Từ vụ thức ăn bị nghi bỏ thuốc trừ sâu, cảnh báo nguy cơ mất ATTP trong trường học

Theo TS. Lưu Quốc Toản, thuốc trừ sâu là một chất độc hại. Tùy thuộc vào độc tính, liều lượng tiếp xúc có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe như: đau bụng, nôn, tiêu chảy, nhức đầu, co giật, rối loạn hệ thần kinh, hôn mê... thậm chí tử vong.

Mới đây, vụ việc một nhân viên bếp ăn của Trường THPT Chu Văn Thịnh (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) nghi bỏ thuốc trừ sâu vào thức ăn của học sinh đã gây chấn động dư luận. Hiện cơ quan công an đã bắt nghi phạm để điều tra về hành vi gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

Mặc dù rất may mắn sự việc được phát hiện sớm từ lúc chia khẩu phần ăn và bữa ăn chưa diễn ra nên không có học sinh nào của trường bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, qua vụ việc này, người dân cần có những lưu ý gì về việc đảm bảo và phòng ngừa mất an toàn thực phẩm (ATTP) do thuốc trừ sâu gây ra, những ảnh hưởng của thuốc trừ sâu tới sức khỏe như thế nào, đặc biệt liên quan tới các cơ sở cung cấp suất ăn cho bếp ăn tập thể trường học?

Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, TS. Lưu Quốc Toản - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm (Trường Đại học Y tế công cộng) cho biết, thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có thuốc trừ sâu đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp với tác dụng phòng ngừa và loại trừ sâu bệnh cho cây trồng.

TS. Lưu Quốc Toản - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y tế công cộng.

TS. Lưu Quốc Toản - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y tế công cộng.

Ngày nay, các nước trên thế giới đang hướng tới việc nghiên cứu sản xuất ra các loại thuốc trừ sâu an toàn, hướng tới các nhóm thuốc trừ sâu nguồn gốc sinh học, hạn chế các nhóm thuốc trừ sâu độc tính cao với con người và môi trường. Tuy nhiên, nghiên cứu và sử dụng thuốc trừ sâu theo xu hướng nào, nếu không tuân thủ các quy định và hướng dẫn sử dụng an toàn, thuốc trừ sâu vẫn luôn có thể trở thành mối nguy ATTP, gây ra các ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng.

Nguy cơ thuốc trừ sâu gây mất ATTP đến từ đâu?

Theo TS. Lưu Quốc Toản, nguy cơ tồn dư thuốc trừ sâu trong thực phẩm chủ yếu đến từ quá trình sử dụng chưa hợp lý thuốc trừ sâu trong canh tác nông nghiệp. Việc chưa tuân thủ 4 đúng trong canh tác nông nghiệp bao gồm đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, đúng liều lượng. Nếu người sản xuất, canh tác nông nghiệp không tuân thủ các nguyên tắc này, lượng thuốc trừ sâu tồn dư trong rau, củ, quả sẽ vượt quá ngưỡng an toàn cho phép trong thực phẩm được quy định tại thông tư số 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế "Quy định mức giới hạn tối đa thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm".

Ngoài mục đích sử dụng trực tiếp trên cây trồng, thuốc trừ sâu còn được sử dụng trong một số mục đích khác như xử lý hạt sau thu hoạch, xử lý kho bảo quản thực phẩm.

Bên cạnh đó, sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu cũng dẫn đến lượng thuốc dư thừa có thể tồn dư, tích lũy trong đất nông nghiệp, nguồn nước bề mặt. Đây là nguồn ô nhiễm tiềm tàng thuốc trừ sâu từ môi trường vào thực phẩm và nước ăn uống.

"Một nguồn ô nhiễm tiềm tàng nữa, nguy hiểm lớn là lưu giữ, bảo quản thuốc trừ sâu tại hộ gia đình sau sử dụng. Lọ thuốc trừ sâu sau sử dụng thất lạc nhãn, không được ghi đầy đủ thông tin có thể trở thành mối nguy ATTP và môi trường tại hộ gia đình"

Thuốc trừ sâu ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

TS. Lưu Quốc Toản cho biết, thuốc trừ sâu là một chất độc hại, ở một liều lượng nhất định sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tùy thuộc vào độc tính, liều lượng tiếp xúc, thuốc trừ sâu có thể gây ra các ảnh hưởng khác nhau như ngộ độc cấp tính với các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhức đầu, co giật, rối loạn hệ thần kinh, hôn mê… thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Thuốc trừ sâu cũng có thể ảnh hưởng mạn tính, lâu dài khi tiếp xúc một lượng nhỏ, trong thời gian kéo dài. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do thuốc trừ sâu được gi nhận và báo cáo tại các bệnh viện, như ca ngộ độc thuốc trừ sâu do ăn rau bí tại tỉnh Điện Biên năm 2022. Tuy nhiên, các ca ngộ độc thuốc trừ sâu nghiêm trọng thường được ghi nhận và báo cáo nhiều hơn liên quan đến chủ động uống thuốc trừ sâu.

Mức độ ảnh hưởng sức khỏe của thuốc trừ sâu ở đối tượng khác nhau là khác nhau. Trong đó, các đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu bị ngộ độc bao gồm trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi. Bởi đây là các nhóm đối tượng nhạy cảm, sức đề kháng yếu hoặc bị động trong việc chăm sóc bữa ăn của mình. Ở trẻ em, các tác động mạn tính được đề cập trong kết quả của nhiều nghiên cứu như tác động lên phổi do hít phải thuốc trừ sâu, rối loạn tăng động giảm chú ý, tổn thương hệ thần kinh.

Phòng ngừa mất ATTP do thuốc trừ sâu như thế nào tại bếp ăn trường học?

Theo Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, để đảm bảo và phòng ngừa mất ATTP do thuốc trừ sâu gây ra, đặc biệt liên quan tới các cơ sở cung cấp suất ăn lớn như bếp ăn tập thể trường học, chúng ta cần thực hiện tốt một số điểm sau:

Kiểm tra an toàn nguyên liệu thực phẩm ngay từ đầu vào tại bếp ăn tập thể. Hoạt động này có thể thực hiện bằng cách sử dụng bộ xét nghiệm nhanh ATTP, trong đó có xét nghiệm nhanh thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả. Chúng ta chỉ mất từ 5 - 10 phút để thực hiện một xét nghiệm nhanh phát hiện thuốc trừ sâu trong thực phẩm.

Việc chọn thực phẩm tươi và an toàn là nguyên tắc và chìa khóa quan trọng để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do thuốc trừ sâu. Ảnh minh họa

Việc chọn thực phẩm tươi và an toàn là nguyên tắc và chìa khóa quan trọng để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do thuốc trừ sâu. Ảnh minh họa

Thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo ATTP đối với bếp ăn tập thể. Đặc biệt, thực hiện đúng và đủ quy trình kiểm thực ba bước gồm kiểm tra nguyên liệu thực phẩm, thức ăn trước khi chế biến, trong khi chế biến, trước khi ăn. Thực hiện lưu mẫu 24 giờ để kịp thời hỗ trợ phát hiện, điều tra, báo cáo, xử trí vụ ngộ độc thực phẩm nếu xảy ra.

Đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu thực phẩm an toàn, tin cậy bằng cách thực hiện ký hợp đồng nguyên tắc và định kỳ giám sát ATTP của cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm thông qua kết quả xét nghiệm định kỳ nguyên liệu của cơ sở cung cấp.

Tăng cường truyền thông, giáo dục về ATTP cho người chế biến tại bếp ăn để tuân thủ các quy định về ATTP trong chế biến, chia suất ăn,… Tăng cường giám sát công tác thực hiện đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể trường học.

Tuân thủ thực hiện các quy định khác về ATTP nói chung và ATTP đối với bếp ăn tập thể. Thực hiện tốt 10 nguyên tắc vàng và 5 chìa khóa vàng về chế biến thực phẩm an toàn. Trong đó, chọn thực phẩm tươi và an toàn là nguyên tắc và chìa khóa quan trọng để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do thuốc trừ sâu.

Bàng hoàng vụ nghi bỏ thuốc trừ sâu vào thức ăn của học sinh ở Sơn La

Mới đây, ông Kiều Anh Huy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn Thịnh, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La xác nhận vụ việc mới xảy ra tại trường: Vào hồi 10h30 phút sáng ngày 22/9, trong khi chuẩn bị chia khẩu phần cho học sinh tại bếp ăn bán trú trường THPT Chu Văn Thịnh, nhân viên của trường phát hiện chậu su su luộc có mùi lạ (mùi thuốc trừ sâu). Nhà trường đã cho dừng việc chia khẩu phần ăn món su su. Bữa ăn vẫn diễn ra bình thường với các món khác và học sinh đảm bảo an toàn.

Sau đó, nhà trường đã trích xuất camera giám sát tại bếp ăn bán trú và tiến hành niêm phong số su su luộc có mùi lạ (mùi thuốc trừ sâu), cho những người trực tiếp chế biến món su su luộc làm bản tường trình, tiến hành họp tổ nấu ăn bán trú và xem lại camera giám sát. Chiều 27/9, CSĐT Công an huyện Mai Sơn đã ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với H.T.T. (SN 1984, trú xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn) - nhân viên bếp ăn của trường THPT Chu Văn Thịnh để điều tra về hành vi gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-vu-thuc-an-bi-nghi-bo-thuoc-tru-sau-canh-bao-nguy-co-mat-attp-trong-truong-hoc-169230930230734538.htm