Tư vấn trực tuyến: Giờ G chọn ngành

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 15.3 đến 17 giờ ngày 16.4, học sinh đang học lớp 12 THPT tại trường nào thì nộp hồ sơ đăng ký dự thi ở trường đó, từ ngày 17.4 đến 23.4 nộp tại các trường tổ chức thi.

Giai đoạn hiện nay là cực kỳ quan trọng đối với học sinh lớp 12 và các bậc phụ huynh. Với rất nhiều thông tin đã thu thập được từ trước đến nay, đây là lúc học sinh và phụ huynh đưa ra một trong những quyết định quan trọng của cuộc đời: Lựa chọn ngành nghề cho tương lai.

Để hỗ trợ quý phụ huynh và các em học sinh, bên cạnh các buổi tư vấn cộng đồng khắp 18 tỉnh thành diễn ra từ hơn một tháng qua, chương trình Tư vấn mùa thi năm 2012 của Báo Thanh Niên còn tổ chức các buổi tư vấn trực tuyến.

Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp THPT 2012

Chiều 23.3, Bộ GD-ĐT đã công bố sáu môn thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Cụ thể:

Đối với học sinh THPT, sẽ thi các môn: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, hóa học, lịch sử, địa lý. Môn thay thế cho các thí sinh không thi môn ngoại ngữ là môn vật lý.

Đối với học sinh hệ GDTX sẽ thi các môn: toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, lịch sử và địa lý.

Buổi đầu tiên sẽ diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 23.3 với chủ đề: Chọn ngành kinh tế - kỹ thuật - công nghệ. Buổi thứ hai lúc 14 giờ ngày 28.3 với chủ đề: Chọn ngành xã hội - sư phạm - y dược - kiến trúc.

Đại diện các trường tham gia gồm:

- Tiến sĩ Trần Thế Hoàng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

- Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH QG TP.HCM)

- Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính Marketing

- Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM

- Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiếu - Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH QG TP.HCM)

- Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

- PGS-TS Hồ Thanh Phong- Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH QG TP.HCM)

- Thạc sĩ Lâm Thành Hiển - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng.

Ngoài ra, tham dự chương trình còn có các em học sinh của Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM.

Bạn đọc quan tâm, ngay từ bây giờ có thể đặt câu hỏi bằng cách điền theo hướng dẫn trong bài.

Các khách mời tham gia chương trình - Ảnh: Khả Hòa

Đúng 14 giờ chương trình bắt đầu. Thay mặt Báo Thanh Niên, anh Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên đã gửi đến các thầy cô những bó hoa tươi thắm, như một lời cám ơn các thầy cô đã cùng đồng hành với chương trình tư vấn mùa thi 2012.

Anh Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên tặng hoa đến các thầy cô - Ảnh: Khả Hòa

Toàn cảnh buổi trực tuyến (P1)

Mở đầu buổi tư vấn trực tuyến Ths Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH GTVT TP.HCM, người có nhiều năm tham gia chương trình tư vấn ở nhiều báo, đã có những lời khuyên về các tiêu chí lựa chọn nghề nghiệp.

Cụ thể cần phải tìm hiểu ngành nghề trên các kênh thông tin (các thông báo tuyển dụng; các cơ sở đào tạo mời đến tham quan trực tiếp đơn vị sản xuất)... Từ đó giúp các em có cái nhìn chung về các ngành nghề.

Sau đó, bản thân mỗi em sẽ đặt cho mình câu hỏi là thích nghề nào? Giúp xác định nhóm ngành nghề yêu thích để có thể chọn học một ngành cụ thể.

Từ đó, các em sẽ căn cứ vào năng lực thực tế và tố chất bản thân. Qua đó giúp các em sàng lọc và lựa chọn thêm một lần nữa để xác định đúng ngành nghề mình chọn.

Ths Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH GTVT TP.HCM đưa ra một số lời khuyên về các tiêu chí lựa chọn nghề nghiệp - Ảnh: Khả Hòa

Nhà báo Thùy Ngân, Phó ban Giáo dục Báo Thanh Niên hỏi thêm: Như vậy, ở độ tuổi 17 - 18 thì các em thường có những sở thích thay đổi. Vậy giữa sở thích, năng lực thực tế và nhu cầu xã hội thì tiêu chí nào quan trọng nhất?

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho rằng dự báo của xã hội thì không thể chính xác hoàn toàn và đó chỉ là một kênh thông tin để chúng ta tham khảo. Do vậy, lời khuyên dành cho các em là nên tham khảo thêm ý kiến của gia đình, cha mẹ và thầy cô để có lựa chọn thích hợp.

Toàn cảnh buổi trực tuyến (P2)

Tiếp lời thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính Marketing chia sẻ: Việc chọn ngành nghề để thi ĐH là mối quan tâm chung của phụ huynh, học sinh. Việc lựa chọn này cũng khiến các em gặp không ít khó khăn.

Chẳng hạn, tôi lấy ví dụ riêng trong khối ngành kinh tế. Có em nọ muốn học quản trị kinh doanh vì em năng động, nhưng bố mẹ em ấy chỉ thích con mình học ngành tài chính ngân hàng thôi. Như vậy là sinh ra mâu thuẫn. Thậm chí có những em đã học năm thứ nhất rồi nhưng thấy ngành nghề không phù hợp và lúc đó các em băn khoăn là có nên thi đại học lại hay không.

Do vậy, để xác định đúng sở thích thì các em nên tham khảo thêm nhiều thông báo của các nơi tuyển dụng, thứ hai là từ gia đình, thứ ba là chúng ta trực tiếp đến các trường để có được sự định hướng tốt hơn về lựa chọn.

Phụ huynh và học sinh phải chia sẻ thông tin thường xuyên với nhau để định hướng ngành, trường sẽ thi vào.

Theo Ths Hứa Minh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính Marketing (bìa trái), để xác định đúng sở thích các em nên tham khảo trên nhiều kênh thông tin khác nhau - Ảnh: Khả Hòa

* Một bạn đọc ở Đà Lạt, Lâm Đồng đặt câu hỏi: Con tôi đang học lớp 12 chuyên Anh, học lực khá giỏi nhưng cháu nhút nhát. Con tôi nên học ngành gì?

- PGS-TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM): Tôi quan điểm khác với một số đồng nghiệp. Nếu nhút nhát nên chọn Quản trị kinh doanh vì chúng ta sẽ được học cách ăn cách nói, học cách lập luận, lập các đề tài, dự án. Nếu học giỏi, con của bạn sẽ hết nhút nhát. Nếu con bạn chuyên Anh nên thi vào ĐH Quốc tế.

Toàn cảnh buổi trực tuyến (P3)

* Em muốn thi ĐH Kinh tế TP.HCM, ngành Quản trị kinh doanh nhưng không biết ra trường có dễ kiếm việc làm không? Xin quý thầy cô tư vấn giúp em nhu cầu nhân lực của ngành nghề này trong tương lai.

- Tiến sĩ Trần Thế Hoàng: Về khía cạnh kinh tế, xã hội nếu chọn lựa ngành sai thì sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí xã hội, lãng phí thời gian, tiền bạc và nhân lực của cá nhân gia đình và xã hội. Vì vậy, học sinh cần chọn lựa đúng đắn.

Quan điểm của các trường ĐH là đào tạo căn bản, từ đó sau khi tốt nghiệp ra trường sinh viên có thể học cao hơn, tự đào tạo sâu hơn về nhiều lĩnh vực. Vì thế, các em không nên quá quan tâm nặng lắm về ngành đào tạo vì chúng ta còn có một quá trình chuyển đổi sau đó.

Tiến sĩ Trần Thế Hoàng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM khuyên các thí sinh không nên quá quan tâm về ngành đào tạo vì vẫn còn một quá trình chuyển đổi sau đó - Ảnh: Khả Hòa

ĐH Kinh tế TP.HCM, tuyển sinh theo một điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành. Sau đó, sinh viên mới được phân ngành căn cứ vào kết quả học tập của sinh viên qua 3 học kỳ. Đây cũng là một biện pháp giúp sinh viên học đúng ngành phù hợp với năng lực, sở thích của mình.

Ngành Quản trị kinh doanh của trường có nhiều chuyên ngành nhỏ để phù hợp với nhu cầu của xã hội về quản lý, quản trị doanh nghiệp.

Qua kinh nghiệm làm đào tạo, tôi thấy sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh của ĐH Kinh tế ra trường có mức độ thăng tiến, mức độ thành đạt cao.

Toàn cảnh buổi trực tuyến (P4)

* Trả lời thắc mắc của HS Trường THPT Lê Quý Đôn về ngành học CNTT và những yêu cầu đối với bản thân để có thể thành công trong tương lai, thạc sĩ Nguyễn Thị Hiếu - Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH QG TP.HCM) cho biết: Nhiều trường trên cả nước đều có ngành CNTT, về cơ bản ngành CNTT ở các trường giống nhau 70%, còn lại 30% là do mỗi trường tự thiết kế.

Theo thạc sĩ Hiếu, học ngành CNTT khi tốt nghiệp rất dễ dàng tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, thạc sĩ Hiếu cũng giới thiệu cụ thể về đặc thù ngành CNTT của Trường ĐH Khoa học tự nhiên như là trang bị cho sinh viên chuyên về phát triển phần mềm, công nghệ tri thức và chương trình tiên tiến; cũng như cơ hội chuyển lên bậc ĐH từ CĐ.

* HS Lê Trung Quyền, Trường THPT Lê Quý Đôn, thắc mắc: Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có đào tạo ngành Logictics. Vậy ngành này là ngành gì, ra trường làm việc ở đâu?

- Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho biết: Do nhu cầu vận chuyển, phân phối hàng hóa tăng cao, trong khi trước đây được thực hiện qua nhiều khâu. Do vậy, trước nhu cầu đó hiện nay xã hội và thế giới có nhu cầu liên kết các bộ phận đó lại với nhau. Đó chính là hoạt động của hệ thống Logictics mà em thắc mắc.

PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH QG TP.HCM) giao lưu cùng độc giả - Ảnh: Khả Hòa

Khi học ngành này, ngoài kiến thức cơ bản về kinh tế thì các em còn được cung cấp thêm hệ thống kiến thức về điều hành giao thông vận tải; điều phối các hệ thống của công ty vận tải bao gồm nhiều loại hình, cách vận hành ở kho bãi, cầu cảng,

PGS-TS Hồ Thanh Phong cho biết thêm, trường ĐH Quốc tế thì không có ngành Logictics. Tuy nhiên, trong ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp thì các em sẽ được học qua nội dung về Logictics. Học qua nội dung này sẽ giúp các em tìm được các mô hình, phương thức và tìm ra cách vận chuyển, cung cấp hàng hóa một cách tối ưu nhất.

* Một bạn đọc tên Phạm Thanh Bình gửi câu hỏi qua chương trình tư vấn: Tôi có nguyện vọng vào ngành luật, thi khối A hệ chính quy, học vào buổi tối, do ban ngày tôi phải đi làm. Vậy tôi phải làm sao để học được theo nguyện vọng?

- Trả lời bạn Phạm Thanh Bình, Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH QG TP.HCM) chia sẻ: "Hiện ĐH Kinh tế luật có tuyển sinh khối A, D1, ngành luật kinh tế, học ban ngày. Còn hệ đào tạo ngành học ban đêm vừa làm vừa học thì chỉ tuyển sinh khối C, thuộc hệ đào tạo không chính quy.

Bạn có thể liên hệ trực tiếp tại phòng đào tạo ĐH Kinh tế - Luật, mảng vừa làm vừa học để có thêm thông tin cụ thể hơn.

Toàn cảnh buổi trực tuyến (P5)

Toàn cảnh buổi trực tuyến (P6)

* Một bạn đọc ở Đồng Tháp hỏi: Em có học lực trung bình, điều kiện gia đình khó khăn. Em muốn thi vào trường Cao đẳng Kế toán. Xin thầy cô hướng dẫn trường nào thi dễ đậu?

- Thạc sĩ Lâm Thành Hiển - Phó hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng: Những trường lâu đời sẽ lấy điểm cao. Nếu em có học lực trung bình, em khó có thể đậu vào trường công lập nhưng em có thể có cơ hội đối với trường ngoài công lập.

Nếu em có hoàn cảnh khó khăn cũng không cần lo lắng vì Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ vay vốn (khoảng 900.000/tháng) nên có thể giúp ổn định việc học tập. Ngoài ra, các trường còn có chính sách học bổng.

Nếu hoàn cảnh gia đình khó khăn, em có thể chọn trường gần địa phương mình. Nếu học xa, cần lưu ý chỗ ở, ký túc xá, phương tiện vận chuyển.

Thạc sĩ Lâm Thành Hiển (phải) Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng trả lời thắc mắc của các em học sinh - Ảnh: Khả Hòa

* Một học sinh hỏi: Thưa quý thầy cô, có người nói thời buổi bây giờ học CĐ thì khó xin việc lắm. Em học lực trung bình, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Vậy em phải làm sao? Xin ban tư vấn cho em lời khuyên.

- Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn: Nếu học lực trung bình, gia đình không khá giả mà em muốn học kế toán thì thầy xin tư vấn như sau: Ít ai thi kế toán mà đăng ký NV1 vô CĐ lắm. Đó là điều kiện tốt nhất để em trúng tuyển CĐ. Em nên mạnh dạn thi ĐH và lấy kết quả đó để vào CĐ. Như thế khả năng trúng tuyển CĐ của em sẽ lớn.

Hiện nay, việc làm đối với ngành kế toán rất dễ. Do đó, sau khi tốt nghiệp CĐ kế toán, em có thể đi làm.

Toàn cảnh buổi trực tuyến (P7)

Toàn cảnh buổi trực tuyến (P8)

* Cũng về khối ngành kinh tế, một học sinh tại hội trường đặt câu hỏi về việc trong bốn năm nữa, ngành này có còn dễ kiếm được việc làm hay không?

Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Trần Thế Hoàng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết: Công nghệ kỹ thuật thế giới phát triển, nhưng ngành phân phối, vận chuyển, buôn bán, dịch vụ thì vẫn còn cần thiết. Chính vì vậy hệ thống tài chính ngân hàng trong nhiều năm tới vẫn sẽ thu hút nguồn nhân lực cao.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới thời gian qua, nhưng khối tài chính ngân hàng vẫn phát huy được nhiệm vụ trong xã hội. Đây cũng là ngành có điểm thi vào rất cao ở các trường ĐH. Muốn thi vào đạt kết quả tốt thì học sinh phải đạt mức học lực khá trở lên.

* Để chuyển sang các câu hỏi về nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ, nhà báo Thùy Ngân đặt câu hỏi về nhu cầu nhân lực của nhóm ngành này hiện nay và trong tương lai với Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM.

Dẫn chứng ra các số liệu của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực tại TP.HCM, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho biết trong tốp 10 ngành nghề có nhu cầu nhiều nhất hiện nay thì nhóm ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông xếp thứ 4; cơ khí ô tô và luyện kim xếp thứ 6...

Các em học sinh chăm chú theo dõi phần trả lời của các thầy, cô - Ảnh: Khả Hòa

Ngoài ra, trong quy hoạch phát triển nhân lực VN đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành thì nhu cầu đối với khu vực công nghiệp và xây dựng từ 2015 đến 2020 nhu cầu tăng khoảng hơn 0,5 triệu người.

Đối với các nhóm ngành nghề về GTVT nhu cầu nhân lực bổ sung từ 2015 đến 2020 là 100.000 người; còn CNTT là 170.000 người, hoặc nhân lực cho năng lượng hạt nhân là 3.700 người cho năm 2020.

Từ những số liệu đó, theo thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ thì nhu cầu khối ngành kỹ thuật công nghệ là rất cao trong tương lai.

* Một bạn đọc từ Bà Rịa - Vũng Tàu gửi câu hỏi cho chương trình: Ngành kỹ thuật cơ khí, cơ khí chế tạo máy, nghề nào dễ tìm việc. Nếu NV1 không đậu thì em nộp NV2 vào trường nào? Thu nhập nghề này cao không, xin việc ở đâu?

- Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: Trường ĐH của chúng tôi đào tạo ngành công nghệ chế tạo máy và sư phạm kỹ thuật cơ khí. Hiện có quá nhiều TS đổ xô thi vào ngành kinh tế vậy tại sao chúng ta không chuyển hướng vào ngành kỹ thuật. Ngành cơ khí chế tạo máy thì đào tạo kỹ sư cơ khí, trong khi ngành sư phạm cơ khí đào tạo kỹ sư cơ khí và có thêm chứng chỉ sư phạm để đi dạy.

Tuy nhiên về thời gian học thì ngành công nghệ cơ khí học 4 năm, ngành sư phạm cơ khí học 4,5 năm.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Khả Hòa

Cả hai đều nhận bằng kỹ sư cơ khí, riêng ngành sư phạm cơ khí thì cơ hội việc làm rộng rãi hơn. Ngành này cũng được miễn học phí và nhà trường cũng có nhiều chính sách học bổng hỗ trợ cho các em như học bổng từ các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề.

Cho đến nay trường đã 3 lần thực hiện cuộc điều tra sinh viên tốt nghiệp. Sinh viên các ngành kỹ thuật của trường trong 3 tháng đầu tiên sau khi tốt nghiệp có hơn 85% các em có việc làm, trong 6 tháng 100% có việc làm.

Toàn cảnh buổi trực tuyến (P9)

Toàn cảnh buổi trực tuyến (P10)

* Một bạn đọc ở Hội An gửi câu hỏi qua mạng: Em chưa hiểu rõ lắm ngành công nghệ nano. Học ngành này để làm gì? Cơ hội việc làm nhiều không?

- PGS-TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM): Theo hiểu biết của tôi, khi vật chất xuống kích thước cỡ nanômét có nhiều thay đổi đột biến nên có nhiều ứng dụng.

ĐH Quốc gia TP.HCM có đào tạo ngành học nano ở ĐH Bách khoa, liên kết với Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Để học được ngành này, HS cần kiến thức vững chắc về hóa, lý. Đặt biệt là hóa phân tử, thậm chí nền tảng về toán, cơ học...

Ở ĐH Quốc gia TP.HCM, có hệ thống thí nghiệm nano trọng điểm có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo.

* Trả lời câu hỏi của một học sinh tại hội trường, ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp có cơ hội việc làm như thế nào, thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH QG TP.HCM) cho biết: Trên thế giới có hai xu hướng đào tạo quản trị kinh doanh là tổng hợp và chuyên sâu.

Về định hướng quản trị kinh doanh tổng hợp, ở Trường ĐH Kinh tế - Luật đào tạo theo tín chỉ. Ở trường cung cấp khối lượng lớn môn học tự chọn để sinh viên có thể định hướng cho nghề nghiệp của mình để tuy là học quản trị kinh doanh tổng hợp nhưng vẫn có khả năng chuyên sâu khi ra trường, đó là ưu thế của ngành này.

Tiếp phần trả lời trên, tiến sĩ Trần Thế Hoàng cho biết, trong bậc đại học, sinh viên được trang bị kiến thức căn bản để có thể thâm nhập vào những lĩnh vực khác nhau. Ngành quản trị kinh doanh tổng hợp có ưu thế là có cái kiến thức tổng quát để người học có thể tự phát huy trong ngành nghề mà mình chọn.

Toàn cảnh buổi trực tuyến (P11)

* Một

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120320/truc-tuyen-gio-g-chon-nganh.aspx