Tử vong sau gây mê tại Trí Đức: Yêu cầu báo cáo chất lượng, nguồn gốc thuốc

'Sở Y tế đã thành lập tổ công tác đặc biệt, phối hợp với cơ quan điều tra và các đơn vị liên quan khẩn trương làm rõ nguyên nhân tử vong', bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội trao đổi với phóng viên sau sự cố xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Hà đánh giá, hai bệnh nhân tử vong sau khi được gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức là sự cố y khoa nghiêm trọng, hy hữu, các bệnh nhân có biểu hiện sốc phản vệ gần như cùng lúc (chênh nhau chỉ khoảng 15 - 20 phút) khi được gây mê trong cùng khoảng thời gian đầu giờ sáng tại hai phòng mổ, thực hiện bởi hai kíp gây mê - phẫu thuật.

Theo kết luận ban đầu của Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, hai bệnh nhân bị sốc phản vệ. Sốc phản vệ là tai biến y khoa rất nghiêm trọng, thường có tiên lượng rất xấu, liên quan đến cơ địa, phản ứng của cơ thể với các thành phần của thuốc. Riêng với hai bệnh nhân bị tử vong, cơ quan điều tra và cơ quan chức năng sẽ phải xác định rất cẩn trọng, xác định các yếu tố liên quan gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong.

Bà Nhị Hà nhìn nhận, trước tai biến nghiêm trọng này, bên cạnh rà soát các vấn đề về y khoa, thì chất lượng, nguồn gốc thuốc cũng được khẩn trương làm rõ. Bởi vì bệnh nhân sốc và tử vong sau dùng thuốc và trước phẫu thuật nên chưa thấy các yếu tố tai biến do y khoa (can thiệp phẫu thuật).

Bà Nhị Hà cho hay, Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với 3 nhà cung ứng các thuốc đã được sử dụng cho bệnh nhân bị tử vong, gồm: Công ty Dược liệu T.Ư 2, Công ty cổ phần dược phẩm T.Ư 1 và Công ty Dược phẩm Vĩnh Phúc; đã yêu cầu các đơn vị này rà soát báo cáo về các thuốc cùng lô dùng cho 2 bệnh nhân cung ứng cho các bệnh viện; các phản ứng bất thường liên quan đến thuốc (nếu có), các kết quả kiểm nghiệm chất lượng thuốc…

Phía Bệnh viện đa khoa Trí Đức cũng đã xuất trình các hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc thuốc. Các phòng nghiệp vụ của Sở Y tế Hà Nội đã trực tiếp kiểm tra về điều kiện kho dược bảo quản thuốc tại bệnh viện này. Trước 2 bệnh nhân tử vong nghi sốc phản vệ, các thuốc này cũng đã được sử dụng cho một số bệnh nhân khác và gần đây nhất là sử dụng hôm 24.12 cho bệnh nhân được phẫu thuật, nhưng không ghi nhận phản ứng bất thường.

Theo bà Nhị Hà, Sở Y tế đã báo cáo lên cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và đang chờ ý kiến của cục này về việc có sử dụng hay tạm ngưng sử dụng các thuốc cùng lô đã sử dụng với 2 bệnh nhân đã tử vong; các công tác chuyên môn cần thiết để xác định chất lượng, nguồn gốc các thuốc này.

Báo cáo của bệnh viện Đa khoa Trí Đức cho biết, có 2 nhân viên y tế không có trong danh sách nhân sự báo cáo lên Sở Y tế đã tham gia kíp mổ. Đây là 2 người không trực tiếp thực hiện chuyên môn trên bệnh nhân, là 2 trường hợp có hợp đồng thử việc. “Tuy nhiên, Sở Y tế vẫn yêu cầu bệnh viện này phải rà soát lại toàn bệnh viện về nhân lực, chuyên môn, phân công công việc phải đúng chuyên môn, vị trí việc làm phù hợp chức năng”, Bà Hà nói.

Bà Hà cam kết, qua tai biến đau xót này, Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh cũng như hỗ trợ các bệnh viện về năng lực xử trí, cấp cứu sốc phản vệ; tuân thủ nghiêm ngặt các quy chế chuyên môn. Sẽ thu hồi chứng chỉ hành nghề, chứng nhận đủ điều kiện với gây hậu quả nghiêm trọng do hành nghề không đúng phạm vi chuyên môn được cấp phép.

Liên Châu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/tu-vong-sau-gay-me-tai-tri-duc-yeu-cau-bao-cao-chat-luong-nguon-goc-thuoc-777719.html