Tuân thủ tốt quy định, DN xuất khẩu sẽ có lợi thế cạnh tranh

Các đơn đặt hàng cũng như việc sản xuất hàng dệt may, da giày đang có xu hướng chuyển sang các nước như Campuchia, Myanmar do chi phí lao động thấp, tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể có được lợi thế cạnh tranh nếu tuân thủ các quy định về an toàn sản phẩm, trách nhiệm xã hội và môi trường, theo ông Frank Juettner, Tổng giám đốc Công ty TÜV Rheinland Việt Nam.

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể có lợi thế cạnh tranh nếu tuân thủ các quy định về an toàn sản phẩm, trách nhiệm xã hội và môi trường. Ảnh minh họa: TL TBKTSG.

Tại hội thảo về an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) – chi hội TPHCM, và Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA) tổ chức tại TPHCM hôm qua 15-11, ông Frank Juettner cho biết nếu các nhà cung ứng tại Việt Nam tuân thủ tốt các quy định (về an toàn sản phẩm, tuân thủ xã hội,…) thì có thể bán hàng cho nhiều nhà bán lẻ và nhãn hàng khác nhau, và có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên toàn cầu.

Các nước như Campuchia, Myanmar đang theo sát Việt Nam và có khả năng việc sản xuất các mặt hàng dệt may, da giày sẽ chuyển từ Việt Nam sang những nước này, nên doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ tốt các quy định để đảm bảo khả năng cạnh tranh. Việc tuân thủ tốt giúp tạo danh tiếng tích cực cho doanh nghiệp đối với người tiêu dùng và giúp người tiêu dùng, nhà bán lẻ nhận diện được sản phẩm của doanh nghiệp, vị này cho biết.

Tuy nhiên, việc tuân thủ đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư nhiều công sức và chi phí. Tại hội thảo, theo ông Nate Herman, Phó chủ tịch cao cấp phụ trách chuỗi cung ứng thuộc AAFA, để tuân thủ tốt, trước hết doanh nghiệp phải biết các quy định. Bên cạnh các quy định cũ áp dụng lâu nay, nhiều nước như Mỹ cũng đang có một số quy định mới.

Ông Nate Herman cho biết có những quy định đã áp dụng nhiều năm qua, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tuân thủ. Trong đó, có quy định về các loại hóa chất hạn chế sử dụng để đảm bảo khách hàng có sản phẩm tốt, không ảnh hưởng sức khỏe và môi trường.

Vị này cho biết thêm, Quốc hội Mỹ mới đây đã cải cách đạo luật về kiểm soát các chất độc hại (TSCA); với quy định này Chính phủ Mỹ có quyền kiểm soát tất cả các hóa chất được đưa vào Mỹ, nhưng phải chứng minh một cách khoa học là các chất này có hại cho người dùng, trước khi đưa vào danh sách hóa chất bị hạn chế.

Ngoài ra, tại Mỹ, bên cạnh những quy định liên bang, từng tiểu bang, thành phố lại có những quy định riêng về hóa chất, do đó các thành viên của AAFA cũng như khách hàng phải biết để tuân thủ quy định của các tiểu bang, cũng như liên bang. Từ năm 2008 đến nay, các nhà sản xuất vẫn gặp khó khăn trong việc tuân thủ quy định của các tiểu bang.

“Hạt Suffolk thuộc bang New York (Mỹ) cũng đưa ra danh mục hóa chất bị hạn chế, dự kiến có hiệu lực vào ngày 1-12-2016. Chúng tôi đã đưa vụ việc này ra tòa và hy vọng thành công để quy định này không có hiệu lực”, ông Nate Herman cho biết.

Ngoài ra, về quy định báo cáo, dán nhãn, cũng có Dự luật 65 của bang California, và một số quy định ở các tiểu bang khác như bang Washington, Oregon, Vermont... theo đó có 66 loại hóa chất nếu doanh nghiệp sử dụng trong sản phẩm thì phải báo cáo cho các cơ quan tiểu bang, và cơ quan chức năng đăng tải báo cáo trên mạng, và dán nhãn.

Không chỉ tại thị trường Mỹ, mà các thị trường lớn khác như châu Âu cũng có những quy định riêng về an toàn sản phẩm như REACH (quy định các loại hóa chất bị cấm), CMR (các chất gây ung thư, gây đột biến, rối loạn sinh sản – quy định về việc sử dụng 300 loại hóa chất mới trong quần áo và giày dép).

Bên cạnh quy định về an toàn thực phẩm, nhiều thị trường như Mỹ, châu Âu cũng quy định về tuân thủ xã hội, như cấm nhập khẩu tất cả sản phẩm sử dụng lao động cưỡng bức, lao động tù nhân… Trong đó, những công ty bán sản phẩm tại Anh được yêu cầu phải công khai trên trang web của mình những gì họ đang làm nhằm ngăn chặn nạn buôn người và lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng.

Tại hội thảo, ông Nate Herman cũng đưa một trường hợp cụ thể cho thấy doanh nghiệp sẽ phải tốn nhiều chi phí nếu không tuân thủ các quy định này. Cụ thể, có một lô hàng trên 1.300 chiếc áo thun trị giá FOB trên 8.000 đô la Mỹ được xuất khẩu vào Mỹ, tuy nhiên hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép được phát hiện trong các hạt dùng làm vật trang trí trên những chiếc áo thun này sau khi hàng đã được giao lên tàu. Do đó, theo quy định của Mỹ, lô hàng này phải bị tiêu hủy và nhà máy phải trả lại số tiền hàng đã được khách hàng thanh toán.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153908/tuan-thu-tot-quy-dinh-dn-xuat-khau-se-co-loi-the-canh-tranh.html/