Từng bước tự chủ thiết kế các gam tàu chiến đấu phức tạp

Ngành đóng tàu quân sự đã từng bước tự chủ thiết kế được nhiều mẫu tàu quân sự có tính năng hiện đại; đóng mới thành công nhiều lớp tàu quân sự, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của Viện Thiết kế tàu quân sự thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP).

15 năm xây dựng và phát triển, so với các đơn vị thuộc Tổng cục CNQP, Viện Thiết kế tàu quân sự có tuổi đời non trẻ nhất, nhưng thực hiện công việc rất phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn. Với chức năng, nhiệm vụ thiết kế đóng mới và cải hoán tàu quân sự, tàu và phương tiện thủy phục vụ nhu cầu dân sinh và xuất khẩu; nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đóng tàu; tham mưu với cấp trên về quản lý nhà nước trong đóng tàu quân sự... Viện Thiết kế tàu quân sự đã phát huy tinh thần “Đoàn kết, vượt khó, nỗ lực, vươn xa”, có sức bật mạnh mẽ, dần trưởng thành theo “độ khó” của từng nhiệm vụ.

Đến nay, Viện đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật 19 gam tàu với tổng số gần 100 lượt tàu được đóng mới. Tiêu biểu như các gam tàu hải đội dân quân thường trực; tàu vận tải đổ bộ 550 tấn; tàu chở xăng dầu 3.000 tấn; làm chủ thiết kế các gam tàu bổ trợ có trong trang bị Quân đội. Đặc biệt, với thành công của đề tài cấp Bộ Quốc phòng về “Nghiên cứu, thiết kế tàu săn ngầm phù hợp với điều kiện tác chiến biển, đảo của Việt Nam” và nhiệm vụ thiết kế hoán cải lắp đặt tên lửa lên tàu quân sự là cơ sở vững chắc để Viện hoàn thiện năng lực, sẵn sàng thiết kế các gam tàu chiến đấu phù hợp với điều kiện tác chiến mới của Quân đội.

Cán bộ và các nghiên cứu viên trẻ của Viện Thiết kế tàu quân sự trao đổi nghiệp vụ.Ảnh: SƠN BÌNH

Cùng với đó, Viện đã chủ trì thực hiện 70 đề tài, nhiệm vụ khoa học-công nghệ. Đặc biệt, đề tài cấp Nhà nước về “Nghiên cứu phát triển, hoán cải giàn khoan dầu khí di động phục vụ kinh tế biển và an ninh, quốc phòng” thuộc cụm công trình “Nghiên cứu thiết kế chế tạo tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft” đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2021. Đa số sản phẩm đề tài của Viện đều có tính ứng dụng cao, đã được đưa vào phục vụ công tác thiết kế, đóng mới, bảo đảm kỹ thuật tàu quân sự, góp phần thiết thực vào nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP, xây dựng Quân đội và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ngoài ra, Viện tham gia tư vấn lập trên 40 dự án, đề án, nổi bật là đề án “Xây dựng hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới”; giám sát thi công đóng mới hơn 100 lượt tàu; biên soạn hơn 40 bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng, bảo dưỡng kỹ thuật tàu quân sự; tham mưu giúp thủ trưởng Tổng cục CNQP trong quản lý nhà nước về đóng tàu quân sự, như chủ trì soạn thảo Thông tư số 13/2023/TT-BQP ngày 2-3-2023 về định mức nhân công, vật tư, điện năng trong đóng mới tàu quân sự...

Viện Thiết kế tàu quân sự còn thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm kỹ thuật cho các nhà máy đóng tàu và các đơn vị sử dụng tàu trong toàn quân, với nhiều sản phẩm, phần việc nổi bật, như: Sửa chữa hệ thống điều khiển máy chính, hệ thống tay chuông truyền lệnh; chế tạo mạch điều khiển C0B10 cho máy chính MTU; hỗ trợ bảo đảm kỹ thuật đối với bắn đạn thật của Vùng 1 Hải quân; hệ thống điều khiển đèn hàng hải; hệ thống báo ngập khoang két trên tàu; hệ thống giám sát toàn tàu; hệ thống thủy lực trên xe thiết giáp chống khủng bố...

Cơ sở quan trọng để Viện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao chính là có đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên trẻ, cơ bản được đào tạo bài bản từ nước ngoài, có khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ thiết kế, đóng tàu quân sự của nhiều nước và thực hiện các đề tài, nhiệm vụ theo hướng chuyên sâu, nhất là làm chủ các phương pháp tính toán, các phần mềm thiết kế tàu, như: AVEVA Marine, FINE Marine, NavCad, Maxsurf, Rhinoceros, ProPcad... Viện chú trọng tự đào tạo bằng cách giao cho cán bộ có kinh nghiệm dẫn dắt, kèm cặp cán bộ trẻ, qua đó phát hiện sở trường, năng lực để sử dụng đúng người, đúng việc; mạnh dạn giao đề tài, nhiệm vụ để thúc đẩy cán bộ trẻ tích cực nghiên cứu khoa học...

Để nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế tàu quân sự, dân sự, Viện thực hiện chuyên môn hóa theo hướng thành lập tổ thiết kế tập trung, lựa chọn cán bộ có trình độ chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm làm nòng cốt, phát huy trí tuệ tập thể trong thiết kế các sản phẩm; rà soát, ban hành các quy trình làm việc (thiết kế, giám sát, biên soạn tài liệu...) nhằm kiểm soát, quản lý chất lượng, tiến độ thực hiện công việc và phát hiện những khâu yếu để khắc phục kịp thời. Viện đã phối hợp với một số viện nghiên cứu trong và ngoài Quân đội tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo, thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế tàu tham dự; qua đó, đề xuất được nhiều nội dung có hàm lượng khoa học cao trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế các loại tàu biển.

Với định hướng cụ thể và nền tảng đã gây dựng, Viện Thiết kế tàu quân sự tập trung làm chủ thiết kế các gam tàu bổ trợ hiện đại, tiến tới thiết kế các gam tàu chiến đấu có độ phức tạp cao. Triển khai nghiên cứu, thiết kế chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật mới đáp ứng yêu cầu tác chiến trong chiến tranh hiện đại, tập trung vào phương tiện không người lái trên mặt nước (USV); phương tiện không người lái dưới mặt nước (UUV); xây dựng được các phòng nghiên cứu tích hợp với trang bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu về nghiên cứu, thử nghiệm, tích hợp hệ thống vũ khí, khí tài trên tàu chiến đấu...

Đại tá, TS PHẠM QUANG CHIẾN, Viện trưởng Viện Thiết kế tàu quân sự

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tung-buoc-tu-chu-thiet-ke-cac-gam-tau-chien-dau-phuc-tap-770273