Từ vụ cháy làm hai người tử vong ở Lạng Giang: 'Bà hỏa' còn rình rập

Rạng sáng 5/10, tại thôn Yên Vinh, xã Yên Mỹ (Lạng Giang) xảy ra vụ cháy làm hai vợ chồng tử vong thương tâm. Vụ việc xảy ra lại thêm một lời cảnh báo về nguy cơ cháy nổ tại nhà dân gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy, trong đó có 3 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng làm 6 người chết, 4 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, dù số vụ cháy giảm nhưng số người thương vong lại tăng.

Lực lượng chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ cháy xảy ra vào sáng 5/10 tại nhà anh Đặng Đình Th, xã Yên Mỹ (Lạng Giang).

Rạng sáng 5/10, tại thôn Yên Vinh, xã Yên Mỹ (Lạng Giang), ngọn lửa bùng lên làm hai vợ chồng anh Đặng Đình Th (SN 1977) và chị Nguyễn Thị H (SN 1978) tử vong, nhiều tài sản trong nhà bị thiêu rụi. Sáng sớm cùng ngày như thường lệ, bà Triệu Thị Ngh (SN 1952) là mẹ của anh Th ra đồng hái rau, chốt cửa ngoài. Lúc về nhà gần 5 giờ sáng, bà thấy nhà đang cháy dữ dội nên hô hoán người thân, hàng xóm dập lửa. Tuy nhiên khi mọi người tiếp cận chữa cháy thì ngôi nhà cấp bốn, 3 gian, rộng hơn 40 m2 đã bị ngọn lửa bao trùm đỏ rực.

Ai có mặt cũng gắng sức cứu chữa nhưng đành bất lực vì ngọn lửa bùng lên quá nhanh. Khi cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) và Công an huyện khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi thì mái nhà cùng các cấu kiện đã sập hoàn toàn. Hai nạn nhân tử vong thương tâm, thi thể không còn nguyên vẹn. Nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Chiều 5/10, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, đại diện Ban Cứu trợ tỉnh đến gia đình bà Triệu Thị Ngh – mẹ của hai nạn nhân tử vong tại thôn Yên Vinh, xã Yên Mỹ (Lạng Giang) thăm hỏi, trao 6 triệu đồng hỗ trợ. Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao 6 triệu đồng trích từ Quỹ Nhân đạo tỉnh. UBND huyện và Hội Chữ thập đỏ huyện Lạng Giang trao 21 triệu đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ là 33 triệu đồng.

Theo ông Trần Quang Giỏi, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ, anh Th và chị H đều làm thợ sơn, đã từng đổ vỡ hôn nhân, mỗi bên đều có con riêng. Cách đây gần 1 năm, anh chị đăng ký kết hôn, nên duyên vợ chồng. Sau khi vụ cháy xảy ra, UBND xã đã cử tổ công tác thăm hỏi, động viên, lo hậu sự; các tổ chức, đoàn thể trao kinh phí hỗ trợ đột xuất cho gia đình nạn nhân.

Trước đó, rạng sáng 22/6, vụ cháy xảy ra tại gia đình ông Tống Văn L (SN 1965) ở thôn Sơn Quang, xã Trung Sơn (Việt Yên) cũng làm 3 người tử vong gồm: Ông Tống Văn L (chủ hộ), con gái Tống Thị T (SN 1988) và cháu Nguyễn Quỳnh Tr (3 tuổi, con gái chị T). Một vụ cháy khác xảy ra ngày 24/3 cũng thiêu rụi toàn bộ tài sản của gia đình anh Vũ Văn C (SN 1977) ở thôn Đồng Đạo, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa).

Không những thế, con trai của anh C cũng tử vong; 4 người khác trong gia đình bị thương. Được biết, gia đình anh C có một căn nhà 2 tầng, xưởng gỗ ngay bên cạnh. Nguyên nhân cháy là do vi phạm phòng cháy, chữa cháy trong khi hàn xì. Mới đây, Công an huyện Hiệp Hòa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 người làm nghề thợ hàn.

Tại Bắc Giang, các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng đều xảy ra ở các hộ dân dạng nhà ở hoặc nhà vừa để ở vừa kết hợp sản xuất kinh doanh. Một số vụ cơ quan chức năng đã điều tra, làm rõ nguyên nhân như: Sơ suất khi sử dụng nguồn nhiệt, nguồn điện; chập điện…

Sau khi xảy ra các vụ cháy, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) cùng với Công an các huyện, TP đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, hướng dẫn PCCC các hộ có nhà vừa để ở vừa sản xuất kinh doanh, các hộ có nhà ở riêng lẻ. Đơn cử như Công an huyện Hiệp Hòa tổ chức rà soát tất cả hộ dân, cơ sở sản xuất kinh doanh; kiểm tra chứng chỉ hành nghề của thợ hàn cắt kim loại. Toàn huyện có 440 chủ cơ sở, thợ hàn cắt kim loại song chỉ có 13 thợ hàn, chủ cơ sở được trang bị kỹ năng PCCC.

Thượng tá Cao Văn Sâm, Phó trưởng Công an huyện cho hay, sau vụ cháy xảy ra tại xã Hợp Thịnh, Công an huyện đã rà soát, lập danh sách và tổ chức tập huấn kỹ năng PCCC và CNCH cho chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, thợ hàn cắt trên toàn địa bàn. Theo thống kê của lực lượng chức năng, toàn tỉnh hiện có 486.670 hộ gia đình, trong đó có hơn 32.600 hộ có nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh… Tuy nhiên số hộ trang bị phương tiện, kiến thức về PCCC và CNCH mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ dù nguy cơ cháy nổ luôn cận kề.

Nhiều người chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC, thiếu kiến thức, kỹ năng thoát nạn; không trang bị hoặc có trang bị nhưng chưa đầy đủ. Một số hộ vẫn lắp đặt “chuồng cọp” phòng ngừa kẻ gian trộm cắp, dù có mở cửa bản lề nhưng phần nào vẫn gây cản trở điều kiện thoát nạn. Riêng các nhà vừa để ở vừa kết hợp sản xuất kinh doanh có diện tích nhỏ, hàng hóa chưa được sắp xếp riêng biệt nên khó bảo đảm điều kiện an toàn PCCC.

Thượng tá Nguyễn Văn Viện, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo: “Cháy nổ có thể xảy ra ở bất cứ đâu có hoạt động sinh sống của con người. Bởi vậy để phòng ngừa cháy nổ, mỗi người dân, gia đình cần tự quản lý chặt chẽ nguồn nhiệt, nguồn lửa; thường xuyên rà soát, gia cố hệ thống điện của gia đình. Thiết kế, lắp đặt bảo đảm đủ công suất cấp cho các thiết bị sử dụng, có thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ (cầu dao, cầu chì, aptomat...) cho hệ thống điện của gia đình.

Đầu tư lắp đặt các thiết bị báo cháy, phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập lửa từ khi mới phát sinh; chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn”. Chỉ cần vài từ khóa, vô vàn kiến thức về PCCC và CNCH đã sẵn có trên các phương tiện thông tin đại chúng, ai cũng có thể đọc, xem, nghe và áp dụng. Thiết nghĩ để bảo đảm an toàn, tự cứu lấy mình và người thân, mỗi chúng ta có thể tự tìm hiểu, học các kiến thức PCCC và CNCH, tự trang bị phương tiện chữa cháy và cứu nạn, “đừng để mất bò mới lo làm chuồng”.

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/412930/tu-vu-chay-lam-hai-nguoi-tu-vong-o-lang-giang-ba-hoa-con-rinh-rap.html