Từ vụ ông Vũ Huy Hoàng: 'Phải kiểm soát quyền lực'

Liên quan đến Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc xem xét, kết luận các nội dung của kỳ họp mới đây, trong đó có một số sai phạm của Bộ Công thương và đề nghị kỷ luật cảnh cáo nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, nhiều đại biểu quốc hội, nguyên lãnh đạo cấp cao đã có chung nhận định, vụ việc cần được các cơ quan hữu quan tiếp tục làm rõ, đồng thời nêu những giải pháp để hạn chế những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.

Nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng (bìa phải). Ông Trịnh Xuân Thanh (giữa) tại buổi lễ PVC nhận danh hiệu Anh hùng Lao động). Ảnh: VIỆT DŨNG- TTXVN

“Nên đi tới tận cùng vấn đề”

Bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu với báo Tiền phong ngày 25-10, cho rằng phải làm cụ thể chứ không nên dừng ở kết luận chung vì liên quan đến vi phạm các quy định Nhà nước, đặc biệt là động chạm quy định của Bộ luật Hình sự và xâm phạm đến lợi ích chung, nhiều hay ít cần phải tính. “Phải khởi tố điều tra mới có cơ sở pháp luật còn dừng ở những vấn đề chung, tôi không hài lòng. Cần phải làm nghiêm, không có ngoại lệ”, ông Vũ Trong Kim nhìn nhận.

Phát biểu trên báo Dân trí ngày 26-10, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng đồng quan điểm trên, cho rằng: “Trong trường hợp của ông Hoàng, nếu như ông này còn đương chức thì sẽ bị cách chức, nhưng bây giờ ông ấy không còn chức nữa, thôi Ủy viên Trung ương, thôi Bộ trưởng rồi, giờ chỉ còn vấn đề ông Hoàng sẽ phải ra pháp luật nữa thôi!”.

Ông Nguyễn Đình Hương giải thích thêm: “Nếu ông Vũ Huy Hoàng dính vào tham nhũng, dính vào sai phạm trong quy trình đề bạt công chức thì ông Hoàng sẽ phải ra tòa. Trịnh Xuân Thanh ra tòa thì ông Hoàng cũng phải ra tòa, chứ không còn cách nào khác. Đây mới chỉ là bước đầu kỷ luật trong nội bộ Đảng mà thôi, ông Hoàng bị kỷ luật cảnh cáo - là mức kỷ luật cao sau mức khai trừ”.

Đánh giá về vấn đề này, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phát biểu trên báo Tiền Phong ngày 25-10, cũng nhận định, đây mới là cơ quan Đảng làm, chỉ có thể kỷ luật cán bộ, cao nhất là khai trừ Đảng. “Thậm chí có ý kiến nói cảnh cáo đã thỏa đáng chưa? Phải tiếp tục làm, ngay trong Đảng phải tiếp tục làm nữa. Chúng ta không thể không đi tới cùng ở một sự việc nghiêm trọng. Có nên để nửa vời thế không? Nên đi tới cùng vấn đề”, ông Vũ Mão đề nghị.

Cần phải làm mạnh, triệt để với vụ việc, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, phát biểu trên báo vov.vn ngày 26-10, cũng đánh giá: Những thông tin của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra trong bản kết luận rất rõ. Tuy Đảng đã đưa ra hình thức kỉ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng và các cá nhân liên quan ở Bộ Công Thương nhưng Đảng không làm thay Nhà nước. Trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải làm mạnh, triệt để đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bài học về công tác cán bộ

Nói về bài học rút ra từ vụ việc này, báo Người Lao động ngày 26-10 trích dẫn ý kiến của ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, phải xây dựng lại một số quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí về quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ cho phù hợp với tình hình hiện nay.

"Dứt khoát phải kiểm soát quyền lực. Một trong những nguyên tắc giao quyền đến đâu kiểm soát đến đó, nhưng thiết kế thế nào cho phù hợp với tình hình hiện nay thì phải nghiên cứu bài bản, xuất phát từ lý luận, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn thế nào, để khi ban hành cho phù hợp. Đây là điều hết sức phải quan tâm, phải làm. Cái này cả hệ thống chính trị phải cùng nhau thiết kế"- Trưởng ban Tổ chức Trung ương nói.

Cũng nêu ý kiến về việc phải kiểm soát quyền lực, Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, chúng ta phải xem xét quy định cho chặt chẽ và đặc biệt là phải có những quy định về kiểm soát quyền lực trong việc bổ nhiệm, về trách nhiệm của người đề cử, trách nhiệm của người xem xét nhân sự đến đâu khi giới thiệu một người không xứng đáng.

“Trong những lần thảo luận ở tổ, tôi có đề nghị nên đưa ra một tội danh mới như tội lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm người không xứng đáng vào bộ máy nhà nước và củng cố quyền thống trị của một nhóm quyền lực, một nhóm lợi ích hay trục lợi cho lợi ích của bản thân và gia đình. Như vậy mới có tác dụng răn đe hành vi lạm dụng quyền lực gây ra bức xúc dư luận trong thời gian qua”, Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị.

Ở khía cạnh công khai với nhân dân, theo vov.vn ngày 25-10 nêu ý kiến của Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cho rằng đã đánh giá cao việc công khai kết luận và hình thức đề nghị xử lý đối với một cựu cán bộ cấp cao như ông Vũ Huy Hoàng. “Hiện nay nhiều việc khi kiểm tra, thanh tra ra thì thấy có tình trạng quan liêu, điều đó cho thấy cần phải xem lại công tác cán bộ, xem lại cơ chế giám sát cán bộ. Điều cần thiết nhất bây giờ là phải thay đổi suy nghĩ, cần lắng nghe người dân, lắng nghe quần chúng nhiều hơn nữa, đó là những người không có lợi ích gì ngoài lợi ích chung của đất nước”, ông Quốc nhận định.

Hiệp Hòa (tổng hợp)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tu-vu-ong-vu-huy-hoang-phai-kiem-soat-quyen-luc.aspx