Từ vụ CQĐT bắt giữ các nhà ngoại cảm rởm: Giải mật một hồ sơ

Liên tiếp trong những ngày qua dư luận xôn xao bàn luận về ngoại cảm, đặc biệt là sau khi truyền hình phát chương trình cáo buộc một số người lợi dụng ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ để trục lợi, lừa đảo. Trước đó, một số ấn phẩm chuyên đề "ăn theo" của vài tờ báo cũng đã có loạt bài điều tra; không chỉ quy kết tất cả ngoại cảm là trò lừa đảo mà còn "kể chuyện đời tư" một số người khá nổi tiếng trong giới ngoại cảm.>> Ngoại cảm với… “thế giới bên kia”>> Ngoại cảm: 7 hư, 3 thực?

Hài cốt liệt sĩ Kiều Cao Chử đã nằm dưới gốc cây dừa này suốt gần nửa thế kỷ mới được gia đình tìm thấy.

Thêm nữa, khi Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố, bắt giam 2 nhà ngoại cảm rởm là Nguyễn Thanh Thúy (cậu Thủy) và Mẫn Thị Duyên thì ngoại cảm càng được dư luận "hâm nóng" hơn…

Lời cảnh báo thận trọng từ 16 năm trước

Theo Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, hơn 10 năm trước, ông được giao viết một báo cáo khoa học đề cập đến việc tổ chức nghiên cứu khảo nghiệm một loại khả năng đặc biệt của con người, là tìm mộ từ xa bằng ngoại cảm.

Nhận nhiệm vụ, TS Ngô Tiến Quý đã rất băn khoăn, không biết nên bắt đầu từ đâu. Khi đó, ông mới chỉ có thông tin về một số cuộc tìm kiếm mộ 13 liệt sĩ tại chùa Non Nước (Ninh Bình) năm 1992-1993, mộ 5 liệt sĩ tại Uông Bí (Quảng Ninh) và năm 1996 "Chương trình tìm lại Nam Cao", có sự tham gia của ngoại cảm.

Đến năm tháng 7/1997, 3 cơ quan gồm Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) và Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin phép được khảo nghiệm khả năng đặc biệt của ông Nguyễn Văn Liên (trú tại Tứ Kỳ, Hải Dương) trong việc tìm mộ liệt sĩ từ xa.

Tháng 8/1997, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học - Công nghệ) truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Khánh yêu cầu xem xét việc này.

Được sự đồng ý của các cấp thẩm quyền, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) và Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống đã tiến hành nghiên cứu "Đề tài khảo nghiệm khả năng tìm mộ liệt sĩ từ xa bằng ngoại cảm", do TS Ngô Tiến Quý làm chủ nhiệm đề tài.

Cơ quan chức năng cũng yêu cầu phải khảo nghiệm 100 trường hợp tìm mộ bằng ngoại cảm trong thời gian từ tháng 9/1997 đến tháng 3/1998. Theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp UIA, lúc bấy giờ đề tài này được coi là bí mật Nhà nước.

Ngày 30/12/1997, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã viết thư cảm ơn gửi ông Nguyễn Văn Liên và các vị trong Ban nghiên cứu đề tài tìm mộ bằng ngoại cảm.

Thư có đoạn: "…Như vậy chỉ qua những trường hợp mà tôi biết, khả năng tìm mộ của ông Liên không phải là cá biệt và đó là một năng lực hiếm có. Tôi nghĩ cần có biện pháp và điều kiện để giữ gìn lâu dài năng lực này nhằm đáp ứng nguyện vọng tha thiết và chính đáng của nhân dân ta; đồng thời góp phần thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ của Đảng và Nhà nước".

Căn cứ kết quả nghiên cứu của các cơ quan trên, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có kết luận về "Đề tài khảo nghiệm khả năng tìm mộ liệt sĩ từ xa bằng ngoại cảm" (do Thứ trưởng Chu Hảo) ký. Theo kết luận này, khả năng tìm mộ liệt sĩ thất lạc của ông Nguyễn Văn Liên là có thật; tỉ lệ tìm thấy được mộ trong đợt khảo nghiệm là tương đối cao (khoảng 70%). Số vụ đã tìm thấy được là 154/219 vụ. Trong mỗi vụ, ông Liên đưa ra trung bình khoảng 40 - 45 thông tin mà trong quá trình tìm mộ phải xác định; theo thống kê, tỉ lệ thông tin đúng trong từng vụ khoảng 70-80%...

Từ những nhận xét trên, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo và kiến nghị Chính phủ: "Khả năng đặc biệt của ông Nguyễn Văn Liên trong việc xác định mộ chôn cất các liệt sĩ bằng ngoại cảm là có thật mà khoa học hiện nay chưa thể lý giải một cách thỏa đáng để mọi người đều có thể hiểu và công nhận… Nhà nước nên giao cho ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức chu đáo để ông Nguyễn Văn Liên giúp nhân dân tìm kiếm hài cốt thân nhân, trước hết là hài cốt các liệt sĩ đã bị thất lạc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ"…

Với sự thận trọng cần thiết, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nêu rõ trong báo cáo kết luận: "Đây là vấn đề có nhu cầu lớn, song nếu tổ chức không tốt sẽ dễ gây lộn xộn dẫn đến những vấn đề phức tạp"…

Kết cục có hậu của một giấc mơ

Đại tá Kiều Cao Tâm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ CAND là con thứ của liệt sĩ Kiều Cao Chử. Tham gia cách mạng từ sớm, mới ngoài 20 tuổi, ông Chử đã là Huyện ủy viên Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Cuối tháng 10/1949, trong khi chỉ huy chống giặc càn, ông Kiều Cao Chử bị địch bắt. Bọn ác ôn trong bốt Chi Quan (thuộc khu vực thị trấn Thạch Thất hiện nay) thay nhau đánh đập bằng báng súng, lưỡi lê nhưng không khuất phục được ông. Khi ông Chử ngất đi, chúng tiếp tục đổ nước vào mồm, dùng chân giậm giày đinh lên ngực, bụng khiến ông chết đi sống lại nhiều lần. Quá mệt vì phải tra khảo, đánh đấm mà không thu được kết quả gì, bọn lính khiêng ông ném vào buồng giam...

Sáng hôm sau, khi mở cửa, bọn ác ôn nhìn thấy trên bức tường buồng giam có dòng chữ viết bằng máu: "Thà chết không đầu hàng giặc!/ Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!". Bọn lính cả Tây lẫn ngụy xô nhau vào xem dòng chữ, rồi lại nhìn người tù nằm thoi thóp trên sàn buồng giam. Biết không thể khuất phục được ông Chử, chúng đem ông ra bắn ngay trước bốt… Năm đó, cậu bé Kiều Cao Tâm mới 7 tháng tuổi.

Đại tá Kiều Cao Tâm (con trai liệt sĩ Kiều Cao Chử) và mẹ đẻ đã thỏa ước nguyện khi tìm được hài cốt của chồng, cha.

Qua chiến tranh, thiên tai, mộ phần của liệt sĩ Kiều Cao Chử bị thất lạc, dù cha mẹ và sau này con cháu của liệt sĩ đã nhiều lần tìm kiếm. Sau này, Đại tá Kiều Cao Tâm hay gặp một giấc mơ kỳ lạ. Ông mơ thấy mình đang đi tìm mộ cha. Ông đi bộ trên một con đường nhỏ ven cánh đồng, đi mãi đến chỗ một cây dừa rất cao, thân cây đã mốc trắng, thì có một chiếc hố sâu, ông bước xuống tiếp cho đến khi cảm thấy bóng tối vây chặt lấy mình, thì tỉnh lại...

Giữa tháng 10/2005, ông Tâm đến gặp TS Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. TS Quý là người có duyên với việc tìm mộ liệt sĩ, trong đó có việc tìm và xác định hài cốt nhà văn, liệt sĩ Nam Cao. Đại tá Tâm đã kể lại giấc mơ lạ kỳ của mình. Nghe xong, TS Quý "phán" một câu làm ông Tâm nức lòng: "Nhất định anh sẽ tìm được mộ cha! Giấc mơ đó còn gọi là sự "thúc tâm". Cái hố có cây dừa mà anh mơ chính là nơi cụ táng gửi ở đó. Tôi sẽ có cách giúp anh!".

Gia đình và các cựu binh đưa hài cốt liệt sĩ Kiều Cao Chử về nhà làm lễ truy điệu.

Với sự giới thiệu của Tiến sĩ Ngô Tiến Quý, Đại tá Kiều Cao Tâm về Hải Dương gặp và được nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên giúp đỡ. Ông Liên đã vẽ sơ đồ hướng dẫn: Mộ liệt sĩ Kiều Cao Chử nằm dưới gốc cây dừa bên rãnh nước ngay gần bốt Chi Quan xưa, đúng như giấc mơ của Đại tá Kiều Cao Tâm! Ông Liên còn mô tả chi tiết mọi vật xung quanh mộ cũng như hiện trạng áo quan, xương cốt…

Căn cứ sơ đồ này, cùng với sự hướng dẫn của ông Liên qua điện thoại, gia đình Đại tá Kiều Cao Tâm đã tìm được mộ liệt sĩ Kiều Cao Chử, đúng như sơ đồ và mô tả của ông Liên! Niềm mong mỏi gần 60 năm của gia đình Đại tá Kiều Cao Tâm đến đây đã được toại nguyện

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/ktvhkh/2013/11/81975.cand