Tục dựng và hạ cây nêu ngày Tết

(LĐO) – Theo quan niệm truyền thống, “23 tháng Chạp dựng nêu, mùng 7 tháng Giêng hạ nêu tiễn ông bà về trời”. Tuy nhiên, hiện nay tục trồng cây nêu ngày Tết đã dần mai một, thay vào đó là chơi cành đào, mai, quất cảnh.

Cây nêu là một hình ảnh mang tính chất biểu tượng, thường được trồng ngay trước sân nhà mỗi dịp Tết Nguyên đán. Trên ngọn cây có treo nhiều vật dụng mang ý nghĩa tâm linh xua đuổi ma quỷ và cầu mong một năm mới tốt lành. Tục truyền rằng, ngày xưa Quỷ chiếm toàn bộ đất nước, con người chỉ làm thuê và phải nộp hoa màu cho quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột Người quá tay. Con người vì quá khổ cực nên đã cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Sau vài lần Người đánh lừa Quỷ khi trồng khoai, lúa, ngô để lấy phần thu hoạch về mình, Quỷ đòi lại đất, không cho Người làm thuê nữa. Phật bàn với Người điều đình với Quỷ, xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến Quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông. Do mất đất sống nên Quỷ huy động quân vào cướp lại. Trận đánh này bên Quỷ bị thua sau khi bị bên Người tấn công bằng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột... và Quỷ lại bị Phật đày ra biển Đông. Trước khi đi, Quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho. Do đó, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là những ngày Quỷ vào thăm đất liền thì người ta theo tục cũ trồng cây nêu để Quỷ không bén mảng đến chỗ Người cư ngụ. Trên cây nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn Quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa Quỷ. Tại miền Bắc cây nêu thường được người Kinh dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo quân về trời, với quan niệm rằng chính vì từ ngày này cho tới đêm giao thừa, vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu. Ở Gia Định xưa, sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức chép rằng: "Bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là "lên nêu"... có ý nghĩa tảo trừ những xấu xa trong năm cũ". Nguyên khởi cây nêu được dựng với ý nghĩa trừ ma quỷ, nhưng ý nghĩa thực của cây nêu trong cộng đồng các dân tộc Việt nam dần trải rộng hơn thế. Theo thời gian, cùng với sự phong phú của các đồ lễ treo trên ngọn cây, cây nêu được coi là cây vũ trụ nối liền đất với trời, do tín ngưỡng thờ thần mặt trời của các dân tộc cổ sơ, hàm chứa ý thức về lãnh thổ của người Việt. Dựng nêu ngày tết bao gồm trong nó cả các dụng ý để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, tảo trừ những điều xấu xa của năm cũ. Những ngày Tết, khi đã dựng nêu lên là người ta không màng gì đến công việc nữa mà chỉ yên tâm ăn Tết. Đến hết mùng 7 triệt hạ - hạ nêu, con người lại trở về với cuộc sống hàng ngày. Ngày xưa, cây nêu còn là biểu tượng cho sự uy quyền, nhà nào có quyền thế nhất là nhà đó có cây nêu cao nhất. Hiện nay, phong tục trồng cây nêu ngày Tết đã dần mất đi trong cộng đồng người Việt thời hiện đại, và được thay thế với tục chơi cành hoa đào, hoa mai ngày Tết, bày trong nhà. Cây nêu chỉ còn bắt gặp lác đác tại một số vùng quê, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng thượng du Bắc Bộ hay Tây Nguyên. Theo nhà sư chùa Đại An (Mỹ Đình), tục dựng và hạ nêu tại nhiều nơi chỉ còn trong tâm tưởng, chỉ còn được nhắc đến trong ký ức của những người già hoặc qua sách vở mà thôi. Người miền Bắc thường có tục hóa vàng ngày mùng 3 Tết cũng coi như tiễn ông bà về trời và trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày sau Tết. Đông Bích

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/tuc-dung-va-ha-cay-neu-ngay-tet/31807