Từ vụ bắt cóc trẻ em ở Hà Nội: Mỗi khu dân cư cần tạo một không gian an toàn cho trẻ

Vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi để tống tiền 15 tỉ đồng tại Hà Nội khiến phụ huynh có con nhỏ không khỏi bất an. Sau sự việc bắt cóc nguy hiểm này, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ an toàn cho con?

Cần tạo không gian vui chơi an toàn cho trẻ

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia Tâm lý học, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), với vụ bé trai 7 tuổi ở quận Long Biên bị bắt cóc vừa rồi có một phần yếu tố là lỗi từ người lớn.

PGS.TS Trần Thành Nam nêu quan điểm: "Chúng ta nên dạy những đứa trẻ biết chơi ở một không gian có nhiều người bạn, một không gian an toàn, thay vì chơi một mình ở không gian vắng vẻ. Trong khu phố thường phải có những khu vực cho trẻ nhỏ vui chơi - là nơi có người lớn để mắt đến, đó mới là khu vực để cho con chơi. Nhưng chúng ta lại không có được những điều kiện đó, nói một cách rộng hơn thì hiện tại có rất nhiều không gian dành cho trẻ đang được sử dụng cho các mục đích khác".

Để phòng chống, bảo vệ trẻ khỏi những mối nguy, theo PGS.TS Trần Thành Nam, người lớn cần tạo ra cho đứa trẻ những không gian vui chơi, thực hành với bạn bè an toàn ngoài giờ học, từ đó giúp con thực hiện, thực hành kỹ năng đã được học tập trên trường. "Trẻ nhỏ phải có không gian để vui chơi. Bố mẹ không thể vì tất cả nỗi lo này mà lại nhốt con ở trong nhà một mình được, sẽ khiến con càng đuối về mặt kỹ năng".

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, mỗi khu dân cư cần tạo ra một không gian an toàn, có được sự giám sát của các thành viên ở cộng đồng để đảm bảo an toàn cho trẻ. Trong không gian này, trẻ nhỏ được chơi đùa với nhau để qua đó cũng thực hành các kỹ năng xã hội, như nhận diện tình huống nguy hiểm và cách thức để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Đối với các nhà trường, ngoài chương trình giáo dục bắt buộc chính khóa cần có thêm những chương trình giáo dục ngoài giờ. Ở đó, tùy vào mỗi cấp mà chúng ta sẽ hướng dẫn trẻ những vấn đề liên quan đến sự an toàn của trẻ mà đặc trưng cho từng lứa tuổi. "Ở lứa tuổi mầm non và tiểu học có thể hướng dẫn trẻ cách bảo vệ bản thân khỏi xâm hại tình dục và bắt cóc; cấp THCS là các vấn đề liên quan đến tình bạn, tình yêu, tình dục rồi bạo lực học đường; hay cấp THPT lại có những vấn đề về các mối nguy khác. Tùy mỗi cấp mà cần có nhiều hoạt động giúp cho các con được rèn kỹ năng an toàn theo đúng sự phát triển lứa tuổi".

Bên cạnh đó, về phía gia đình, các bậc phụ huynh phải xác định có trách nhiệm đối với sự an toàn của con. "Chúng ta không chỉ cung cấp cho trẻ kiến thức về kỹ năng ứng phó, mà còn phải cung cấp được cả môi trường an toàn và sự giám sát phù hợp với các con".

Hình ảnh bé trai 7 tuổi bị bắt cóc do camera ghi lại. Ảnh chụp màn hình

Dạy trẻ cách phòng ngừa thế nào?

Theo Tiến sĩ tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu, thủ đoạn bắt cóc trẻ em hiện nay rất đa dạng. Bọn tội phạm có thể sử dụng những "chiêu thức" như: phát hiện trẻ chơi một mình ngoài đường, đi cùng bố mẹ ra nơi công cộng nhưng ở vị trí cách xa người lớn, đối tượng tìm cách tiếp cận, bắt quen rồi dùng những thứ hấp dẫn trẻ nhỏ như bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi để câu nhử, dụ dỗ trẻ em đi theo chúng.

Để phòng ngừa tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, Thượng tá Đào Trung Hiếu chỉ ra 9 cách giúp cha mẹ hướng dẫn con em mình như sau:

- Nói với trẻ về nạn bắt cóc trẻ em và hậu quả của nó một cách dễ hiểu nhất. Tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình, cẩn thận trong sinh hoạt, đi lại, giao tiếp.

- Dạy cho trẻ biết "những người lạ có thể tin tưởng", gồm: thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường, nhân viên cửa hàng (đặc điểm chung là họ thường mặc quần áo đồng phục - cần giới thiệu với trẻ về những loại đồng phục phổ biến), hoặc những bà mẹ có mang theo con nhỏ trên đường.

- Dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này, chỉ nói với những người "những người lạ có thể tin tưởng".

- Dạy trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ. Dạy trẻ tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì mà người lạ đưa cho, đề phòng những món quà, bánh, kẹo, nước ngọt… đó có tẩm thuốc mê, trẻ ngửi hoặc ăn vào sẽ bị trúng độc.

- Dạy trẻ kỹ năng ứng xử khi bị người lạ kéo, dắt, lôi đi. Cần huấn luyện cho bé biết kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh, có thể hô: "bắt cóc trẻ con, cứu, cứu cháu với".

Dạy trẻ tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì mà người lạ đưa cho, đề phòng những món quà, bánh, kẹo, nước ngọt… đó có tẩm thuốc mê, trẻ ngửi hoặc ăn vào sẽ bị trúng độc.

- Nên cho trẻ tham gia tập luyện võ thuật, vừa rèn luyện sức khỏe, nhanh nhẹn, có đủ tự tin để bình tĩnh ứng phó trong các tình huống nguy hiểm. Khi bị bắt kéo đi mà việc la hét không có kết quả, trẻ hãy giả bộ ngoan ngoãn, bất ngờ xỉa tay vào mắt, đá vào hạ bộ, vào cẳng chân của tên bắt cóc rồi bỏ chạy, kêu cứu. Nếu thấy có người, cần hét thật to để gây sự chú ý như: "bắt cóc trẻ con, cứu cháu với" hoặc "các người không phải là bố mẹ tôi".

- Khi trẻ vào độ tuổi tiểu học, THCS, bắt đầu tham gia các hoạt động của trường lớp, cộng đồng, như đi dã ngoại, vệ sinh môi trường khu dân cư, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử…, cần dạy trẻ biết tuân theo các quy định của người phụ trách. Tuyệt đối không tách đoàn, chạy lăng xăng dễ bị lạc, bị bỏ rơi dẫn đến nguy cơ bị bắt cóc.

- Những kẻ bắt cóc thường thích bắt trẻ khi trẻ đi 1 mình và hiếm khi hành động khi trẻ đi với 2-3 người bạn. Dạy trẻ phải ghi chép số điện thoại của bạn bè, người phụ trách, cảnh sát phản ứng nhanh (113), để khi cần có thể liên lạc được.

- Triển khai các biện pháp phòng ngừa là bước đi chủ động bảo vệ trẻ em khỏi nguồn nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ trẻ bị bắt cóc, đánh tráo.

Sau vụ bắt cóc tại Hà Nội vài ngày thì mới đây, một bé gái 8 tuổi ở Quảng Trị cũng vừa bị bắt cóc trong đêm

Sáng 20/8, trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, lãnh đạo UBND xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ bắt cóc trẻ em. "Đối tượng bắt cóc tên Bùi Q. 60 tuổi, trú trên địa bàn huyện Triệu Phong. Tối qua, sau khi đối tượng bị bắt giữ, cháu bé đã được cho về nhà. Hiện cơ quan công an vẫn đang làm rõ vụ việc".

Thông tin ban đầu, khoảng 20h ngày 19/8, cháu T.T.A. (8 tuổi, trú tại thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong) đang chơi tại khu vực vỉa hè đường Quốc lộ 1A (đoạn trước cổng làng Hà Xá). Lúc này đối tượng đi xe máy tới tiếp cận cháu bé rồi chở cháu bé đi dọc theo tuyến Quốc lộ 1A ra TP. Đông Hà, chạy lên đường Quốc lộ 9.

Sau khi phát hiện sự việc, người thân cháu bé truy đuổi và trình báo lực lượng công an. Đối tượng bắt cóc bị bắt giữ tại tuyến đường trên địa bàn xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ cho biết, hiện Công an huyện đang phối hợp với Công an huyện Triệu Phong điều tra vụ việc.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-vu-bat-coc-tre-em-o-ha-noi-moi-khu-dan-cu-can-tao-mot-khong-gian-an-toan-cho-tre-169230818080555945.htm