Từ vẽ bậy bàn học tới vẽ bậy nơi công cộng

Mới đây, hầm đi bộ phía Tây cầu Rồng, TP. Đà Nẵng được tô điểm thêm bằng hai bức tranh phong cảnh vẽ bằng sơn acrylic lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên chỉ sau một vài ngày trưng bày, hai bức tranh đã bị một vài người thiếu ý thức vẽ bậy. Kể cũng lạ, không hiểu sao người ta lại thích “đánh dấu chủ quyền” để lại dấu tích xấu xí đến vậy, ngẫm ra chẳng khác loài… cẩu là mấy.

Từ vẽ bậy bàn học…

Tôi vẫn nhớ cứ đến dịp cuối học kỳ, cả trường lại nô nức phát động phong trào tổng vệ sinh lớp học. Một nhiệm vụ trong đời học sinh mà ai cũng thấy “thân thương” nhất chính là cầm giấy ráp để mài mặt bàn gỗ nhằm xóa bỏ các “dấu tích” suốt kỳ học vừa qua. Có lẽ khó có nơi đâu mà… “tiện” như bàn học tại Việt Nam, mặt bàn trở thành giấy nháp để tính toán, giấy nháp để vẽ bậy, giấy viết thư để học sinh trò chuyện làm quen.

Trước hết là chuyện học sinh lười, tiện đâu viết đấy. Sau là do các bạn có thói quen thích “đánh dấu chủ quyền”, buồn tay nên viết thêm vài bút tích ra bàn là cách để khẳng định đây là chỗ ngồi của mình.­­

Nhưng một lý do quan trọng nhất hình thành tới thói quen xấu này là sự thiếu trân trọng các tài sản cộng đồng. Với quan điểm “cha chung không ai khóc”, các bạn thường hay vẽ, viết vì đó là bàn của nhà trường, của một tập thể lớp chứ không phải cá nhân ai. Lẽ vì vậy mới có câu hỏi đặt ra: liệu bàn ở nhà có vẽ không hay chỉ đến trường mới vẽ? Và đó sẽ không còn là câu chuyện của kỉ niệm tuổi thơ nữa, nếu cô cậu học trò nghịch ngợm ngày nào mang thói quen xấu này lớn cùng năm tháng.

Vẽ bậy lên bàn – “đặc sản” thuở học trò

Tới vẽ bậy nơi công cộng

Có một câu nói rằng: “Thói xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành bạn thân ở chung nhà và kết thúc là ông chủ khó tính.” Thực sự chẳng có một nghiên cứu nào chứng minh mối liên quan giữa việc vẽ bậy bàn học tới vẽ bậy nơi công cộng. Nhưng tôi tin rằng những bạn đã từng thiếu ý thức, đặt bút nơi công cộng chắc chắn đã từng có thói quen viết vẽ tùy tiện được hình thành từ khi còn nhỏ.

Thứ gì ở công cộng cũng nằm trong “tầm ngắm” của các nhà “họa sĩ đường phố”. Từ những di tích lịch sử, đến những công trình xây dựng, thậm chí là cả trạm biến áp, nhà vệ sinh công cộng,… đều được “tô điểm” bằng vài ba nét chữ nguệch ngoạc trông vô cùng phản cảm. Không biết rằng liệu viết vài câu tỏ tình “Mỹ yêu Sơn”, “Lan yêu Hoàng” có khiến cuộc tình ấy thêm trường tồn, vĩnh cử, không biết rằng liệu lời ao ước được viết bậy “Cầu cho con học giỏi”, “Mong con sẽ thi đỗ” có thấu tận trời xanh mà giúp cô cậu học trò ấy đạt được ước vọng?

Xót nhất là những khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị viết vẽ bậy. Đi du lịch để chiêm ngưỡng cảnh đẹp của đất nước, song đôi khi lại “rước” khó chịu vào người khi toàn phải “ngắm nhìn” những bức tranh “nghệ thuật” của những tay “nghệ sĩ vô danh”. Chưa kể tạo hóa mất hàng trăm nghìn năm kiến thiết và ban tặng cho đất nước món quà thiên nhiên tuyệt đẹp, nay chỉ trong vài phút chốc trở nên nham nhở, nhếch nhác. Chung quy lại, thói quen vẽ viết bậy ấy cũng bắt nguồn từ sự thiếu trân quý những di sản văn hóa, công trình xây dựng, sự thiếu nhận thức về văn hóa nơi công cộng.

Các bạn trẻ “thỏa sức sáng tạo” tại những di tích lịch sử văn hóa

“Vô văn hóa!” – Đó là cụm từ nhiều người sử dụng khi nói về hiện tượng xấu trên. Tuy nhiên, nhà báo Hoàng Minh Trí có suy nghĩ khác: “Đừng vội quy chụp cho những bạn trẻ đó là thiếu văn hóa hay vô ý thức!” Quả thực về bản chất, những người vẽ, viết bậy là “thiếu sót về mặt nhận thức, không phải thiếu văn hóa”. Sự không giáo dục cẩn thận của các bậc phụ huynh, nhà trường là một phần gây nên tình trạng trên. Đôi khi phụ huynh, nhà trường không quan tâm nhiều tới hành vi vẽ, viết bậy của trẻ khi còn nhỏ, thậm chí còn nghĩ đơn giản đó chỉ là hành động nghịch ngợm không đáng nguy. Tôi không quy chụp cứ vẽ bậy lên bàn học thuở nhỏ là lớn lên sẽ vẽ bậy ở những nơi “cấp tiến” hơn nhưng đặt ra vấn đề này để thấy rằng tầm quan trọng của giáo dục trẻ nhỏ ngay ở trên ghế nhà trường.

Cần phải cho trẻ nhận thức rõ về tài sản công cộng và nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ là nghĩa vụ của mỗi công dân. “Tài sản chung” không đồng nghĩa với khái niệm “đồ chung” muốn sử dụng, viết, vẽ, làm hỏng tùy ý. Chỉ khi phân biệt được hai ý niệm trên, trẻ nhỏ mới nhận thức được nhiệm vụ của một cá thể trong một tập thể, cộng đồng lớn. Học cách trân trọng từng bàn ghế, viên phấn của nhà trường là nền tảng làm nên một công dân tốt biết gìn giữ những tảng đá, viên gạch tại mỗi di tích lịch sử, công trình công cộng của đất nước.

Một nghịch lý đã được nêu ở trên: trẻ con viết vẽ bậy trên bàn, cuối học kỳ dùng giấy ráp mài lại bàn ghế để học kỳ sau… vẽ tiếp. Miếng giấy ráp ở đây không được coi như một giải pháp triệt để cho thói quen xấu của học sinh, đó chỉ nhằm giải quyết cho câu chuyện trường đẹp lớp sạch mà thôi. Cha mẹ và thầy cô cần để ý những thói quen, hành động thường nhật của trẻ, trò chuyện thân thiết cùng con về tác hại của việc vẽ, viết bậy và trên hết người lớn phải là tấm gương về ý thức cho lũ trẻ, bởi chỉ hành động mới có trọng lượng hơn lời nói suông.

Để hình thành những nhân cách văn minh, hành xử có văn hóa nơi công cộng đòi hỏi nhiều hơn một mảnh giấy ráp bàn.

Hà Ngân

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-giao-duc/tu-ve-bay-ban-hoc-toi-ve-bay-noi-cong-cong