xấu liên tục “bắt cóc hụt” học sinh tiểu học.

Tuy nhiên văn bản của Công an tỉnh Lâm Đồng khẳng định ba vụ bắt cóc được các trang mạng đăng tải đều là thông tin không có thật, do một số học sinh dựng lên vì nhiều lý do.

Công an tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc điều tra, xác minh và kết luận tất cả những thông tin này đều là kết quả của sự bịa đặt, ngộ nhận.

Trên cơ sở kết quả điều tra của cơ quan công an, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo ngành giáo dục tỉnh này phải ra văn bản cải chính những cảnh báo đã phát đi trước đó.

Sẽ xử lý nghiêm kẻ tung tin đồn bắt cóc trẻ em

Thực tế, không chỉ ở Đà Lạt mà ở nhiều tỉnh thành khác, những tin đồn bắt cóc vẫn được nhiều người tung lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Phần nhiều trong số này là không có thật.

Trước đó, một cô giáo mầm non ở Long An cũng tung tin đồn bắt cóc trẻ em ở chợ Tầm Vu. Sau đó công an thị trấn Tầm Vu đã trực tiếp mời cô này lên làm việc. Tại đây, cô đã thừa nhận cô bịa để đưa lên mạng nhưng mục đích là cảnh báo nạn bắt cóc trẻ em.

“Tôi chỉ đưa trên mạng để cảnh báo cho phụ huynh, thế nhưng không ngờ sự việc đi quá xa và nhiều vấn đề nảy sinh quá bất ngờ tôi không lường hết”, cô giáo biện minh.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cảnh sát Hình sự (C45 - Bộ Công an) cho biết nếu trường hợp nào tung hoang tin sẽ bị điều tra và xử lý tương ứng theo hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật mà họ gây ra, kể cả xử lý hành chính và xử lý hình sự.

Phía cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là lực lượng cảnh sát hình sự, khi có những nguồn tin thất thiệt kiểu như trên lan truyền trên mạng xã hội thì nhanh chóng tiến hành tổ chức điều tra, xử lý nghiêm những người tung tin thất thiệt, theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Thiếu tướng, người dân sử dụng mạng xã hội khi đọc được những thông tin thất thiệt dạng như thế này hoặc nhận được những thông tin người khác nhắn đến qua mạng facebook thì không được phát tán trước khi kiểm chứng. Cần nâng cao ý thức cảnh giác, nên tiếp nhận thông tin qua các kênh chính thống.

Đối với các cháu bé đang độ tuổi đi học thì gia đình, nhà trường, xã hội có trách nhiệm giáo dục nâng cao ý thức tự phòng, truyền đạt kỹ năng sống để các cháu không bị mắc bẫy của các đối tượng xấu. Tránh những trường hợp các đối tượng giả có vụ bắt cóc để tống tiền phụ huynh, trong khi đó thực tế thì con họ vẫn đang ở trường…

Tóm lại, người dùng mạng xã hội cần cân nhắc, chọn lọc thông tin và có kiểm chứng, một số người đừng vì thiếu hiểu biết mà gây ra những hệ lụy đáng tiếc.

Tình Nguyên (TH)

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ke-tung-tin-bat-coc-tre-em-o-da-lat-khai-gi-tai-co-quan-dieu-tra-a234466.html