Từng dùng cỡ đạn 7,62mm như Việt Nam, tại sao Mỹ chuyển sang 5,56mm?

Thế kỷ 20 là thế kỷ của sự chuyển đổi lớn của các quân đội trên thế giới, từ dùng đạn 7,62 mm sang 5,56 mm (hoặc 5,45 mm ở Liên Xô và các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa). Trong đó Mỹ là quốc gia đi đầu; vậy đâu là lý do?

Trong nửa sau của thế kỷ 20, các quân đội trên thế giới bắt đầu chuyển sang một loại đạn mới, dùng cho loại vũ khí có số lượng khổng lồ nhất - súng cầm tay. Hiện nay, súng máy và súng trường tấn công cỡ nòng 5,56 mm, vẫn là vũ khí nhỏ chủ lực của quân đội các nước thuộc khối NATO.

Nhưng ít ai biết, Quân đội Mỹ chuyển sang dùng loại đạn 5,56x45 mm vào đầu thập niên 1960; đầu tiên là trên súng trường tiến công M-16. Vào thời điểm đó, Mỹ và các đồng minh NATO vẫn đang “loay hoay” tìm kiếm các loại đạn nhẹ, chính xác và tin cậy hơn cho các loại vũ khí nhỏ.

Và sau hơn 50 năm, loại đạn 5,56x45 mm đã trở thành đạn phổ thông; nhưng ngày càng có nhiều người thích sự trở lại của loại đạn mạnh hơn. Vì vậy ở Mỹ, họ đang tích cực nghiên cứu các loại đạn cỡ 6,8 mm; lý do là việc sử dụng áo giáp bảo vệ cá nhân tiên tiến, cho binh lính trên chiến trường ngày càng rộng rãi hơn.

Quay trở lại vào đầu những năm 1950, tổ chức NATO khi đó mới được thành lập, đã chuyển sang tìm kiếm một loại đạn súng trường duy nhất, có thể được sử dụng ở tất cả các nước thuộc NATO. Việc chuyển đổi sang loại đạn như vậy hứa hẹn nhiều thuận lợi, trong đó rõ ràng nhất là việc đơn giản hóa công tác hậu cần.

Việc lựa chọn một loại đạn, sẽ đảm bảo khả năng tương thích với vũ khí của quân đội các nước thuộc khối NATO và các quốc gia bạn bè thân cận; đồng thời có thể tạo ra các kho dự trữ cần thiết, giúp việc phân phối đạn dược rẻ hơn và dễ dàng hơn.

Vào thời điểm đó, yêu cầu tìm kiếm một loại đạn duy nhất trở nên cấp thiết, khi các nước trong khối sử dụng đạn với nhiều kích cỡ khác nhau. Nổi tiếng nhất là đạn 7,62x51 mm của Mỹ, sau này được sử dụng làm đạn súng máy tiêu chuẩn của khối NATO.

Đạn 7,62x51 mm hiện nay không được sử dụng trong các loại vũ khí tự động loại nhỏ; mặc dù nó có rất nhiều ưu điểm như có độ xuyên phá cao, tầm bắn hiệu quả tốt. Đặc biệt là khi đạn 7,62x51 mm trúng cơ thể người (trừ phần chân, tay), có thể gây tử vong tức thì.

Tuy nhiên loại đạn 7,62x51 mm cũng có những nhược điểm. Nhược điểm chính của nó là làm cho súng có độ giật mạnh; trọng lượng đạn cũng nặng hơn (gần gấp đôi so với đạn 5,56x45 mm), khiến binh lính không thể mang được nhiều đạn và đương nhiên là giá thành sản xuất cũng đắt hơn.

Thực tế đã chỉ ra rằng, loại đạn 7,62x51 mm quá mạnh đối với súng trường tấn công và đồng thời khá nặng. Vì lý do này, đạn dược mang theo của mỗi người lính chiến đấu không đủ cho các hoạt động chiến đấu trong điều kiện trận đánh kéo dài.

Tuy nhiên việc chuyển sang dùng một loại đạn mới đối với quân đội một nước đã không đơn giản, chứ đừng nói đến một khối. Tuy nhiên việc tìm ra một loại đạn mới vẫn tiếp tục vào năm 1957. Nếu ở Mỹ, việc chuyển sang sử dụng một loại đạn mới khá nhanh chóng, thì ở các nước NATO, quá trình này kéo dài cho đến những năm 1980.

Loại đạn mới, dựa trên loại đạn .223 Remington hiện có, được sử dụng cho súng trường tự động cỡ nòng nhỏ hơn, được phát triển ở Mỹ; đây là loại súng có tốc độ bắn cao và loại đạn này được biết đến rộng rãi ngày nay. Đó chính là loại đạn tiêu chuẩn 5,56x45 mm trong súng trường tiến công AR-15 và sau này là M16 nổi tiếng.

Mặc dù giảm cỡ nòng nhưng quân đội Mỹ vẫn đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt về đặc điểm kỹ thuật của loại đạn mới. Loại đạn cỡ 5,56 mm được cho là có thể duy trì tốc độ bay siêu âm ở khoảng cách dưới 500 mét, và hoàn toàn có thể xuyên thủng mũ bảo hộ tiêu chuẩn và giáp của những năm đó, ở cùng một khoảng cách.

Loại đạn mới 5,56 mm đã được chứng minh hiệu quả với súng trường mới của hãng ArmaLite. Chính công ty này đã tham gia thiết kế và sản xuất súng trường bán tự động AR-15, có tốc độ bắn rất nhanh.

Vào thời điểm đó, ArmaLite đã bán bằng sáng chế khẩu AR-15 cho công ty Colt, do công ty đang gặp khó khăn về tài chính. Trên cơ sở khẩu AR-15, Colt đã phát triển ra phiên bản hoàn toàn tự động M16, được sử dụng bởi Không quân, Hải quân và Lục quân Mỹ.

Vậy ưu điểm của loại đạn 5,56x45 mm là gì? Các cuộc thử nghiệm được thực hiện ở Mỹ đã cho thấy, độ chính xác khi bắn của súng trường AR-15 và M16, được phát triển cho loại đạn 5,56x45 mm đã tăng lên, và số lần trục trặc khác nhau giảm xuống, so với hoạt động của khẩu súng trường M1 Garand dùng đạn 7,62x51 mm.

Cuối cùng, toàn bộ quân đội Mỹ đã chuyển sang loại đạn 5,56x45 mm. Sự lựa chọn đã quá rõ ràng, khi loại đạn mới nhẹ hơn đáng kể so với đạn trước đó, cho phép binh sĩ mang theo nhiều đạn hơn, và cũng thuận lợi cho các vấn đề tiếp tế. Khối lượng của đầu đạn 5,56x45 mm là khoảng 12 gram, gần bằng một nửa đầu đạn 7,62x51 mm.

Loại đạn 5,56x45 mm giúp giảm độ giật khi bắn từ các loại vũ khí nhỏ. Điều này làm tăng tính dễ sử dụng của vũ khí, mang lại độ chính xác cao hơn khi bắn. Các cuộc thử nghiệm được tiến hành ở Mỹ cho thấy, việc sử dụng loại đạn mới, cho phép binh sĩ bắn trúng mục tiêu một cách tự tin hơn so với các loại đạn cỡ nòng lớn hơn.

Kể từ khi ra đời đến nay đã hơn 60 năm, loại đạn 5,56x45 mm vẫn là loại đạn, được quân đội Mỹ dành cho súng trường tấn công. Chính Liên Xô cũng học theo Mỹ, khi quyết định sử dụng loại đạn 5,56x39 mm từ mẫu súng trường tiến công AK-74 trở đi. Nó cũng chứng minh tính ưu việt của loại đạn cỡ nhỏ dùng cho súng trường tiến công cả về hiệu quả chiến đấu và tính kinh tế. Nguồn ảnh: Foxt.

So sánh sức mạnh của súng trường tấn công AK-47 và M-16: Vũ khí Nga có ưu thế sức mạnh tuyệt đối, trong khi độ chính xác cao lại là ưu điểm của khẩu súng Mỹ. Nguồn: QPVN.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tung-dung-co-dan-762mm-nhu-viet-nam-tai-sao-my-chuyen-sang-556mm-1588567.html