Từ vụ án Việt Á và chuyến bay giải cứu: Sự 'mỹ miều' của tội ác

Ký ức những ngày tháng đau thương mà đồng bào cả nước phải gánh chịu trong đại dịch Covid-19 như hiển hiện trước mắt, chồng lên những phát biểu, lời khai, số tiền tỷ các quan chức chia chác với nhau trong cả hai vụ án kit test và chuyến bay giải cứu thành một 'kính vạn hoa': chống tham nhũng, pháp luật, thể chế, đến sự thống khổ, lương tri, lòng tham và cái ác...

Ngày 18.8 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố 38 bị can trong vụ án Công ty Việt Á về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

“Văn hóa bình thường” nhức nhối

Trước đó, phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” đã kết thúc phiên sơ thẩm vào chiều 28.7 sau 12 ngày thẩm vấn và tranh luận, 6 ngày nghị án. Trong số 54 bị cáo có 28 cựu quan chức, còn lại phần lớn là lãnh đạo các doanh nghiệp có liên quan. Hầu hết cựu quan chức trong nhóm nhận hối lộ đều được đề nghị mức án dưới khung hình phạt, duy nhất cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị đề nghị án kịch khung - tử hình.

Dư luận có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh mức án mà các bị cáo nhận lãnh. Đồng thời những diễn biến, lời khai, lời tự bào chữa của các bị cáo tại phiên tòa lại bộc lộ những điều đau đớn: lòng tham của các bị cáo đã chạm đến cái ác trước cơn hoạn nạn của đồng bào. Và, trong nhận thức của các bị cáo, hành vi phạm pháp đó phần nào rất… hồn nhiên!

PGS-TS. Đinh Phương Duy.

Trong những ngày phiên tòa “chuyến bay giải cứu” đi vào phần nghị án, PGS-TS. Đinh Phương Duy (nguyên Phó giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM) chép miệng chua chát: “Đó là “chiến dịch làm tiền” nấp dưới chiến dịch đưa người Việt Nam đang khốn đốn trong đại dịch ở những nơi xa trở về. Không ít kẻ quyền cao chức trọng đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn như thế để kiếm tiền trên nỗi khổ của đồng bào”.

Trước hết, theo ông Duy, diễn biến phiên tòa có lúc mang tính chất khôi hài. Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa mà cứ như thể vẫn đang là quan chức. Những phát ngôn “miệng nhà quan có gang có thép” là một minh chứng. Qua hình thức tự bào chữa, những lời lẽ “hùng hồn” thể hiện cái quyền lực bấy lâu nay làm nên họ. “Người ta thấy buồn cười khi đã là kẻ đang bị xét xử mà vẫn lên giọng dạy đời, nói đạo đức, lẩy Kiều, vẫn nhận rằng tôi là người tử tế… Sao lại có loại cán bộ trơ trẽn đến thế”, ông Duy cảm thán.

Cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) Trần Văn Dự bảo vợ chuẩn bị 3 tỷ đồng để trả lại cho Nhà nước và coi tù tội là “đi nghỉ dưỡng một thời gian”. Ông Duy cười buồn: “Có lẽ ông này tin rằng vào trong tù cũng sẽ được đối xử như khi đương chức chăng? Đen cho nên mới dính. Nếu không xui xẻo thì vẫn còn đường đường là một phó cục trưởng. Về mặt tâm lý, nhận thức như vị cán bộ cao cấp này đã bộc lộ bản chất bên trong con người với chuỗi dài sai phạm, nên không cần xét đến chuyện tạo cơ hội để sửa sai gì nữa cả”.

Điều này dẫn đến vấn đề thứ hai, luật pháp phải nghiêm minh, đúng người đúng tội. Theo ông Duy, không nên căn cứ vào bằng khen, giấy khen hoặc thành tích để giảm nhẹ hình phạt bởi với bản chất như vậy rõ ràng thành tích đó có khi chỉ là ảo, đồng thời, làm vậy là thiếu tôn trọng pháp luật.

Người từng làm công tác đào tạo cán bộ nêu vấn đề thứ ba liên quan đến công tác nhân sự lâu nay. Không chỉ phiên tòa này, gần đây, vài ba tuần lại có cán bộ cao cấp từ giám đốc sở cho đến lãnh đạo cấp tỉnh bị kỷ luật cảnh cáo, khiển trách, khai trừ Đảng, khởi tố. “Vậy quá trình chúng ta thẩm định, quy hoạch, xem xét cán bộ để giới thiệu, ứng cử hoặc bổ nhiệm vào các chức vụ có vấn đề. Tại sao bao nhiêu “con mắt”, bao nhiêu “thử thách” mà không phát hiện ra những con người như thế? Công tác nhân sự chặt chẽ chưa?

Chúng ta phải có cơ chế để phát hiện ra bản chất thật của những người mà khi được bổ nhiệm đều mang vẻ mặt rất lý tưởng, kiên định lập trường, đạo mạo nhưng rốt cục thì..."

PGS-TS. Đinh Phương Duy (nguyên Phó giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM)

Theo tôi, cần phải xem lại quy trình này. Chúng ta phải có cơ chế để phát hiện ra bản chất thật của những người mà khi được bổ nhiệm đều mang vẻ mặt rất lý tưởng, kiên định lập trường, đạo mạo nhưng rốt cục thì... Chúng ta cũng đừng nói với mọi người là sợ mất cán bộ. Mất thì mất thôi, không làm được thì cho nghỉ, hà cớ gì phải nương tay để duy trì lũ sâu mọt ấy trong bộ máy công quyền như trong vụ án “chuyến bay giải cứu”? Việt Nam không thiếu gì người có năng lực nhưng hiện tại người ta không thể “đi vào” guồng máy đó thôi”, ông Duy thẳng thắn.

Thứ tư, ông Duy đặt vấn đề tại sao đạo đức của cán bộ, đặc biệt cán bộ cấp cao, dù đã được học lý luận chính trị cao cấp, được trui rèn trong các hoạt động của Đảng, nhưng lại ra như thế? Theo ông, các học viện chính trị, trường đào tạo cán bộ cần đổi mới chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho cán bộ nhận thức sâu sắc về các giá trị đạo đức. Cần bớt hô khẩu hiệu, bớt những việc chỉ có hình thức bên ngoài mà phải đi vào bản chất bên trong là giá trị con người. Làm cán bộ cần có những trải nghiệm thực tiễn, đi xuống địa bàn chứng kiến cảnh khổ của dân, những mảnh đời bất hạnh, thấy được sự lầm than khi thiên tai lũ lụt, dân đói ra làm sao, bị thu hồi đất thế nào...

Người hồi hương trên một chuyến bay giải cứu tháng 8.2020. Ảnh: Ngọc Thành

Trên hết, điều khiến giới quan sát sợ hãi nhất là chuyện hối lộ, lót tay, bôi trơn đã trở thành “văn hóa bình thường” vô cùng nhức nhối. Nếu không giải quyết triệt để vấn nạn này, Việt Nam rất khó phát triển và sẽ tiếp tục có những phiên tòa tương tự. “Xã hội đang rất bức xúc chuyện cái gì cũng phải có tiền thì mới làm được. Có những bộ phận người dân chấp nhận và thực hành đưa hối lộ như một thói quen. Qua vụ “chuyến bay giải cứu” người dân “bó tay” rồi. Các cấp lãnh đạo cần phải nhìn thẳng vào câu chuyện đó, có cái gì sâu xa ở bên trong không, tại sao lại như vậy?”, ông Duy bày tỏ.

Phải gọi đích danh là tội ác!

Ông Đặng Văn Khoa.

Ngồi bên dòng Rạch Môn (TP. Thủ Đức), ông Đặng Văn Khoa (Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) rùng mình nhớ lại những kỷ niệm đau thương trong đại dịch Covid-19.

Trong thời gian dịch bệnh đau thương, mất mát, khổ ải, hàng chục nghìn người chết, khó khăn, cùng cực cả trong và ngoài nước, thì lại có những nhóm người trục lợi trên xương máu đồng bào như vụ “chuyến bay giải cứu”, vụ “kit test Việt Á”. Đa số lại là cán bộ quản lý cấp cao và cấp trung trong nước, ở các sứ quán, ở cấp bộ, cấp cục, vụ và các cơ quan lớn nhỏ khác.

“Theo tôi những suy nghĩ, quyết định, hành động, lời nói của các nhóm này không thuần túy chỉ là những sai phạm, không phải chỉ là việc làm trái, cũng không phải chỉ là vấn đề lạm dụng chức quyền, nhận hối lộ hay lạm dụng quyền hạn, không phải chỉ có vậy. Trong đau thương, tang tóc vì dịch bệnh thì những hành động như vậy, hay trong phiên tòa vừa qua, những suy nghĩ như vậy, những lời nói của bị cáo như vậy thì nói bằng tiếng lòng dân phải chỉ đích danh đó là tội ác! Nó không còn chỉ là sai phạm bị buộc tội về mặt pháp lý nữa”, ông Khoa nói.

Và không phải tội ác bình thường, theo ông Khoa. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của hàng trăm ngàn người đau khổ, bi thương ở nước ngoài thời điểm dịch bệnh đó. Có những bậc cha mẹ qua thăm con du học rồi kẹt lại ở nước ngoài. Công việc bộn bề bên nhà không ai lo. Vợ chồng con cái phải chui rúc trong một căn phòng trọ bé chút tẹo mà con thuê đi học. Bao nhiêu tháng trời không có thu nhập, vất vả, đói khát ở xứ người. Trong hoàn cảnh đó mới thấy rằng những kẻ lợi dụng “thế kẹt” của đồng bào để ăn tiền thì không phải tội ác bình thường mà đó là tội ác “trời không dung, đất không tha”, người người đều căm hận.

Ông Khoa nhận định hành động, lời nói trâng tráo của những bị cáo bộc lộ một cách kinh hãi không ngờ trong phiên tòa “chuyến bay giải cứu”, hay tới đây là vụ “kit test Việt Á”, chính là những nhát búa tạ đánh vào niềm tin của người dân đối với hệ thống công quyền. Toàn những gương mặt ở những vị trí quá cao nhưng lại hình thành một bầy đàn có tổ chức, có hệ thống, có mối liên quan tung hứng. “Chuyến bay giải cứu”, “kit test Việt Á” là những kịch bản hoàn hảo của những tổ chức “kền kền” chứ không một cá nhân nào làm được. “Vâng, sau những vụ đại án tham nhũng, hối lộ, niềm tin của người dân vào chế độ đã bị giáng những đòn búa tạ nặng nề”, ông Khoa nhắc lại.

Trong đau thương, tang tóc vì dịch bệnh thì những hành động như vậy, hay trong phiên tòa vừa qua, những suy nghĩ như vậy, những lời nói của bị cáo như vậy thì nói bằng tiếng lòng dân phải chỉ đích danh đó là tội ác! Nó không còn chỉ là sai phạm bị buộc tội về mặt pháp lý nữa”

Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM

Mặt tích cực ở phía Đảng, Nhà nước đã đưa ra ánh sáng, điều tra, xét xử nghiêm minh là tốt. Thế nhưng lòng dân quá ngao ngán. Mới đây thôi, những bị cáo, bị can còn là những con người đạo mạo đi “rao giảng” đạo đức cho người khác. Nhưng bất ngờ, những chiếc mặt nạ đã rớt xuống, lộ ra các bộ mặt thật của tội ác trong cơn đại dịch.

“Người dân bàng hoàng trước những phát biểu mà chúng ta không cần trích dẫn thêm. Xui thì bị, đen thì chịu; lãnh sự hết lòng lo cho dân… Tôi thấy điều mà người dân đặc biệt thấm thía là nhiều bị cáo coi đây là chuyện bình thường. Họ không nghĩ mình làm sai. Chuyện nhận tiền, quà cáp coi như là một cách “cảm ơn”. Như thế, hóa ra cái điều mà nhân dân coi là tội ác trời không dung đất không tha thì hình như lại là điều bình thường trong bộ máy? Có phải việc “cám ơn” có giá hàng tỷ đồng đã trở thành thuộc tính của guồng máy này? Khi mà những con người quyền thế trả lời thản nhiên về tội ác của mình, phải chăng cũng là lúc lòng dân tiếp tục bị giáng những đòn chí mạng?”, ông Khoa nêu vấn đề vì nhiều người dân đã chất vấn ông như thế.

Cuộc chiến chống tham nhũng mạnh mẽ của Tổng Bí thư làm người dân rất nức lòng. Cuộc chiến ấy cũng đã diễn ra nhiều năm rồi. Bao nhiêu phiên tòa, hình phạt rất dữ dội, nhưng ông Khoa có cảm giác một bộ phận cán bộ, công chức không hề nao núng, hễ có cơ hội là “chớp” ngay! Có cơ hội là liên kết với nhau thành hệ thống, sẵn sàng thực hiện những mưu ma chước quỷ, bất chấp ngọn lửa “đốt lò” của Đảng vẫn rừng rực. Vậy nhân dân lại tiếp tục đặt câu hỏi: phải chăng tham nhũng đã ngấm sâu trong máu thịt của một bộ phận quan chức? Lỗ hổng lớn nhất trong xã hội Việt Nam hôm nay là việc hình thành “thói quen” quan chức sẵn sàng “ăn”, còn người dân, doanh nghiệp sẵn sàng “chạy”. Vị nguyên đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng cái đáng lo nhất là văn hóa “ăn-chạy” trở thành lối ứng xử “bình thường” trong xã hội hiện tại.

Hình ảnh quen thuộc trong các đợt dịch Covid-19 với chiến dịch “xét nghiệm thần tốc”. Ảnh: CTV

Một vấn đề người dân quan tâm trong vụ án là số tiền tham nhũng rất lớn ấy chung quy cũng là tiền từ dân. Về mặt dân sự, ngân sách thu lại. Lại có người hỏi ông Khoa rằng: “Tôi là lao động, tôi mãn hạn tù ở Malaysia muốn về nước phải đóng bao nhiêu là tiền để cho người ta hối lộ quan chức. Giờ Nhà nước thu hồi thì có cách nào giải quyết trả lại cho dân không?”.
Không biết trong vụ án này Nhà nước có bị thất thoát tiền ngân sách hay không nhưng rõ ràng tiền hối lộ là tiền moi móc từ xương tủy, mồ hôi, nước mắt của bao nhiêu người dân. Theo ông Khoa, Nhà nước nên cân nhắc, giải quyết điều này thấu đáo cho dân.

Không thể khắc phục vốn xã hội bị đánh mất

Việc “trả lại tiền cho Nhà nước” sẽ khó hoặc không thể khắc phục các thiệt hại về mặt vốn xã hội. “Thời điểm ấy, Cục Lãnh sự không bảo hộ công dân mà hành dân”, bị cáo Đào Minh Vương (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vijasun) trong lời khai đã bộc lộ một thực tế quá phũ phàng.

Hết “chuyến bay giải cứu”, đến “kit test Việt Á” và chưa dứt những đại án tham nhũng khác, hẳn sẽ còn có rất nhiều cú “sốc”, “đòn búa tạ” giáng vào nhân dân qua hành vi, tư duy của các bị can, bị cáo từng nắm giữ vị trí cấp cao. “Không chỉ buộc tội oan mà kết luận điều tra và cáo trạng còn bỏ lọt hành vi phạm tội của nhiều người”, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cục An ninh điều tra Bộ Công an) lên tiếng “tố cáo” trong phiên xử những ngày qua.

Xã hội đang rất bức xúc chuyện cái gì cũng phải có tiền thì mới làm được. Có những bộ phận người dân chấp nhận và thực hành đưa hối lộ như một thói quen”

PGS-TS. Đinh Phương Duy, nguyên phó giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM

Giữa những luồng tin tức xám xịt, cách mà người dân bày tỏ về các đại án tham nhũng đang là một bức xạ ngầm “quay lưng với hiện tình quốc gia”, hay nói như ông Khoa là niềm tin bị đánh sập. Các vốn xã hội đó mới là những tổn thất lớn lao. Người có trách nhiệm quản trị “tiền đồ”, “hậu cảnh” của đất nước cần hiểu thấu một đúc kết của Sigmund Freud, ông tổ của ngành phân tâm học: “Những cảm xúc không được bộc lộ sẽ không bao giờ chết. Chúng bị chôn sống và sau này sẽ xuất hiện trong những cách xấu xí hơn”.

Nhưng hy vọng đó không phải là huyễn hoặc vì bế tắc. Cách đây gần 3 năm, ông Dương Trung Quốc - khi ấy đang là đại biểu Quốc hội - đã dứt ruột gan hiến kế chống tham nhũng giữa nghị trường. “Chống tham nhũng ở Việt Nam là dễ nhất thế giới. Bởi vì sao, muốn tham nhũng phải có quyền lực… Chúng ta gần như tuyệt đối quyền lực thuộc về Đảng, không phải đảng viên thì đến phó phòng cũng không có. Như thế có nghĩa là gì, trong thực tế ở Việt Nam tham nhũng đối với người dân là miễn dịch… Như thế, cũng giống như đấu tranh với bệnh dịch, ta khoanh được vùng khu trú là về căn bản chúng ta đã giải quyết được (tham nhũng) rồi. Điều đó muốn nói quyết tâm của Đảng là điều quan trọng nhất”, ông Quốc phát biểu.

Luật sư Nguyễn Hồ (Đoàn Luật sư TP.HCM):Trả lại tài sản tham nhũng làm giảm tính cưỡng cầu của hình phạt và không bảo đảm tính răn đe

Phiên tòa “chuyến bay giải cứu” cho thấy một số lỗ hổng về nhân sự cán bộ, lãnh đạo. Cụ thể, ta thấy thiếu tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp; thích lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân; có tư tưởng hám danh, vụ lợi; thiếu trách nhiệm với công việc. Nguyên nhân gốc rễ của các lỗ hổng này có thể do một số yếu tố, như thể chế chưa hoàn thiện; công tác quản lý cán bộ, công chức chưa chặt chẽ; lương, thưởng chưa tương xứng với công sức lao động; môi trường làm việc chưa thực sự công bằng, minh bạch.

Vụ án cũng cho thấy một số vấn đề xã hội nhức nhối tại Việt Nam hiện nay. Cụ thể là tham nhũng, lợi ích nhóm, bất công xã hội và thiếu công bằng trong việc thực thi pháp luật. Tôi quan sát thấy cảm xúc của cộng đồng rất bất bình về vụ án. Nhiều người cho rằng các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, gây bức xúc dư luận. Họ cũng cho rằng cần phải xử lý nghiêm minh các bị cáo để răn đe và ngăn chặn những hành vi tương tự tái diễn.

Về mặt pháp lý, quy định “người phạm tội tham nhũng tài sản nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham nhũng, thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt” tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đang là một chủ đề gây tranh cãi và đòi hỏi sự xem xét kỹ lưỡng để đánh giá các hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.

Thứ nhất là điều kiện cho việc giảm án phạt. Quy định này có thể gây hiểu lầm cho người dân rằng việc trả lại một phần tài sản tham nhũng có thể giúp họ tránh án phạt nặng hơn. Điều này có thể thách thức nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật.

Thứ hai, chính sách này có khả năng bị lạm dụng bởi người phạm tội để tránh trách nhiệm hình phạt và tiếp tục thực hiện các hoạt động tham nhũng khác.

Thứ ba, việc trả lại tài sản tham nhũng có thể làm giảm tính cưỡng cầu của hình phạt và không bảo đảm tính cảnh báo đối với người có ý định tham nhũng tài sản.

Thứ tư, quy định như vậy có thể không đủ mạnh để ngăn chặn tội phạm tham nhũng. Vì những người có ý định tham nhũng tài sản có thể tính toán trước rằng họ vẫn có thể tránh được hình phạt nặng nếu trả lại một phần tài sản.

thứ năm, Nhà nước mất cơ hội thu hồi tài sản. Bởi việc trả lại tài sản không đảm bảo rằng tài sản sẽ được hoàn trả đầy đủ và công bằng cho người bị thiệt hại. Cơ hội thu hồi tài sản bị tham nhũng có thể bị giảm bớt.

Để giải quyết các vấn nạn trên, theo tôi, phải xem xét kỹ lưỡng và cân nhắc các biện pháp bổ sung để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong xử lý tội phạm tham nhũng và tội phạm liên quan đến chức vụ.

Quốc Ngọc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tu-vu-an-viet-a-va-chuyen-bay-giai-cuu-su-my-mieu-cua-toi-ac-40752.html