Túc cầu tiểu vương - vinh quang sân cỏ và cái chết trên đường pit

Nhân 100 năm ngày sinh túc cầu tiểu vương Nguyễn Thông, cựu danh thủ VN, cựu HLV đầu tiên đội Thể Công, người thầy bóng đá đầu tiên của Trường TDTT trung ương, được anh Vũ Mạnh Hải - nguyên cầu thủ Thể Công, nguyên TBT báo Bóng đá khích lệ, tôi thử đi tìm chân dung người được gọi là “Vua bóng đá” Việt một thời...

Nguyễn Thông trong đội hình Thể Công.

Huyền thoại về một danh thủ

Sinh tại Hà Nội năm 1913, tại làng Thịnh Yên, phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng), năng khiếu bóng đá nơi chàng trai ấy gần như bẩm sinh. Nguyễn Thông xuất hiện trên sân cỏ chuyên nghiệp từ năm 17 tuổi và nhanh chóng nổi lên như một ngôi sao, từng tham gia đá ở nhiều đội nổi tiếng từ Bắc chí Nam như Ngôi sao Gia Định, Cercle, Sportif Saigonnais, Gia Định Sport, Commerce Sport Khánh Hội, Hiệp Hòa Victoria... nhưng cuối cùng ông đá cho đội Etoile Gia Định, vô địch Nam Kỳ 4 năm tính từ 1932 đến 1936.

Cuối 1936, ông rời Sài Gòn ra miền trung đá cho một đội bóng tại Phan Thiết rồi sau đó ra Tourane, Huế, thi đấu với Tourane Đà Nẵng, Faifo Hội An, Sep Huế… Lại ra Hà Nội đá cho đội Racing Club… Từ 1939, Nguyễn Thông cùng danh thủ tả biên Nguyễn Hữu Viễn về đá cho Olympic Hải Phòng, cặp “đầu Thông - chân Viễn” từ đó làm mưa làm gió cho các trận cầu trên sân cỏ Bắc kỳ…

Túc cầu tiểu vương Nguyễn Thông

Hình ảnh Nguyễn Thông tham trận với đường xẻ căng như kẻ chỉ xuống biên trái để “con tuấn mã Viễn” băng xuống, tạt bóng vào đúng lúc Thông ập đến, như bay trên không trung, dùng đầu đưa gọn bóng vào lưới bạn...

“Túc cầu Tiểu vương” (Vua bóng đá) - người đương thời đã tôn vinh Nguyễn Thông như vậy bởi khi đấu với đội Nam Hoa của Hồng Kông, đội bóng từng nhiều lần làm chao đảo sân cỏ Đông Dương, trận đó Nguyễn Thông đã đánh đầu liên tiếp ghi hai bàn vào lưới làm nên tỷ số thắng 4-3 cho đội nhà, đồng thời hạ gục uy danh cầu thủ được phong Túc cầu Đại vương tên là Lý Huệ Đường của đội bạn... Ông được gọi là “Vua bóng đá” là vì vậy.

Anh Nguyễn Thọ - con trai cụ Nguyễn Thông - và vợ xúc động nhắc đến người cha với câu chuyện tình cay đắng còn hơn vạn lần tiểu thuyết. Thời đá bóng ở Hải Phòng, Nguyễn Thông đã kết hôn với cô Lê Thị Trang - tiểu thư con gái một nhà buôn đất cảng. Vợ chồng Nguyễn Thông có hai con trai là Nguyễn Phú và Nguyễn Thọ. Nguyễn Phú sau này là cầu thủ đội bóng đá CA Hải Phòng.

Cuộc đời đang đẹp thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nguyễn Thông xung phong ra mặt trận, trong khi người vợ trẻ ở lại thành phố với rất nhiều cay cực vì bị giặc theo dõi, bị một sĩ quan Pháp ép làm vợ. Để tròn chung thủy với chồng, bà Trang ôm con trốn vào Sài Gòn, nhưng cuối cùng không trốn khỏi lưới tình của viên sĩ quan Pháp. Sau khi biệt tin chồng nhiều năm, ngỡ ông Thông hy sinh, bà đành tái giá với người sĩ quan Pháp theo đuổi mình và sinh thêm 6 người con khác.

Năm 1954, bà được tin ông vẫn còn sống và hiện ở trong đội Thể Công từ Việt Bắc trở về Hà Nội, bà đã tìm cách gửi hai người con là Nguyễn Phú và Nguyễn Thọ ra bắc cho mẹ chồng, để cha con họ được đoàn tụ…

Năm 1976, đất nước thống nhất, khi đang làm việc ở Lạng Sơn, Nguyễn Thông bất ngờ nhận được bức điện gửi từ Sài Gòn: “Anh vào ngay. Em chờ. Địa chỉ của em: 260 Bùi Thị Xuân. Anh điện cho em biết chừng nào anh vào…”.

Bà Lê Thị Trang và 2 con ở Sài Gòn.

Ba mươi năm xa, giờ họ đã già cả rồi. Gặp nhau nghẹn ngào không nói được gì. Người chồng Pháp biết tin Nguyễn Thông đi tìm vợ cũ, thì lấy cớ đưa các con về Pháp để hai người ở lại với nhau, sau khi để lại bức thư vẻn vẹn mấy dòng: “Tùy bà quyết định. Do hoàn cảnh, bây giờ hai người có thể tái hợp”.

Cuộc tái ngộ sau gần ba mươi năm xa cách thật khó ai biết mình sẽ phải ứng xử ra sao. Bà kể lại với ông rằng hoàn cảnh bức bách mà đành buông xuôi cho số phận. Ông ngồi đó im lặng như trái núi tội nghiệp, còn bà thì hiểu rằng, trong tim người trai ấy chỉ có hình bóng bà. Hết kỳ nghỉ phép, ông nói: Muộn rồi, bây giờ mình đã yên bề gia thất và còn 6 đứa con nhỏ. Tôi ở ngoài Bắc cũng còn có 2 con, chúng nó cũng đã trưởng thành cả rồi. Mình cứ đi đi…”

“Cha tôi nói thế thôi, nhưng sau lần đó trở về ông có vẻ suy sụp, sút mất hàng chục cân, trông ông lúc nào cũng thẫn thờ... - Anh Nguyễn Thọ ngậm ngùi kể.

Danh thủ Nguyễn Thông được điều về Trường cán bộ TDTT trung ương lúc đã ngoài 40 tuổi. Ôm mối sầu riêng, ông lao vào đào tạo bóng đá những mong đóng góp cho nền thể thao nước nhà. Thế rồi một câu chuyện khác, đẩy cuộc đời ông vào nỗi đau oan nghiệt. Chuyện bắt đầu từ lời đồn thổi về quan hệ của thầy Thông với cô giáo tên H.

Quan hệ yêu đương của họ mới chớm thôi và thật trong sáng, trong khi “Trai không vợ, gái chưa chồng”… Ông Triệu Ngọc Sơn - một người học trò của Nguyễn Thông, đồng thời là trưởng bộ môn bóng đá hồi đó của trường TDTT trung ương, hiện sống ở HN - kể: “Khi ấy ai cũng biết vợ ông bỏ vào nam sống tại Sài Gòn và đã lấy chồng, thế mà bản án đạo đức vô lý ấy vẫn ban ra... Quá bất ngờ, ông tìm cách báo cáo với tổ chức mình bị oan…

Nhưng không hiểu sao mọi chuyện rơi vào im lặng. Ông bị thôi quản lý và giảng dạy, không được phân công công tác. Nỗi đau thân phận ập đến với một con người danh tiếng lừng lẫy”. Tin Nguyễn Thông bị kỷ luật lan nhanh. Trưởng ty Thể dục Thể thao Lạng Sơn - ông Lê Siêu - biết và ào về Hà Nội xin Nguyễn Thông về Lạng Sơn để gây dựng phong trào bóng đá cho tỉnh…

Ở xứ núi Lạng Sơn, ông xin ở luôn cái chòi nhỏ trong sân vận động và sau những giờ miệt mài hướng dẫn các em các cháu đá bóng ông lại một mình trong cô đơn cùng cực. Thời ấy, có một người đàn bà tên P. thương ông chịu cảnh cô đơn hiện tại, bà tình nguyện đến bên ông. Hẳn bà muốn gắn bó với ông, nhưng hình như trái tim ông đã đóng cửa tự lúc nào. Rồi một ngày, ông vào bệnh viện nằm lại đó điều trị.

Bà đến thăm, lặng lẽ nhìn ông rồi ra về. Hôm ấy, biết ông ra viện, bà chuẩn bị đi đón ông. Nhưng mọi người cho biết ông đã tự về. Bà P đến sân bóng tìm ông nhưng căn nhà nhỏ vắng tanh, bà thấy trên cái ghế đá bên đường pit có người nằm. “Ông Thông ơi”!

Tiếng người đàn bà nức nở, nhưng ông đã bỏ lại tất cả, để đi vào cõi vĩnh hằng trong lặng lẽ cô đơn, mang theo những đắng cay kiếp người. Huyền thoại bóng đá Việt đã vĩnh biệt cuộc đời ngay bên đường chạy, đem theo bản án kỷ luật ngang trái ấy mãi mãi xuống mồ…

Niềm tiếc thương còn lại

Ngày “Vua bóng đá” qua đời, có một người bạn ông là Hồ Tuệ đã xúc động viết tặng bài thơ hiếm hoi về một danh thủ bóng đá đọc trong tang lễ của ông:

Tiễn anh vào vĩnh cửu

Kính viếng hương hồn anh Nguyễn Thông

Cựu danh thủ bóng đá

Nguyên sĩ quan QĐNDVN

Mẹ xứ Lạng đứng bên cầu sương biếc/Tiễn đưa anh về thế giới xa xăm/Gió nấc lên nghẹn vần thơ tiễn biệt/Chiều mưa bay dệt chiếc áo xô tang/ Những vòng hoa gục đầu vào linh cữu/Mỗi cánh nhung một giọt lệ xót thương/Trong nước mắt, xe tang đi chầm chậm/Huyệt thung sâu hiu hắt bóng hoàng hôn… Ôi hôm nay tiễn anh vào vĩnh cửu/Xe tang đi, mưa lệ tím thung chiều...

Ông ra đi trong bi kịch cuộc đời, trong niềm thương tiếc của bạn bè đồng nghiệp và học trò khắp nước. Một ngày cuối năm 2009 không hẹn mà nên, rất đông học trò bạn hữu đã cùng nhau về nghĩa trang Bất Bạt (Hà Nội) viếng “vua bóng đá” - người thầy huyền thoại Nguyễn Thông.

Trước mộ ông, trong khói hương nghi ngút, những người bạn cũ và học trò cúi đầu tưởng nhớ một nhân vật lẫy lừng của bóng đá Việt. Lúc ấy từ trong hàng ngũ những người có mặt bên mộ ông, có một người bạn vong niên, người học trò của ông bước lên xúc động mở ra tờ điếu muộn lạ lùng đọc viếng thầy. Người đó là ông Triệu Ngọc Sơn - nguyên cầu thủ Thể công, nguyên trưởng khoa bóng đá Trường TDTT Trung ương: Kính thưa vong linh thầy Nguyễn Thông!

Thầy sống khôn thác thiêng cho chúng con được thắp nén nhang và nghiêng mình trước vong linh thầy. Xa thầy gần nửa thế kỷ, thầy về cõi vĩnh hằng đã 30 năm, bây giờ đến viếng thầy, chúng con có lỗi. Tuy nhiên trong công việc cũng như trong cuộc sống thường nhật, hình ảnh thầy luôn trong trái tim chúng con… Thầy dạy chúng con cách chơi bóng, dạy môn bóng đá, cách huấn luyện, tổ chức đội bóng, tuyển chọn cầu thủ và trên hết là tư cách làm cán bộ…

Với đỉnh cao nghệ thuật bóng đá, thầy thiệt thòi về tình cảm gia đình, chúng con thương thầy. Với tầm ảnh hưởng từ danh tiếng thầy đã góp phần to lớn cho công cuộc xây dựng phong trào TDTT VN XHCN, nhất là bóng đá.

Thầy là danh thủ lẫy lừng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng, làm nhiều việc trọng đại, nhưng vị thế của thầy không tương xứng, thật không công bằng, thầy chịu quá nhiều thiệt thòi. Lịch sử bóng đá Việt Nam, thầy xứng đáng được tôn vinh. Khi nghe tin thầy mất, chúng con bàng hoàng không cầm được nước mắt.

Khi thầy đá bóng, cả cầu trường ầm vang sóng dậy. Khi thầy ra đi thì lặng lẽ một mình. Thật đau xót. Xin vong linh thầy nhận lấy tấm lòng thành thương tiếc, kính trọng của chúng con. Thầy mãi mãi trong tim chúng con…!”

“Thầy đã sống và chết trên sân cỏ. Chỉ có Nguyễn Thông mới xứng đáng được gọi là vua bóng đá” - ông Triệu Ngọc Sơn khẳng định.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/tuc-cau-tieu-vuong-vinh-quang-san-co-va-cai-chet-tren-duong-pit-174461.bld