Từng bước làm chủ công nghệ nhân giống cây gỗ quý hoàng đàn

Hoàng đàn là loại gỗ quý, hiếm, không chỉ cung cấp loại gỗ quý mà còn cho tinh dầu rất có giá trị, tán lá cây đẹp, được dùng làm cảnh. Vườn Quốc gia Hoàng Liên đang hoàn thiện kỹ thuật nhân giống loại cây này.

Hoàng đàn là loài cây đa tác dụng, có gỗ cứng, vân gỗ đẹp, mùi thơm đặc trưng, dùng để chế biến đồ nội thất cao cấp, thủ công mỹ nghệ và gỗ có giá trị thương mại cao. Hoàng đàn có chứa tinh dầu ở gỗ, lá và rễ, có thể làm thuốc trong công nghiệp dược phẩm. Hương thơm từ tinh dầu hoàng đàn còn được coi là “đệ nhị”, chỉ đứng sau trầm hương. Ở Việt Nam, loài này được xếp vào cấp rất nguy cấp, đã bị khai thác ráo riết để lấy gỗ thân và gỗ, rễ, số lượng cá thể còn lại rất ít, khó tái sinh ngoài tự nhiên.

Trong “Sách Đỏ Việt Nam”, hoàng đàn là loài có nguy cơ tuyệt chủng ngoài thiên nhiên do bị khai thác quá mức. Mặc dù nhu cầu khai thác, sử dụng rất lớn nhưng những nghiên cứu chọn giống và nhân giống để trồng tái sinh hoàng đàn còn hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức. Do tính chất quý, hiếm, trên thị trường, cây giống Hoàng đàn có giá rất cao. Với những cây con có đường kính từ 1 cm có giá bán hơn 1 triệu đồng/cây.

Kết quả nghiên cứu của Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp Trung ương bước đầu cho thấy số lượng cá thể hoàng đàn kể cả cây tự nhiên và cây trồng còn lại rất ít. Nhân giống hữu tính hoàng đàn không thành công (chỉ khoảng 5%) vì hạt giống thu hái đem gieo ươm không nảy mầm.

Theo kết quả điều tra, nghiên cứu của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, hiện chưa ghi nhận cây hoàng đàn xuất hiện ngoài tự nhiên tại Lào Cai, nhưng có một số cây hoàng đàn được di thực về trồng tại vườn nhà người dân tại phường Phan Si Păng, phường Ô Quý Hồ thuộc thị xã Sa Pa và trụ sở Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Hiện nay, Vườn Quốc gia Hoàng Liên tuyển chọn được 19 cây mẹ hoàng đàn làm vật liệu nhân giống. Các cây mẹ dự tuyển có nguồn gốc di thực từ nơi khác về, được trồng tại trụ sở Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Số cây này đều đã được treo biển, xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển bền vững nguồn cây mẹ hoàng đàn.

Bắt đầu từ tháng 12/2022, Vườn Quốc gia Hoàng Liên thực hiện đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống cây hoàng đàn tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên” với mục tiêu nghiên cứu kỹ thuật nhân giống vô tính cây hoàng đàn, tỷ lệ ra rễ của hom đạt 75%; nghiên cứu kỹ thuật nhân giống hữu tính cây hoàng đàn, tỷ lệ nảy mầm của hạt đạt 20% - 25%; nhân giống 20.000 cây hoàng đàn, trong đó 18.000 cây bằng nhân giống vô tính (giâm hom) và 2.000 cây bằng nhân giống hữu tính (gieo hạt); hoàn thiện được quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc hoàng đàn; tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Vũ Đức Quyền, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên thì 20 cây hoàng đàn mẹ ban đầu (hiện còn 19 cây) được trồng bảo tồn tại vườn từ những năm 2005 - 2006 và ý tưởng nhân giống loại cây gỗ quý này cũng được nhen nhóm sau đó không lâu. Việc nhân giống cả vô tính và hữu tính được thử nghiệm nhiều lần và trải qua nhiều lần thất bại, tỷ lệ nhân giống thành công rất thấp. Sau những thất bại đó, cán bộ của vườn tiếp tục nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện quy trình nhân giống. Vườn Quốc gia Hoàng Liên đang từng bước làm chủ kỹ thuật nhân giống cây hoàng đàn với tỷ lệ nhân giống vô tính (bằng hom) thành công trên 75%. Với nhân giống bằng hạt, tỷ lệ thành công hiện đạt 12%.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên cũng đã thực hiện các thí nghiệm về ảnh hưởng của các phương pháp xử lý hạt đến tỷ lệ nảy mầm; ảnh hưởng của thành phần dinh dưỡng trong ruột bầu đến tỷ lệ sống và sinh trưởng của cây con; ảnh hưởng của độ che sáng tới tỷ lệ sống, sinh trưởng của cây con trong giai đoạn vườn ươm để nghiên cứu kỹ thuật nhân giống hữu tính cây hoàng đàn.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên dự kiến nhân giống 20.000 cây giống hoàng đàn bằng hom và bằng hạt. Hiện tại, đã có 17.000 cây giống được nhân giống thành công từ hom. Việc nhân giống hữu tính từ hạt đang tiếp tục được nghiên cứu thực hiện. Đơn vị cũng đang biên tập tài liệu tập huấn kỹ thuật chọn cây mẹ và nhân giống hoàng đàn; hoàn thiện kỹ thuật trồng và chăm sóc cây...

Cũng theo ông Quyền, bên cạnh trồng phục vụ nghiên cứu và bảo tồn, cây hoàng đàn phù hợp với việc trồng cảnh quan, đặc biệt tại khu vực có khí hậu đặc thù như Sa Pa. Hoàng đàn cũng có thể trồng thành rừng kinh tế bởi đây là loại cây có tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên đang đề xuất UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục tạo điều kiện để vườn triển khai đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống cây hoàng đàn (Cupressus torulosa D. Don) tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên”, đồng thời phê duyệt các đề xuất mới của Vườn Quốc gia Hoàng Liên năm 2024 cũng như các năm tiếp theo để đơn vị triển khai thực hiện các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu bảo tồn và phát triển hệ sinh thái, bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài có nguy cơ tuyệt chủng, các loài quý, hiếm, có giá trị dược liệu.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tung-buoc-lam-chu-cong-nghe-nhan-giong-cay-go-quy-hoang-dan-post384096.html