Tung sô cô la hình ông già Noel, tuần lộc... ra thị trường Giáng sinh

Các sản phẩm sô cô la hình tượng trên được Vinacacao nhập khẩu từ đối tác là Công ty Libeert – một công ty 100 năm tuổi của Bỉ.

Chiều 14-12, tại TP HCM diễn ra lễ ký kết hợp tác song phương giữa Công ty CP ca cao Việt Nam (Vinacacao) và Công ty Libeert (Bỉ). Đây là lần đầu tiên, 2 công ty sản xuất thành phẩm cùng ngành sô cô la đến từ 2 quốc gia thuộc 2 châu lục hợp tác để trao đổi thị trường.

Ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch Vinacacao, cho biết trong thỏa thuận hợp tác này, 2 bên chia sẻ sản phẩm, chia sẻ thị trường, hệ thống phân phối để mang sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

"Việc ký kết hợp tác không chỉ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho 2 doanh nghiệp, thêm hình thức hợp tác mới cho các công ty sản xuất thành phẩm mà còn tạo cơ hội phát triển cho ngành ca cao và người trồng ca cao tại Việt Nam" – ông Liêng nói.

Ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch Vinacacao, chia sẻ về việc hợp tác hoán đổi thị trường với Công ty Libeert

Trước mắt, Vinacacao hợp tác với Libeert để đưa vào thị trường Việt Nam sản phẩm sô cô la hình tượng để phục vụ khách hàng trẻ em. Đây là dòng sản phẩm công ty đang thiếu trong khi tiềm năng thị trường lớn.

Ông Liêng nói thêm, tiêu thụ sô cô la theo đầu người của Việt Nam là 0,05kg/năm. Kích cỡ thị trường Việt Nam thời điểm hiện tại khoảng 250 triệu USD, chiếm khoảng 10% thị trường tiềm năng xét theo qui mô dân số và tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, toàn thị trường sô cô la thế giới khoảng 57 tỉ USD. Nếu Việt Nam phát huy hết tiềm năng, có thể chiếm 2,4% thị trường thế giới (1,36 tỉ USD).

Trong nhiều năm qua, Việt Nam xuất khẩu sô cô la dạng chế biến thô, trị giá gia tăng thấp. Việc đưa sô cô la thâm nhập thị trường châu Âu và Bắc Mỹ giống như "chở củi về rừng".

Sô cô la thương hiệu Việt Nam của Vinacacao sẽ có mặt tại hệ thống phân phối của Bỉ trong thời gian tới

Ông kỳ vọng việc hợp tác thương mại 2 chiều với Libeert sẽ giúp cacao Việt Nam thâm nhập vào hệ thống phân phối tại Bỉ. Mô hình này giải quyết dứt điểm cạnh tranh cùng ngành, chuyển đối thủ thành đối tác, hợp tác win-win. Lợi nhuận tăng gấp đôi từ chiều mua và chiều bán. Thanh toán bù trừ nên sẽ không dùng ngoại tệ nên cũng không chịu sự chênh lệch tỉ giá ngoại hối giữa mua - bán.

"Mô hình hợp tác song phương này thúc đẩy hội nhập chất lượng, kinh tế xanh, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, không chỉ dành cho Vinacacao mà còn mở ra nhiều triển vọng cho 700.000 doanh nghiệp Việt nam muốn thâm nhập thị trường quốc tế sau khi đã vững vàng thị trường trong nước" - ông Liêng tâm huyết.

T. Nhân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tung-so-co-la-hinh-ong-gia-noel-tuan-loc-ra-thi-truong-giang-sinh-196231214224834639.htm