Tuân thủ thuế trong nền kinh tế số: chấp nhận quản lý rủi ro, xây dựng kho dữ liệu

Ngành thuế phải áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý tuân thủ thuế và xây dựng kho dữ liệu trong nền kinh tế số vì nó có nhiều khó khăn hơn so với nền kinh tế truyền thống.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh. Ảnh: M.T

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh. Ảnh: M.T

Tại hội thảo “Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số” do Tổng cục Thuế tổ chức tại Hà Nội ngày 13/5, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, cho rằng việc quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn so với nền kinh tế truyền thống do tính phức tạp, tính đa dạng và tính toàn cầu của các hoạt động kinh tế.

Ngành thuế trước những thách thức chuyển đổi số

Những năm qua, Nhà nước thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực và đó được xem là mục tiêu quốc gia. Trước mục tiêu chuyển đổi số, ngành Thuế đã chú trọng triển khai công tác quản lý rủi ro (QLRR) tuân thủ pháp luật thuế. Trong đó, thực hiện tổ chức thu thập, xử lý dữ liệu bên trong và từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài ngành Thuế; xây dựng các bộ chỉ số tiêu chí, quy trình và ứng dụng về phân tích, nhận diện rủi ro người nộp thuế; phân loại hồ sơ hoàn thuế và xây dựng kế hoạch kiểm tra sau hoàn; quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn của người nộp thuế phòng ngừa gian lận hóa đơn, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN).

Dưới những đặc thù trong lĩnh vực thuế và những áp lực đã nhìn thấy rõ khi chuyển đổi số vì theo ngành Thuế thì việc quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn so với nền kinh tế truyền thống do tính phức tạp, đa dạng và tính toàn cầu của các hoạt động kinh tế.

Ngành thuế đánh giá các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng, thông qua các nền tảng số sẽ khiến cho việc theo dõi, kiểm soát và quản lý trở nên khó khăn hơn. Thế nên, để chuyển đổi số hiệu quả trong lĩnh vực do mình quản lý, ngành Thuế xác định cần phải có những giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả để đảm bảo nguồn thu cho NSNN.

Theo đánh giá, chuyển đổi số trong quản lý thuế sẽ rất khó khăn vì theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có gần 1 triệu DN, hơn 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN (trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế TNCN).

Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều DN, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam trong khi số lượng cán bộ thuế hạn chế.

Thế nên, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nhận định rằng để bắt kịp với xu thế này và trước yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành thuế nói riêng và chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung, ngành thuế đã bắt tay vào nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới dựa trên phân tích dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ pháp luật thuế.

Đây là phương thức quản lý thuế hiện đại giúp cơ quan thuế phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực có hạn trước bối cảnh số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, quy mô hoạt động ngày càng lớn, tính chất hoạt động ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tuân thủ tốt các quy định của pháp luật.

Nhằm bảo đảm việc áp dụng QLRR trong quản lý thuế được thực hiện theo lộ trình phù hợp về thời gian, nguồn nhân lực, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với chiến lược cải cách hành chính nói chung, chiến lược cải cách hệ thống thuế nói riêng, cơ quan thuế xây dựng kế hoạch áp dụng QLRR tuân thủ tổng thể theo định hướng hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý tuân thủ tổng thể tại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế theo nguyên tắc phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ về thuế.

Xây dựng cơ sở dữ liệu đối soát dữ liệu lớn với hóa đơn điện tử

Dưới áp lực chuyển đổi số, ngành thuế đã tổ chức triển khai hiệu quả công tác thu thập, phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử nói riêng, dữ liệu quản lý thuế nói chung. Nghiêm túc thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu đối soát dữ liệu lớn với hóa đơn điện tử, xây dựng chức năng cảnh báo xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn, bước đầu nghiên cứu, áp dụng AI vào phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử để phát hiện rủi ro giá bất thường, chuỗi mua bán hóa đơn, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng.

Hội thảo “Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số” trong sáng 13/5. Ảnh: A.T

Hội thảo “Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số” trong sáng 13/5. Ảnh: A.T

Ngành thuế cũng tiến hành phân tích chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua bán của các doanh nghiệp trong nền kinh tế giúp tìm các chuỗi nghi ngờ... Đáng chú ý, kho dữ liệu của ngành thuế ngày càng lớn và nhiều dữ liệu đắt giá. Ngành thuế đã thực hiện quản lý dữ liệu theo cơ chế quản lý tập trung, dữ liệu về thuế được chuyển từ các địa phương về tập trung tại Tổng cục Thuế.

Không chỉ vậy, ngành thuế còn thu thập dữ liệu từ các nguồn thông tin trong ngành như: dữ liệu về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; thông tin về các hồ sơ khai thuế; nộp thuế; nợ thuế; miễn giảm thuế; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế; hoàn thuế; đăng ký, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử...

Về xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế thời gian qua được xây dựng, ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ và phù hợp với các quy định của pháp luật thuế, các chính sách quản lý nhà nước hiện hành.

Để đảm bảo công tác quản lý tuân thủ thuế trong chuyển đổi số, ngành thuế đã xây dựng và ban hành các Bộ chỉ số tiêu chí.

- Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong lựa chọn người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.

- Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro lựa chọn hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt có dấu hiệu rủi ro để kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế.

- Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ.

- Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng và lựa chọn người nộp thuế để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.

Đại diện ngành thuế đánh giá việc xây dựng quy trình giúp chuẩn hóa các nội dung và các bước công việc, tạo sự thống nhất, khách quan trong công tác phân tích rủi ro, phân loại rủi ro, từ đó đánh giá mức độ tuân thủ của người nộp thuế để đưa ra các biện pháp quản lý thuế phù hợp.

Về cơ bản, cơ quan thuế thực hiện phân nhóm người nộp thuế. Đối với nhóm người nộp thuế tự nguyện tuân thủ (rủi ro thấp) sẽ được ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế… Với nhóm người nộp thuế luôn cố gắng tuân thủ (rủi ro trung bình) sẽ được hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể.

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tuan-thu-thue-trong-nen-kinh-te-so-chap-nhan-quan-ly-rui-ro-xay-dung-kho-du-lieu-380674.html