Tuân thủ quy trình để bảo đảm an toàn lao động

Tai nạn lao động gây ra những thiệt hại khôn lường tới sức khỏe, tính mạng của người lao động. Do đó, bảo đảm an toàn lao động là yêu cầu, đòi hỏi đặt ra không chỉ với người lao động mà cả với doanh nghiệp, cơ quan chức năng liên quan. Thực tế cho thấy, nếu tuân thủ đúng quy trình an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN), sẽ hạn chế đáng kể tai nạn lao động.

Sử dụng thiết bị bảo hộ lao động là yêu cầu bắt buộc vì sự an toàn của người lao động. Ảnh: Khánh Huy

Chị Lê Thị Tú (sinh năm 1978, công nhân Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long, huyện Gia Lâm) rất hối hận sau vụ tai nạn ngày 27-12-2014. Là công nhân hàn, hôm ấy chị vừa chuyển sang làm việc tại tổ hàn robot. Sau khi nghe phổ biến quy trình, chị đã thử máy rồi bắt tay vào sản xuất. Tuy nhiên, do sơ suất, chị đã gạt nhầm tay gạt của máy hàn và gây thương tích vĩnh viễn đối với bàn tay trái. Giờ bàn tay không thể co, duỗi nên chị chỉ làm được những việc đơn giản, được lãnh đạo công ty chuyển sang bộ phận khác, làm việc nhẹ nhàng hơn. Nhưng với sức khỏe giảm sút, chị chỉ có thể làm việc với năng suất bằng 1/2 của những lao động khác. Việc chăm sóc gia đình và hai con của chị cũng không được chu toàn như trước kia.

Đã 4 năm trôi qua sau vụ đứt cáp thang máy ở Công ty TNHH Điện tử Meiko (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) khiến 2 kỹ sư thiệt mạng, nỗi buồn vẫn hằn sâu trong lòng người thân của họ. Bà Lê Thị Hòa (52 tuổi, mẹ của kỹ sư Nguyễn Duy Thanh, một trong hai người thiệt mạng trong tai nạn) cho biết, Thanh là lao động trụ cột trong gia đình, nhưng mất sớm do tai nạn lao động. Vợ chồng bà đều có bệnh và sống nhờ sự giúp đỡ, cưu mang của người anh ruột. Giá như con trai bà cùng các cộng sự nâng cao cảnh giác, kiểm tra thang máy trước khi vận hành, chắc cuộc sống của vợ chồng bà không khổ như bây giờ.

Bà Hòa chỉ mong, người lao động dù ở vị trí nào cũng hết sức cẩn trọng, đừng vì sơ suất không đáng có mà làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân cùng những người ruột thịt, đến gia đình. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Phan Thanh Hải cho biết, sau tai nạn này, công ty đã bổ sung nhiều biện pháp siết chặt quy trình lao động, nâng cao ý thức bảo hộ lao động cho tất cả CBCN-LĐ. Hiện công ty duy trì thực hiện tổng kiểm tra định kỳ tất cả các công đoạn, quy trình, bảo đảm không để xảy ra sự cố, tai nạn... vì an toàn, hạnh phúc của người lao động, tránh thiệt hại cho công ty. Do vậy, những năm qua, công ty không còn xảy ra tai nạn, sự cố.

Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Đặng Minh Thuần cho biết, nhiều năm qua, bên cạnh việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, giúp NLĐ chủ động phòng tránh tai nạn, bảo vệ bản thân, các cấp Công đoàn thành phố còn đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ - PCCN. Công đoàn các cấp đã tổ chức kiểm tra và phối hợp với các ngành: Y tế, LĐ-TB&XH, Cảnh sát PC&CC kiểm tra tại hàng nghìn cơ sở doanh nghiệp, kiến nghị về chế độ, chính sách bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đóng góp không nhỏ vào kết quả kiềm chế số vụ tai nạn lao động và số người chết trên toàn thành phố.

Riêng năm 2015, các cấp Công đoàn thành phố đã phối hợp kiểm tra, giám sát tại 50 đơn vị, doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ-PCCN, thanh tra 120 doanh nghiệp về thực hiện pháp luật lao động về công tác ATVSLĐ; tập trung vào công tác quản lý các quy trình, thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt kỷ luật ATLĐ như thang máy, nồi hơi, nồi hấp, bồn gas, an toàn điện, an toàn xây dựng… Tuy vậy, Hà Nội vẫn là địa phương có số tai nạn cao so với cả nước; trên địa bàn thành phố đã xảy ra 129 vụ tai nạn lao động, làm 32 người chết, 1 người bị thương nặng; 159 vụ cháy, nổ (chủ yếu do chập điện), làm 8 người chết, 29 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 40 tỷ đồng… Rõ ràng, để thực hiện mục tiêu giảm tối đa số vụ, thương vong về người và thiệt hại về tài sản do tai nạn, sự cố cháy nổ gây ra trên địa bàn thành phố, rất cần sự vào cuộc chủ động, tích cực hơn của chính mỗi NLĐ, người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn cơ sở.

Thực tế cho thấy, tai nạn luôn rình rập, đòi hỏi NLĐ phải tuân thủ nghiêm túc các quy trình, quy định bảo hộ lao động, nâng cao cảnh giác, vì sức khỏe, tính mạng của bản thân và hạnh phúc của gia đình. Công tác bảo hộ lao động tốt thì chất lượng sản xuất kinh doanh được bảo đảm và doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn cho Thủ đô và đất nước.

Linh Chi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/829940/tuan-thu-quy-trinh-de-bao-dam-an-toan-lao-dong