Từ vụ nam sinh lớp 8 bị đánh: Cách nào hạn chế bạo lực học đường?

Sau vụ nam sinh lớp 8 bị đánh, nhiều phụ huynh lo lắng về bạo lực ở lứa tuổi học sinh.

Trong tuần qua, dòng thông tin về vụ nam sinh lớp 8 bị đánh dẫn đến chết não do mâu thuẫn khi đang chơi bóng rổ khiến nhiều bạn đọc xót xa.

Trước sự việc đau lòng trên, một số bạn đọc bày tỏ những lo lắng trước tình trạng bạo lực ở độ tuổi mới lớn. Làm thế nào để các em học sinh có thể tránh được tình trạng bạo lực khi đến trường?

Phiên tòa giả định với mục đích tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho các học sinh và người dân. Ảnh: TRẦN MINH

Cần sự chung tay của gia đình và nhà trường

Liên quan đến vụ nam sinh lớp 8 ở trên và dưới góc độ là một phụ huynh, chị NTH (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết không những chị mà bất kỳ phụ huynh nào khi gửi con đến trường cũng đều mong muốn con mình học được điều hay lẽ phải, từ tri thức đến đạo đức để nên người. Thế nhưng cũng có một số phụ huynh không nhận ra được trong việc đối xử, xử lý tình huống khi con mình có hơi hướng bạo lực học đường.

Còn nhớ lúc con chị học lớp 4, trong lớp có một bạn nam thường xuyên chọc ghẹo các bạn trong lớp. Điều này được chứng minh qua những lần “mắng vốn” giữa cô giáo chủ nhiệm và các phụ huynh của học sinh bị đánh.

Tại buổi họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm đã đưa câu chuyện của bạn học sinh này ra để tìm cách giải quyết. Và thay vì tiếp thu, phụ huynh lại khẳng định một câu “Không có lửa làm sao có khói” để bao biện cho cái sai của con mình.

“Nguyên nhân gây ra bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của nhà trường. Các bậc cha mẹ cũng phải có trách nhiệm trong việc dạy dỗ cũng như ngăn cản, khuyên răn, chứ không thể tìm cách bao biện, để đến khi xảy ra hậu quả thì hối hận không kịp” - chị H nêu ý kiến.

“Tôi từng có con bị bạo lực học đường. Nhìn con bị các bạn đánh, tôi rất xót nhưng không phải vì thế mà tôi làm ầm ĩ hay kể tội bạn của con. Trước tiên, tôi xoa dịu con bằng cách dĩ hòa di quý. Sau đó, tôi cho con đi học võ để tự vệ, bảo vệ bản thân chứ không phải đánh lại bạn… Tôi không biết đây có phải là cách hay hay không nhưng với con tôi, tôi thấy hiệu quả. Mong rằng sau vụ nam sinh lớp 8 bị đánh, các phụ huynh cần bình tĩnh và có cách ứng xử để con trẻ có một tuổi thơ đẹp, không bị tổn thương tâm hồn vì bị bạo hành, bạo lực” - anh TND (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ.

“Mong pháp luật đem lại công bằng cho mẹ con nạn nhân và có hình phạt thật nghiêm để răn đe, làm gương trước vấn nạn bạo hành học đường.”

Ba nguyên nhân xu hướng bạo lực

Liên quan đến vụ nam sinh lớp 8 bị đánh, trao đổi với PV, ThS Nguyễn Thị Bích Thủy, giảng viên tâm lý học Trường ĐH Văn Hiến, cho biết tâm lý trẻ vị thành niên có xu hướng bạo lực mạnh như vậy có thể xuất phát từ ba nguyên nhân.

Thứ nhất là tâm lý của trẻ vị thành niên đang trong quá trình phát triển, chưa ổn định về mặt tính cách. Do đó, các em ở giai đoạn này khó kiểm soát hành vi, cảm xúc của bản thân, dễ có những hành vi bốc đồng ở lứa tuổi này.

Thứ hai là môi trường sống trong gia đình. Nếu cha mẹ, người thân có lời nói, hành vi, ứng xử mang tính bạo lực cũng sẽ ảnh hưởng tới các em.

Thứ ba, nếu gia đình ít quan tâm đến con cái, các em có thể bị ảnh hưởng bởi những hành vi bạo lực từ bạn bè.

Cũng theo ThS Thủy, để có thể bảo vệ, đảm bảo an toàn cho con, cha mẹ và thầy cô nên dạy cho các em về cách tự bảo vệ bản thân khi xảy ra những hành vi có nguy cơ bị bạo lực để đảm bảo sự an toàn cho bản thân.

Cụ thể, trong tình huống khẩn cấp, các em có thể kêu cứu, chạy tới một nơi nào đó an toàn để được sự hỗ trợ từ người lớn, từ những người xung quanh, làm mọi cách để bảo vệ tính mạng của mình.

Người lớn nên dạy dỗ con về kỹ năng trong giao tiếp, ứng xử để tránh đẩy những cảm xúc lên cao, có thể gây ra từ lời nói dẫn tới những hành vi bạo lực lẫn nhau.

Trong quá trình giáo dục con thì việc ứng xử trong gia đình phải tránh những lời nói, hành vi có thể gây ra những bạo lực ngôn ngữ, bạo lực hành vi mà con trẻ có thể học hỏi những điều đó.•

Mong một phép màu sẽ đến

Sau vụ nam sinh lớp 8 bị đánh dẫn đến chết não do mâu thuẫn khi đang chơi bóng rổ, một số bạn đọc đã chia sẻ ý kiến và mong một phép màu sẽ đến với nam sinh này.

• “Thật thương cảm cho hoàn cảnh của người mẹ, chồng vừa mất không lâu thì con lại gặp nạn như thế này, nỗi đau tột cùng. Mong rằng có một phép màu sẽ đến với bạn nam sinh này” - bạn đọc Trần Anh.

• “Sự việc nam sinh lớp 8 bị đánh chưa được công an kết luận và chưa có thông tin gì về trách nhiệm của người cha trong chuyện này. Thế nhưng đây sẽ là bài học đắt giá cho các bậc làm cha làm mẹ trong việc dạy dỗ con cái của mình. Mong bạn nam sinh mau phục hồi để giảm bớt nỗi đau cho người mẹ” - bạn đọc Hạnh Dung.

• “Mong pháp luật đem lại công bằng cho mẹ con nạn nhân và có hình phạt thật nghiêm để răn đe, làm gương trước vấn nạn bạo hành học đường. Với những trẻ chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải có một phần trách nhiệm” - bạn đọc Nguyễn Hoàng.

NGUYỄN HIỀN - TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-vu-nam-sinh-lop-8-bi-danh-cach-nao-han-che-bao-luc-hoc-duong-post782884.html