Từ vụ bé 2 tuổi bị bắt cóc, sát hại: Cần chuẩn hóa thị trường bảo mẫu

Trước nhiều sự việc đau lòng liên quan đến các bảo mẫu thời gian gần đây, PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đã đến lúc cần chuẩn hóa lại thị trường bảo mẫu để tránh hậu quả đáng tiếc trong tương lai.

Ảnh minh họa: Trẻ em cần được bảo vệ trước những nguy cơ lớn hiện nay. (Ảnh: Thành Đạt)

Ngày 21/9, cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra, truy bắt nghi phạm đã bắt cóc, sát hại bé gái 2 tuổi tại Gia Lâm, Hà Nội. Theo thông tin ban đầu, nghi phạm được xác định là bảo mẫu của nạn nhân.

Đáng chú ý, đây không phải là vụ việc đau lòng đầu tiên liên quan đến những người trông trẻ. Về vấn đề này, PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đã đến lúc cần chuẩn hóa lại thị trường bảo mẫu để tránh hậu quả đáng tiếc trong tương lai.

Liên tiếp vụ việc đau lòng liên quan đến bảo mẫu

Trước đó, như Báo Nhân Dân đã đưa tin, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết đang phối hợp các đơn vị chức năng điều tra vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, xảy ra ngày 19/9 tại một khu đô thị trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Theo đó, ngày 19/9, Công an tỉnh Hưng Yên nhận được đề nghị của Công an thành phố Hà Nội về việc phối hợp xác minh, truy bắt nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, trú tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).

Trang là bảo mẫu, giúp việc, đồng thời cũng là nghi phạm bắt cóc cháu N.H.T. (2 tuổi, ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) để đòi tiền chuộc. Công an Hưng Yên đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, tổ chức áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, truy bắt nghi phạm.

Hình ảnh được chia sẻ trên mạng được cho là đối tượng bắt cóc trẻ em. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên đến khoảng 11 giờ 30 phút ngày 20/9, Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện thi thể cháu T. tại ao thả cá thuộc trang trại của gia đình ông N.X.T. ở cánh đồng thôn Nhạn Tháp, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Trước đó, nhiều vụ việc liên quan đến bạo hành trẻ em do các bảo mẫu và người giúp việc thực hiện cũng đã xảy ra và gây chấn động dư luận. Nhiều trường hợp đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề.

Cụ thể, tháng 2/2023, cháu Phạm Tiến Đ. (17 tháng tuổi) đã bị hai bảo mẫu tại cơ sở trông trẻ tại thôn Vạn Điểm, xã Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội) bạo hành dẫn tới tử vong. Theo cáo trạng, mặc dù không có bằng cấp chuyên môn về sư phạm, nhưng hai đối tượng này vẫn đứng ra mở lớp trông giữ trẻ để lấy tiền.

Hai bị cáo trong vụ bạo hành khiến bé Đ. tử vong tại Thường Tín, Hà Nội hồi tháng 2/2023. (Ảnh: TTXVN)

Trong quá trình trông giữ, phát hiện cháu Đ. quấy khóc, hai đối tượng đã dùng tay xách, ném nạn nhân xuống nền nhà, dùng chân đạp vào bụng cùng nhiều hành vi khác. Hậu quả, cháu Đ. sau đó đã bị tử vong do suy tuần hoàn hô hấp không hồi phục bởi chấn thương sọ não nặng.

Tiếp đó, tới tháng 5/2023, dư luận lại tiếp tục xôn xao khi cháu bé 1 tháng tuổi tại Linh Đàm bị nữ bảo mẫu sinh năm 1996 bạo hành dã man. Đối tượng ngay sau đó đã bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 1/2023, một bé trai 6 tháng tuổi tại quận Bình Tân cũng đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng tổn thương não nặng. Cơ quan chức năng sau đó xác định, bé đã bị đối tượng Võ Thị Mỹ Linh (30 tuổi)-là bảo mẫu nhận trông giữ bạo hành.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Tân đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân quận Bình Tân phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Linh (lệnh đã được viện kiểm sát phê chuẩn). Đáng chú ý, tới tháng 8/2023, bé trai 6 tháng tuổi trên đã qua đời sau hơn 7 tháng được điều trị, chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện.

Cần chuẩn hóa thị trường bảo mẫu

Trước vụ việc không ít trẻ bị chính bảo mẫu – người mà hằng ngày kề cận chăm sóc gây nguy hại đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ… PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng cha mẹ nên có những kỹ năng khi tìm người chăm sóc con.

Chuyên gia nhận định, vụ việc vừa xảy ra tại Gia Lâm, Hà Nội là rất thương tâm khi cháu bé bị bắt cóc rồi sát hại khi còn rất nhỏ. Tính chất vụ án càng trở nên nghiêm trọng hơn khi đối tượng gây ra lại là bảo mẫu, người hằng ngày vẫn gần gũi với bé.

Qua sự việc đau lòng này, PGS, TS Trần Thành Nam cho rằng, để bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ, đầu tiên phải xác định tiêu chuẩn cá nhân của gia đình với bảo mẫu, có thể bao gồm kinh nghiệm, trình độ học vấn, khả năng chăm sóc trẻ, và các yếu tố về sức khỏe và an ninh.

PGS, TS Trần Thanh Nam cho rằng đã đến lúc cần chuẩn hóa thị trường bảo mẫu để tránh những sự cố đau lòng như vừa qua.

“Thứ hai là cần tìm hiểu ứng viên, thậm chí quan tâm đến lý lịch chung, lý lịch tư pháp xem có những vấn đề nào trong lịch sử liên quan đến bạo lực với trẻ hay không. Cha mẹ cần có những buổi tiếp cận phỏng vấn trực tiếp để xem quan điểm, phương pháp, tình yêu thương và quan tâm tới trẻ, kiến thức về an toàn và tư duy giải quyết các vấn đề nguy cơ. Bên cạnh đó, cũng phải đặc biệt quan tâm đến lịch sử sức khỏe tâm thần của bảo mẫu”.

Chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên: Phụ huynh phải rà soát các điều khoản hợp đồng để bảo đảm có thể chấm dứt hợp đồng với bảo mẫu và tìm một người thay thế an toàn cho con bạn khi có bất cứ một mối nguy nào hiện hữu. Cha mẹ cũng cần thường xuyên nói chuyện, định kỳ kiểm tra bảo mẫu, xây dựng một hệ thống liên lạc và các nguồn để kiểm tra chéo thông tin liên quan đến mọi vấn đề lo ngại về việc chăm sóc trẻ.

“Tôi cho rằng cần chuẩn hóa thị trường bảo mẫu. Phải có các chương trình nâng cao năng lực cho họ, có chứng chỉ bảo mẫu mới được hành nghề. Các trung tâm cung cấp giới thiệu bảo mẫu phải chịu trách nhiệm về nhân sự, những người làm nghề bảo mẫu nhất định phải được đánh giá về tâm lý nhân cách để bảo đảm không có những người có nhân cách chống đối xã hội hoặc đang trong trạng thái bất ổn về mặt tinh thần được tiếp cận với trẻ”, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tu-vu-be-2-tuoi-bi-bat-coc-sat-hai-can-chuan-hoa-thi-truong-bao-mau-post773587.html