Tuần làm việc 4 ngày - Xu hướng mới nhiều tranh cãi trên toàn cầu

Ngày càng nhiều địa phương, doanh nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng chế độ làm việc 4 ngày/tuần, thậm chí đây có thể coi là một xu hướng đang manh nha. Dù vậy, xung quanh xu hướng mới này, còn khá nhiều những tranh cãi.

Từ những thử nghiệm tại Dominica, Nhật Bản, Anh…

Truyền thông Nhật Bản vừa đưa thông tin cho biết, tỉnh Chiba của Nhật Bản chuẩn bị giới thiệu kế hoạch cho phép giảm số ngày làm việc xuống còn 4 ngày/tuần. Theo đó, đề xuất sửa đổi quy định về giờ làm việc của công chức sẽ được đệ trình tại phiên họp thường kỳ của hội đồng tỉnh Chiba, Nhật Bản trong tháng này và sẽ triển khai vào tháng 6/2024. Cụ thể, các công chức tại đây sẽ tuân theo một hệ thống thời gian linh hoạt cho phép làm việc 4 ngày/tuần. Nhân viên sẽ tự sắp xếp thời gian làm việc thích hợp trong khung từ 7h - 20h của các ngày làm việc để được nghỉ tối đa, miễn là đủ 155 giờ làm việc mỗi tháng. Trong đó, khoảng thời gian từ 10h - 15h chiều sẽ được coi là “thời gian chính” và nhân viên phải có mặt.

Chính phủ Nhật Bản - đất nước được biết đến với “văn hóa làm việc quên thời gian”- trước đó đã ra mắt chế độ 4 ngày làm việc mỗi tuần cho những người có nhu cầu thời gian cụ thể, như chăm sóc trẻ em hay chăm sóc người thân gia đình. Nhật Bản cũng dự tính mở rộng chế độ này cho toàn bộ người lao động từ tháng 4/2025.

Người lao động ở Malaysia. Ảnh: Reuters

Cũng trong khoảng thời gian đầu năm 2024 này, cộng hòa Dominica cũng đang chuẩn bị cho chương trình thí điểm tự nguyện kéo dài 6 tháng với chế độ làm việc 4 ngày/tuần. Theo đó, người lao động vẫn được hưởng mức lương như cũ, trong khi tuần làm việc tiêu chuẩn sẽ giảm từ 44 giờ xuống còn 36 giờ, từ thứ 2 đến thứ 5. Một trường đại học đã được giao nhiệm vụ đánh giá kết quả cuộc thử nghiệm này - bao gồm xem xét mọi thay đổi về sức khỏe người lao động, cũng như mối quan hệ giữa công việc và cuộc sống cá nhân người lao động.

Hồi tháng 6/2022, Anh cũng đã thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày quy mô lớn. Thời điểm đó, hơn 3.300 nhân viên tại 70 công ty ở Anh bắt đầu tuần làm việc 4 ngày với mức lương không đổi. Thời gian thí điểm là 6 tháng. Nhiều chuyên gia kinh tế đã gọi đây là một “thử nghiệm lịch sử”, đồng thời cũng là lớn nhất thế giới đối với mô hình làm việc mới 4 ngày/tuần. Kết quả sau khi thử nghiệm, 56/61 công ty sẽ tiếp tục triển khai mô hình tuần làm việc 4 ngày, 18 công ty khẳng định đây sẽ trở thành chính sách lâu dài của họ, chỉ có 3 công ty tạm dừng mô hình này vào thời điểm hiện tại. Khoảng 39% nhân viên cho biết, họ bớt căng thẳng hơn và số ngày nghỉ ốm trong thời gian thử nghiệm giảm khoảng 2/3.

Với quan điểm “Đại dịch Covid-19 khiến chúng ta cần những cách làm việc mới”, hồi đầu năm 2023, Chính phủ Bỉ cũng quyết định ban hành quy định làm việc mới, cho phép người lao động làm việc 4 ngày mỗi tuần, mỗi ngày 10 tiếng. Người lao động Bỉ có thể chọn làm việc tối đa 10 tiếng mỗi ngày để có thêm một ngày nghỉ mỗi tuần mà vẫn hưởng đủ lương, thay vì tối đa 8 tiếng và 5 ngày mỗi tuần như hiện tại. Ngoài ra, họ cũng có thể lựa chọn làm việc nhiều hơn trong một tuần nhất định và ít hơn trong tuần sau đó. Hưởng ứng quy định mới, nhiều người dân Bỉ đánh giá tuần làm việc 4 ngày sẽ giúp người lao động thoải mái hơn và dễ dàng cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Trước đó, mô hình làm việc 4 ngày 1 tuần cũng đã được thử nghiệm ở nhiều nước khác như Mỹ, Iceland, Tây Ban Nha, Nhật Bản hay New Zealand. Một số công ty Mỹ cũng đã chuyển sang chế độ làm việc ít thời gian hơn trong tuần. Tại Chile, các nhà lập pháp đã thông qua dự luật giảm thời gian làm việc trong tuần từ 45 xuống 40 giờ…. Chính phủ Tây Ban Nha đã khởi động một dự án thí điểm vào tháng 12/2021 để giúp các công ty công nghiệp vừa và nhỏ cắt giảm ít nhất nửa ngày làm việc trong tuần mà không ảnh hưởng đến lương trong nỗ lực tăng năng suất.

Tới những tranh cãi chưa có hồi kết…

Hưởng ứng quy định mới, nhiều người dân Bỉ đã đánh giá tuần làm việc 4 ngày sẽ giúp người lao động thoải mái hơn và dễ dàng cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tinh thần người lao động tốt hơn, năng suất làm việc cao hơn, chủ động về thời gian hơn... CEO Ryan Breslow, nhà sáng lập của Bolt nhận định, mô hình làm việc 4 ngày mỗi tuần giúp năng suất tăng lên, công việc được sắp xếp hợp lý và nhân viên luôn hạnh phúc.

Người dân đợi xe buýt đi làm ở London, thủ đô Anh. Ảnh: AFP.

Hồi tháng 5/2020, bà Jacinda Ardern, khi đó là Thủ tướng New Zealand đã đề xuất các chủ doanh nghiệp xem xét quy định cho nhân viên làm việc 4 ngày/tuần và lựa chọn các phương án làm việc linh hoạt để kích cầu du lịch và giúp nhân viên giải quyết vấn đề cân bằng cuộc sống.

Khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Milieu Insight (Singapore) công bố vào tháng 2/2022 cho thấy, trong tổng số 6.000 lao động ở các nước khu vực Đông Nam Á, khoảng 2/3 (chiếm 67%) số người được hỏi cho rằng việc cắt giảm thời gian làm việc trong một tuần sẽ giúp họ có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Gần một nửa (48%) cho biết, sẽ có nhiều thời gian hơn để sáng tạo và nảy sinh ý tưởng, trong khi 45% cho rằng một tuần làm việc rút ngắn sẽ làm tăng năng suất của người lao động.

Tuy nhiên, không phải tất cả các góc nhìn về phương thức làm việc 4 ngày/tuần đều đồng nhất tán đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng cần cẩn trọng trong việc áp dụng mô hình giảm ngày làm việc trên diện rộng để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Còn nhiều ý kiến thì cho rằng cần xem xét tính khả thi của những đề xuất dạng này. Hãng tin Anh BBC thì từng có bài viết trong đó cho rằng, “tuần làm việc 4 ngày” vẫn chưa thể là mô hình làm việc chính thống, đòi hỏi mức độ tin cậy rất cao giữa các nhà lãnh đạo và người lao động. Bà Anis Hidayah - người đứng đầu Migrant Care - một tổ chức phi chính phủ của Indonesia nhằm thúc đẩy quyền của người lao động nhập cư, cho biết lợi ích của một tuần làm việc bốn ngày phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi và liệu người lao động có đạt được năng suất tương tự trong thời gian ngắn như vậy hay không?

Có nên thay đổi sang phương thức làm việc 4 ngày/tuần hay không? - chắc chắn sẽ còn là vấn đề gây tranh cãi nhưng đồng thời cũng là xu hướng sẽ còn nở rộ khi ngày càng nhiều người ủng hộ phương thức làm việc linh hoạt này. Nếu xu hướng này trở thành phổ biến và áp dụng trên toàn cầu - âu cũng là điều không thể cưỡng cầu trong bối cảnh xã hội toàn cầu đang có những biến đổi mạnh mẽ. Vấn đề quan trọng nhất, trên tất cả vẫn phải là câu chuyện: Làm ít hơn nhưng phải hiệu quả hơn. Nói như ông Joe O’Connor - Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận 4 Day Week Global, hầu hết người lao động đều mong muốn làm việc “hiệu quả nhất nhưng thời gian ít hơn”.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tuan-lam-viec-4-ngay--xu-huong-moi-nhieu-tranh-cai-tren-toan-cau-post285350.html