Tủi phận doanh nghiệp nhỏ và vừa

Dù hàng năm đóng góp khoảng 45% vào GDP cả nước và 31% tổng số thu ngân sách Nhà nước nhưng nhóm DNNVV vẫn khó tiếp cận vốn vay.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 8/2017, dư nợ tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đạt 1,29 triệu tỷ đồng; tăng 7,49% so với cuối năm 2016, chỉ chiếm hơn 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định quan hệ tín dụng giữa ngân hàng thương mại và DN, đặc biệt là nhóm DNNVV đã được cải thiện theo hướng cởi mở hơn, gần gũi hơn và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, các DNNVV lại cho rằng con đường tiếp cận vốn của nhóm DN này vẫn rất khó khăn, đặc biệt là thủ tục vay ngân hàng, tài sản thế chấp và tài sản trên đất…

DNNVV vẫn khó tiếp cận vốn. Ảnh minh họa

Các DNNVV phần lớn là các DN có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, thiếu tài sản để bảo đảm cho khoản vay theo quy định hoặc giá trị tài sản đảm bảo thấp, quyền sở hữu tài sản không minh bạch… nên rất khó có thể vay vốn tại ngân hàng có lãi suất thấp với quy định khắt khe.

Theo số liệu TS. Cấn Văn Lực đưa ra tại hội thảo giải pháp tín dụng cho DNNVV ngày 5/10, do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, được đăng tải trên nhiều tờ báo, đến cuối năm 2016, có 590.000 DNNVV đang hoạt động, trong đó 68% là những DN với quy mô siêu nhỏ.

Đây là nhóm có quy mô dưới 200 lao động và nguồn vốn chủ sở hữu dưới 100 tỷ đồng, doanh thu hàng năm dưới 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhóm DNNVV lại chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, hàng năm đóng góp khoảng 45% vào GDP cả nước và 31% tổng số thu ngân sách Nhà nước.

Thực tế cho thấy nhóm DN này lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.

Nguồn vốn dành cho các DNNVV hiện nay chủ yếu đến từ các nguồn như ngân sách Nhà nước (trợ cấp, bảo lãnh, bảo hiểm và ưu đãi thuế…); nguồn vốn nước ngoài; vốn huy động từ thị trường chứng khoán, trái phiếu; vốn tự có, vốn góp; nguồn vốn tín dụng bảo lãnh chiết khấu, thuê tài chính và cuối cùng là nguồn vốn từ đối tác trả chậm, tín dụng thương mại…

Theo các chuyên gia, vốn từ ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của các DNNVV. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà phần lớn vốn ngân hàng lại không chảy vào nhóm DN này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước lại dễ dàng tiếp cận dòng tiền hơn hẳn nhóm DNNVV, tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hiệu quả sử dụng đồng vốn lại ở mức thấp.

Theo Bộ Tài chính, năm 2015, tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn đã vượt 1,547 triệu tỷ đồng (tăng 1% so với năm 2014). Trong đó, có 25 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ vượt 3 lần (Tổng Cty Phát thanh Truyền hình thông tin là 32,8 lần; Tổng Cty Cơ khí Xây dựng 10,6 lần; Tổng Cty Lắp máy 8,8 lần; Vinalines 3,8 lần…).

Dù đang nợ với số tiền lớn, nhưng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng để các đơn vị khác nợ mình lên tới 338.327 tỷ đồng (tăng 6% so với năm 2014). Trong đó, nợ khó đòi hơn 16.700 tỷ đồng (tăng 11%).

Cũng được ưu đãi lớn, đó là khối các doanh nghiệp FDI, nhất là về thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu. Theo quy định, mức miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa dành cho doanh nghiệp FDI là 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Luật thuế xuất nhập khẩu quy định hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho các dự án đầu tư được miễn thuế xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp FDI được miễn thuế nhập khẩu hầu hết các máy móc thiết bị tạo tài sản cố định.

Trường hợp của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) là một ví dụ. SEV có vốn đầu tư khoảng 670 triệu USD, sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm sau đó (ưu đãi vượt khung), giải phóng mặt bằng và đảm bảo điện nước. Ưu đãi trên tiếp tục được áp dụng cho dự án của Samsung tại Thái Nguyên.

Rõ ràng, nguồn lực và ưu đãi trước nay vẫn được đổ dồn đầu tư cho khu vực nhà nước, khu vực FDI. Nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "Chúng ta ban hành nhiều luật pháp chính sách, trong chính sách không thấy sự phân biệt rất rõ ràng nhưng trên thực tế có sự phân biệt rất rõ ràng".

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/tui-phan-doanh-nghiep-nho-va-vua-3344607/