Tuần đầu uể oải của dân văn phòng sau Tết

Tuần đầu đi làm sau kỳ nghỉ Tết, Hồng Như (25 tuổi, nhân viên văn phòng) vẫn chưa 'vào nhịp' công việc. Trở lại TP.HCM từ ngày 27/1, đi làm 5 ngày, cô trễ giờ 2 lần vì ngủ quên.

Thời gian ăn Tết ở quê nhà Bình Định, Như quen với những cuộc tụ tập vui chơi đến nửa đêm, thậm chí tới gần sáng. Ngày hôm sau, cô thoải mái ngủ nướng, thậm chí tới buổi chiều mới thức dậy.

Lịch trình sinh hoạt đảo lộn suốt hơn 10 ngày lễ khiến Như tạm thời khó quay về guồng khi đi làm lại.

Tới văn phòng lúc 9h, cô thấy mình trong tình trạng buồn ngủ, đầu óc lơ mơ, khó tập trung. Dù sáng uống một ly cà phê cỡ lớn hoặc lon nước tăng lực, cô vẫn thiếu tỉnh táo.

“Phải qua giờ ăn trưa, tới buổi chiều mới có thể tỉnh táo. Nhưng chưa làm được bao nhiêu thì đã đến giờ về, tôi đành mang nốt phần việc về nhà để hoàn thành. Như vậy là lãng phí cả buổi sáng, rồi đến tối phải cày cuốc”, Như chia sẻ.

Dư âm kỳ nghỉ Tết kéo dài nhiều hơn số đông dân văn phòng thường nghĩ. Ngay cả với người sẵn sàng quay lại công việc, cơ thể, trí óc của họ vẫn gặp một số trở ngại khi về lại nhịp cũ. Quá trình này có thể mất vài ngày cho tới cả tuần.

 Chưa thể bắt nhịp lại với công việc là tâm trạng chung của nhân viên văn phòng sau kỳ nghỉ 10 ngày. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Chưa thể bắt nhịp lại với công việc là tâm trạng chung của nhân viên văn phòng sau kỳ nghỉ 10 ngày. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Buồn ngủ, ngáp dài cả ngày

Như nói thêm những cuộc vui tân niên cùng đồng nghiệp, bạn bè trong tuần đầu quay trở lại thành phố cũng khiến “không khí Tết” kéo dài hơn cô nghĩ.

Trong 2 ngày, nữ nhân viên dự 3 cuộc ăn nhậu tân niên. Liên tục nạp vào cơ thể nhiều đồ ăn dầu mỡ và các thức uống có cồn khiến Như thấy mình trì trệ hơn. Buổi sáng đi làm, cô chật vật để rời khỏi giường.

“Dịp Tết năm nào tôi cũng sa vào đúng guồng như vậy. Phải đi làm nửa tháng, tôi mới vào nhịp. Dù vậy, tôi không lấy đó làm áp lực, bởi cho rằng ai cũng sẽ như vậy. Tôi cũng muốn tận hưởng nốt niềm vui dư âm mà Tết còn để lại”, Như bày tỏ.

“Chưa muốn đi làm” là tâm trạng của Hoa Nguyễn (24 tuổi, Hòa Bình) nói về nguyên tuần khởi động quay lại công ty sau Tết. Dù công ty khai xuân vào ngày 30/1 (mùng 9 Tết), muộn vài ngày so với mọi năm, Hoa cho biết việc được nghỉ thêm vài ngày lại có phần khiến cơ thể, tinh thần cô trì trệ hơn khi về lại Hà Nội.

Từ thứ 3 đến thứ 6 vừa qua, nhân viên ngành sự kiện này miêu tả đầu óc hay trong trạng thái “trên mây”, còn năng lượng làm việc như “cơm nguội”.

"Ngày đầu, mình khá bận do phải thống kê lại các công việc của phòng chưa giải quyết xong trước Tết. Nhưng đến ngày hôm sau, cảm giác chán nản ập đến", cô kể lại.

 Các cuộc liên hoan, hội họp Tân niên liên tiếp cũng khiến nhiều nhân viên chểnh mảng, mang tâm thế duy trì nghỉ ngơi, đi chơi xuân. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Các cuộc liên hoan, hội họp Tân niên liên tiếp cũng khiến nhiều nhân viên chểnh mảng, mang tâm thế duy trì nghỉ ngơi, đi chơi xuân. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Giống với Như, Hoa cũng "đấu tranh tư tưởng" hàng sáng để chui ra khỏi chăn ấm. "Hai ngày qua, Hà Nội chuyển mưa và thời tiết nồm ẩm, động lực đi làm càng thu nhỏ lại", cô bày tỏ.

Đến công ty, Hoa "ngáp ngắn, ngáp dài và không biết phải bắt đầu từ đâu". "Cả ngày, mình ngồi trước máy tính mà không nghĩ ra được idea gì ra hồn", Hoa nói thêm.

Xung quanh, tâm trạng đồng nghiệp và cả cấp trên của Hoa cũng không khá khẩm hơn. "Mới hôm trước, ăn trưa xong, mình và các đồng nghiệp rủ nhau đi chơi billiard đến hơn 14h mới về công ty", Hoa kể lại.

Tuy nhiên, Hoa cho hay cô cần vực dậy lại năng suất làm việc và khả năng tập trung sớm, bởi các hợp đồng với khách hàng cần triển khai sớm đang bắt đầu dồn dập trở lại sau vài ngày ra Tết.

"Muốn lười cũng khó nếu nhiều deadline 'dí' một lúc và sếp liên tục hỏi tiến độ trong ngày. Mình không có lựa chọn nào khác ngoài chịu khó ép bản thân vào lại khuôn khổ", cô khẳng định.

 Trái ngược với tình cảnh gấp rút, "quay cuồng" trong các nhiệm vụ trước Tết, Huy nhàn rỗi vào tuần qua vì "job" chưa về nhiều. Ảnh: NVCC.

Trái ngược với tình cảnh gấp rút, "quay cuồng" trong các nhiệm vụ trước Tết, Huy nhàn rỗi vào tuần qua vì "job" chưa về nhiều. Ảnh: NVCC.

Không quá uể oải hay thấy khó khăn khi lại phải dậy sớm đi làm, song năng suất làm việc của Đức Huy (26 tuổi, Hà Nội) vẫn ở dưới mức trung bình trong tuần đầu quay lại công ty.

Vào ngày đầu, nam nhân viên làm thiết kế chuyên cho các nhà hàng, quán ăn còn thấy phấn khởi, vui vẻ vì mọi người cùng đến công ty ăn liên hoan, lì xì và hỏi thăm nhau.

Những ngày sau, khi ai nấy đều dần phải thích nghi lại nhịp sinh hoạt cũ, việc thoải mái tán chuyện trong giờ làm biến mất, tâm trạng anh “xìu” xuống.

“Mới hai tuần trước, mình chạy deadline sát đến ngày 29-30 Tết mới có thể đóng máy nghỉ ngơi, thì hiện tại, khách hàng chưa tìm tới nhiều vào thời điểm mới ra Tết. Mình và các nhân viên khác khá thảnh thơi”.

Trả lời e-mail, inbox từ khách hàng, đối tác - đầu việc của những ngày qua khá nhẹ nhàng, không phải suy nghĩ nhiều hay cần cả team họp bàn, tranh luận nhiều. Do đó, Huy thấy đầu óc đang trong trạng thái thảnh thơi nhiều hơn, nhiều khi rơi vào cơn buồn ngủ.

Để quay lại nhịp sinh hoạt cũ, Huy thường mất 2-3 ngày. Còn với guồng quay công việc, thời gian kéo dài hơn, rơi vào hơn một tuần. Do đó, anh đạt hạn mức từ đầu tuần sau, khi qua rằm tháng Giêng, mọi thứ liên quan tới công việc của bản thân cần đẩy nhanh tốc độ.

Uể oải là điều dễ hiểu

Cảm giác chán nản, mệt mỏi khi phải trở lại nhịp sống thường ngày sau các kỳ nghỉ kéo dài là dấu hiệu thường thấy của tình trạng “post-holiday anxiety”. Kỳ nghỉ càng dài và càng thú vị thì nguy cơ mắc phải hội chứng này càng cao.

Laith Masarweh - người sáng lập, đồng thời là giám đốc điều hành công ty cung cấp nhân sự trợ lý ảo Assistantly - nói rằng tuần đầu tiên của năm mới giống như giai đoạn khởi động. Vì vậy, chúng ta không cần đặt quá nhiều áp lực lên bản thân, buộc mình bắt kịp tốc độ 100%.

"Bạn chỉ cần cố gắng hết mức để bản thân trở nên tích cực và hào hứng cho năm mới phía trước", CEO Masarweh nói với CNBC.

Theo Masarweh, để chống lại sự uể oải sau kỳ nghỉ lễ, bạn nên thức dậy sớm hơn. Điều đó là một cách hữu hiệu để chúng ta giảm bớt lo lắng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tập thể dục nhẹ nhàng, như đi bộ ngoài trời.

Theo Refinery 29, những ngày nghỉ lễ là khoảng thời gian rất bận rộn, tụ tập liên tục, đồng hồ sinh học thường ngày bị ảnh hưởng, vì vậy việc kiệt sức, dễ sao nhãng sau đó là điều bình thường, khó tránh khỏi.

Debra Kissen, Giám đốc tại trung tâm điều trị hành vi nhận thức Light on Anxiety (Mỹ), nói rằng chúng ta dễ cảm thấy lo lắng khi cố gắng bắt nhịp trở lại sau một kỳ nghỉ dài ngày.

"Kết thúc kỳ nghỉ lễ cũng giống như ngày chủ nhật cuối tuần đã hết, bạn biết mình phải trở lại với trách nhiệm, nhiệm vụ, cộng với tâm lý tiếc nuối những giờ phút được nghỉ ngơi thoải mái nên tâm thế dễ mệt mỏi", ông đánh giá.

Nhưng dù sao, bắt đầu công việc sau nghỉ lễ vẫn nên được thực hiện theo cách vui vẻ. Vì vậy, bạn nên cân bằng đời sống cá nhân với lịch trình làm việc.

Đào Phương - Trà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuan-dau-ue-oai-cua-dan-van-phong-sau-tet-post1398629.html