Tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm

Dưới ngòi bút của tác giả Lưu Đình Vinh, tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm thấm đượm triết lý về nước, về dân, phản ánh lập trường tích cực của giới trí thức đương thời.

Lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVII nửa đầu thế kỷ XVIII - giai đoạn triều đình phong kiến Lê - Trịnh bước vào suy thoái, có những biến chuyển đặc biệt trên các mặt kinh tế - chính trị - xã hội. Chiến tranh liên miên giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, nền kinh tế nông nghiệp sản xuất yếu, lạc hậu, thường xuyên chịu hạn hán, lũ lụt gây mất mùa, đói kém làm cho đời sống nhân dân khổ cực, phải phiêu tán khắp nơi, xã hội trì trệ và bảo thủ.

Ngô Thì Nhậm - trí thức thức thời, nổi bật tinh thần yêu nước, vì dân

Bối cảnh xã hội trên đã dẫn đến chia rẽ sâu sắc trong tầng lớp trí thức Nho học Việt Nam lúc bấy giờ. Có những trí thức bảo vệ trói mình trong nguyên tắc “trung thần bất sự nhị quân” khô cứng của đạo Nho hay những người trí thức bi quan trước thời cuộc, không ra làm quan, muốn giữ sự “trong sạch thánh hiền” không màng đến chính sự.

Đồng thời, cũng có những trí thức thức thời, đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên hết, đứng về phía nhân dân, cùng nhân dân, với nghĩa quân Tây Sơn chống lại sự xâm lược, ngăn chặn sự xâm lược lần thứ hai của triều đình Mãn Thanh, tái thiết đất nước sau chiến tranh, tiêu biểu như Nguyễn Thiếp, Phan Huy Ích, Ninh Tốn, Nguyễn Bá Lân, Trần Bá Lãm, Ngô Thì Nhậm...

 Tượng thờ Ngô Thì Nhậm trong Điện thờ Tây Sơn tam kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định). Ảnh: Wikipedia.

Tượng thờ Ngô Thì Nhậm trong Điện thờ Tây Sơn tam kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định). Ảnh: Wikipedia.

Trong những cái tên trên, Ngô Thì Nhậm trở thành nhân vật đặc biệt của lịch sử Việt Nam thế kỷ XVIII vì đã dũng cảm vượt qua tư tưởng Nho giáo tồn tại hàng trăm năm, làm những việc mà trí thức thủ cựu không ai dám làm, đó là đứng về phía những người nông dân áo vải Tây Sơn. Đối với người đương thời, Ngô Thì Nhậm đã biết và nhận mình là một “cô châu” (con thuyền đơn độc).

Tư tưởng của Ngô Thì Nhậm được sự quan tâm của các thế hệ trí thức Việt Nam. Tác giả Lưu Đình Vinh đã lật lại nhiều trang sử liệu để xem xét những quan điểm trái chiều mà các nhà sử học dành cho Ngô Thì Nhậm.

Qua đó tác giả Lưu Đình Vinh nhận định nhiều bộ sách đã có cái nhìn phiến diện, khắt khe, đầy tính chủ quan đối với Ngô Thì Nhậm dưới ảnh hưởng của đời sống chính trị - xã hội đương thời. Đến trước Cách mạng tháng Tám, xuất hiện những bài nghiên cứu lên tiếng bênh vực, minh oan cho Ngô Thì Nhậm.

Việc tiếp tục đánh giá tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm từ Cách mạng tháng Tám ở miền Bắc tới năm 1975 dần mang tính khách quan và khoa học, song cũng có những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, xuất hiện những đánh giá mang tính khách quan hơn, tập trung vào công lao của ông, đồng thời khẳng định tinh thần yêu nước vô bờ bến của Ngô Thì Nhậm như Vấn đề đánh giá Ngô Thì Nhậm (Vũ Khiêu, tạp chí Văn học số 4/1973).

Tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm trong bối cảnh hiện nay

Dựa trên các sử liệu tham khảo phong phú, tác giả Lưu Đình Vinh đã làm rõ tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm qua 3 chương trong sách chuyên khảo Tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm.

 Sách Tư tưởng yêu nước Ngô Thi Nhậm. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM.

Sách Tư tưởng yêu nước Ngô Thi Nhậm. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM.

Trong đó, Chương 1 bàn về những điều kiện (kinh tế-xã hội, chính trị-xã hội), tiền đề (giá trị truyền thống yêu nước của dân tộc, quan điểm luân lý - đạo đức, chính trị - xã hội của Nho giáo và triết lý đạo đức nhân sinh của Phật giáo), các nhân tố chủ quan (truyền thống gia đình, khát khao cống hiến, ý chí kiên trì) đã góp phần tạo nên tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm với những giai đoạn hình thành và phát triển.

TS Lưu Đình Vinh dành chương II của cuốn sách để đi sâu bàn luận về nội dung tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm từ các quan điểm: khoan thư sức dân (xem dân là gốc, chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục dân), chữ "Trung" ("trung" gắn liền với "tín", "trung" trong mối quan hệ hai chiều vua-tôi), tinh thần tự tôn và lòng tự hào dân tộc (đề cao giá trị văn minh Việt Nam, tình cảm đối với cảnh đẹp quê hương đất nước, khát vọng hòa bình và độc lập dân tộc), đấu tranh bảo về chủ quyền và độc lập (nghệ thuật nắm bắt thời cơ, giành thế chủ động, đàm phán ngoại giao).

Trong chương III, tác giả đúc kết những đặc điểm cơ bản của tinh thần yêu nước Ngô Thì Nhậm: tinh thần tích cực của trí thức phong kiến, tinh thần hành động, sự linh hoạt, uyển chuyển trước những biến cố của thời cuộc, tinh thần dân tộc, tính nhân văn sâu sắc nhưng vẫn còn tính cục bộ, dung hòa và thiếu triệt để. Từ đây, tác giả đúc kết ý nghĩa lịch sử của tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm đối với tư tưởng yêu nước Việt Nam truyền thống, với tư tưởng yêu nước và phong trào đương thời cũng như với việc kế thừa, phát huy tư tưởng yêu nước trong giai đoạn hiện nay.

TS Nguyễn Trọng Nghĩa, Giảng viên chuyên ngành Lịch sử Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét Tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm là "một chuyên khảo có giá trị", thể hiện ở chỗ: "Cuốn sách được biên soạn theo thể triết - sử và được dựa trên nguồn tài liệu phong phú mà các bài viết, sách có chủ đề tương tự ít có. Mặc dù có thể vẫn còn nhiều điều đang bỏ ngỏ, nhưng đây vẫn là cuốn sách có ích cho những ai quan tâm đến lịch sử tư tưởng Việt Nam, cụ thể là lịch sử tư tưởng hồi cuối thế kỷ XVIII".

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/tu-tuong-yeu-nuoc-ngo-thi-nham-post1456412.html